Côn trùng “tấn công” nhà dân do... bị đột biến

Google News

(Kiến Thức) - Chính thói quen lạm dụng thuốc diệt côn trùng của người dân đã làm cho nhiều loài côn trùng đột biến và tấn công vào nhà dân...

Nhiều loài côn trùng đột biến

Ghi nhận của phóng viên tại hội thảo quốc tế "Thực trạng và vai trò dịch tễ của bọ xít hút máu tại Việt Nam" cho thấy, nhiều chuyên gia côn trùng lo lắng trước tình trạng bọ xít hút máu cũng như nhiều loài côn trùng đang phát triển một cách đột biến. 

Theo khảo sát của TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng thực nghiệm, Viện Sinh thái & Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam), tại các ổ bọ xít hút máu bắt được ở các gia đình thì ổ ít nhất cũng trên 50 con, còn ổ lớn nhất đến hàng nghìn con. Tất cả các con này đều chứa nhiều máu đỏ. Không những thế, bọ xít hút máu đang có xu hướng tràn vào thành phố thay vì ở vùng nông thôn như các loài bọ xít khác. Điều đáng nói là khi các căn hộ ở thành phố không còn nuôi gia cầm như gà, vịt... thì chúng đốt chuột và nhanh chóng chuyển sang đốt người. Vì thế, nguy cơ gây bệnh cho người ngày càng cao.

Ngoài ra, một số loài cũng được xem có sự đột biến như kiến ba khoang, bọ đậu đen... TS Phạm Thị Khoa, Trưởng khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư cho biết: Mấy năm gần đây, nhiều loài côn trùng đột biến và tấn công vào nhà dân khiến nhiều người bất an. Kiến ba khoang là một ví dụ điển hình. Trước đây, loài này chỉ sống ở đồng ruộng và là loài thiên địch tốt cho người nông dân. Thời gian gần đây, tỷ lệ kiến ba khoang vào nhà đốt người gia tăng đột biến và chưa có dấu hiệu dừng lại. 

Bên cạnh đó, loài bọ đậu đen cũng vào nhà nhiều. Có những nhà dân, bọ vào đen cả nhà, khi tiêu diệt xong tích lại được mấy bao tải loại 50kg. Điều đáng nói, loài này thông thường chỉ sống trong đất nhưng hiện nay lại bay vào nhà dân và gây cho nhiều người bị viêm da tiếp xúc. Ngoài ra, nhiều côn trùng người ta còn bắt được ở các tầng cao, kể cả tầng 15 trở lên của tòa nhà. 

Ảnh minh họa. 

Tác hại của việc sử dụng thuốc

TS Trương Xuân Lam cho hay, một trong những nguyên nhân khiến côn trùng đột biến chính là do người dân đang lạm dụng thuốc diệt côn trùng, thuốc trừ sâu. Thuốc "thủ tiêu" côn trùng có hại nhưng đồng thời cũng diệt luôn côn trùng có lợi (còn gọi là thiên địch) gây nên sự mất cân bằng sinh thái cũng như sinh ra sự "biến thái" của côn trùng có lợi. Lúc này côn trùng có lợi phải tìm đường sống bằng cách bay vào khu ít thuốc hơn là thành phố, nhà ở hoặc chuyển đổi cách sống là tấn công người. 

TS Phạm Thị Khoa phân tích thêm, chính thái độ ứng xử với môi trường của con người đã khiến côn trùng nhờn thuốc và "nổi giận". Ví dụ có những gia đình năm nào cũng phun thuốc diệt muỗi tồn lưu, hay người nông dân mỗi mùa đều phun vài lần thuốc trừ sâu... Và khoảng 2 - 3 năm các loại côn trùng sẽ quen và kháng thuốc đó. Trong khi hiện nay, để nghiên cứu ra loại thuốc trừ sâu, diệt côn trùng mới có độ bền vững không cao rất khó. Trước nguy cơ đó, con người là đối tượng phải gánh chịu những "đòn" do mình đưa ra. 

Các chuyên gia khuyên, khi bắt gặp bọ xít hút máu vào nhà nói riêng hay côn trùng nói chung nên vận dụng cách diệt bằng cách thủ công trước tiên như diệt bằng tay, bằng khói, hơi nóng... Bên cạnh đó, cần vệ sinh nhà cửa và môi trường sống xung quanh nhà để hạn chế điều kiện làm tổ của côn trùng. Trường hợp sử dụng thuốc phun là cuối cùng, hạ sách với điều kiện bất khả kháng. Đối với đồng ruộng nên có quy trình phun thuốc hợp lý. Hãy tận dụng thiên địch để tiêu diệt sâu bệnh. 

Hiện nay, tại Viện Sinh thái & Tài nguyên sinh vật đang nhân giống, phát triển nhiều loài thiên địch cho các đồng ruộng như một số loài ong ký sinh... Kết quả thực nghiệm cho thấy đạt kết quả cao và có thể áp dụng trên mô hình rộng lớn, giúp người dân tiết kiệm chi phí, sản phẩm an toàn.


TIN LIÊN QUAN:
TIN ĐỌC NHIỀU
Thu Hiền

Bình luận(0)