Dải Gaza luôn là một địa điểm nhạy cảm về chính trị với các cuộc xung đột xảy ra liên miên. Tuy nhiên, sức mạnh tiềm tàng về phát triển công nghệ tại đây đang dần được khám phá và bồi dưỡng, khiến cho Gaza dần trở thành mảnh đất hứa hẹn cho các startup công nghệ non trẻ.
Năm 2013, cựu sinh viên Harvard kiêm cựu nhân viên Google - Iliana Montauk - quyết định chuyển tới Dải Gaza lập nghiệp. Lúc đó, điều khiến cô ấn tượng nhất không phải sự đói nghèo, không phải các đống đổ nát từ các cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ hay thiếu thốn điện nước mà chính là nỗ lực vươn lên không ngừng và sự quyết tâm đổi đời của các công dân nơi đây.
Montauk nhớ lại, “Ngoài Harvard và Silicon Valley, tôi chưa từng thấy ai làm việc chăm chỉ như giới trẻ ở Dải Gaza. Mọi người ở đây chỉ muốn sống một cuộc sống bình thường.”
Montauk tìm cách khai thác nguồn năng lượng dồi dào đó thông qua Gaza Sky Geeks (GSG), một startup đang trong giai đoạn nước rút được triển khai ngay trong thành phố Gaza. Được hỗ trợ bởi Google và điều hành bởi tổ chức từ thiện của Mỹ Mercy Corps, startup này nuôi dưỡng những ý tưởng kinh doanh và kết nối doanh nghiệp với các nhà đầu tư. Các gương mặt trẻ đến từ Berkeley, California đã trở thành nhân sự nòng cốt của startup. Những nhân tố tài năng này hứa hẹn sẽ làm nên chuyện trong lĩnh vực công nghệ cao tưởng như bất khả thi tại khu vực đang bị chiếm đóng bởi nhóm Hồi giáo Hamas.
Cho đến nay, 4 công ty con thuộc GSG đã nhận được nhiều khoản đầu tư từ các quỹ liên minh Ả Rập. Trong đó, công ty con có tên Tevy cho phép khán giả xem TV có cơ hội trò chuyện về chương trình đang phát sóng; công ty Datrios hoạt động như một mạng xã hội của những người yêu bóng đá Ả Rập; Wasselni là dịch vụ đi chung xe taxi áp dụng tại các thành phố Trung Đông có hệ thống giao thông đông đúc; và cuối cùng là DWBI - giải pháp tự động hóa phân tích dữ liệu. Theo kế hoạch, Montauk đặt mục tiêu sẽ tiếp tục bảo đảm kinh phí cho 4 startup mới khác thuộc dự án tổng hợp GSG trong năm nay.
|
CEO Iliana Montauk trên nóc trụ sở Gaza Sky Geeks. |
Trong suốt 8 năm bị quân Israel phong tỏa,
khu vực Dải Gaza rất hạn chế nhập khẩu các loại vật liệu như bê tông và hóa chất bởi mối lo ngại người dân gây bạo loạn. Tuy nhiên, máy tính và smartphone lại được tự do lưu hành rộng rãi. Không khác mấy với phần còn lại của thế giới, giới trẻ Gaza cũng… nghiện các mạng xã hội như Twitter và Facebook. Bên cạnh đó, theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ thất nghiệp ở Dải Gaza lập kỷ lục với 43%. Điều đó có nghĩa các ngành công nghệ cao đang phải đối mặt với việc gần như không có “đất dụng võ” cho những cái đầu có óc tư duy sáng tạo.
Tại văn phòng GSG gần cảng biển Dải Gaza, khu vực giao thương thịnh vượng một thời hiện tại đang bị đóng cửa do phong tỏa, Iliana đã cho tổ chức một cuộc hội thảo kéo dài 5 ngày trong tháng 6 vừa qua nhằm trao đổi về các startup mới nhất trong lĩnh vực công nghệ. Tham gia hội thảo có khoảng 40 doanh nhân đầy tham vọng, nhiệt huyết giới thiệu về startup của bản thân. Trong số đó, hầu hết nam giới ăn vận đơn giản với quần jeans và áo thun trong khi phụ nữ vẫn kín đáo trong khăn trùm đầu và váy dài. Họ chăm chú lắng nghe, tập trung làm việc trên laptop và smartphone, trao đổi bằng tiếng Anh với các cố vấn viên giàu kinh nghiệm đến từ San Francisco, Vương quốc Anh và Dubai.
Nhìn chung, mỗi startup đều có có vô số những trở ngại không tên. Ưu tiên hàng đầu đặt ra luôn là một kế hoạch kinh doanh ổn định và có tính lâu dài, thường sẽ là một thỏa thuận với một công ty có uy tín ở khu vực Bờ Tây hoặc các văn phòng ở nước ngoài nhằm đảm bảo startup vẫn tiếp tục được duy trì nếu xung đột bùng nổ. Không nói đâu xa, nội việc gặp gỡ các đối tác tiềm năng cũng là một vấn đề khiến các doanh nhân trẻ đau đầu, bởi lẽ các sân bay ở Gaza đã bị đóng cửa trong hơn 10 năm qua, và người dân địa phương phải có sự chấp thuận của chính phủ Israel hoặc Ai Cập mới được rời đi nơi khác.
Trong số những người tham dự, Nawal Abusultan, 32 tuổi, sở hữu trang web MENAship nhằm kết nối sinh viên Ả Rập với các học bổng đại học ở nước ngoài, chia sẻ về lần đầu tiên biết đến GSG từ một bài đăng trên Facebook. Lúc đó, cô hoàn toàn không có một khái niệm gì về startup. Cho tới hôm nay, Abusultan đã có một nhóm 4 người và phiên bản thô của trang web cô ấp ủ, với nội dung các bài viết được đích thân cô tìm kiếm và đúc kết. Tuy đang trên đà phát triển nhưng cô cũng thừa nhận rằng việc triển khai startup tại Dải Gaza cũng khiến cho nhóm gặp nhiều khó khăn như tình trạng thiếu thốn điện và kết nối Internet không ổn định.
Mohammed Ezzdeen, 27 tuổi, đang là nhân viên của công ty game điện thoại di động Baskalet. Công ty này vừa cho ra mắt sản phẩm đầu tiên – trò chơi đua xe với ngôn ngữ Ả Rập. Trước đó không lâu, anh đã bỏ việc tại một công ty gia công phần mềm để toàn tâm toàn ý cho startup với Baskalet. Anh còn chia sẻ mình hoàn toàn kiểm soát được những khó khăn khi làm việc tại Gaza. Mohammed giải ngũ sau cuộc xung đột Israel - Hamas vào mùa hè năm ngoái. Trận đụng độ này gây thiệt hại nặng nề đến khu nhà anh, rất may gia đình anh vẫn an toàn. Kể từ đó, anh hạ quyết tâm sẽ làm việc thật chăm chỉ để gây dựng lại mọi thứ.
Trong số các đại diện tham dự hội thảo nói trên, cố vấn viên Ted McCarthy, từng làm việc ở công ty tư vấn công nghệ ThoughtWorks Inc. tại San Francisco, đã thừa nhận rằng trước chuyến đi này tới Dải Gaza, ông khá hoài nghi về khả năng thành công của các startup công nghệ trong một môi trường khó khăn như vậy. Tuy nhiên, ông thực sự ngạc nhiên trước hàng loạt ý tưởng startup đầy tiềm năng, hứa hẹn một sự khởi đầu thuận lợi cho các doanh nghiệp mới tại đây.
Việc chuyển giao công nghệ của GSG và hướng trọng tâm tới các công ty có tiềm năng là một trong số các ưu tiên hàng đầu của CEO Montauk. Sau khi tốt nghiệp Harvard vào năm 2006, cô được nhận vào Google và tập đoàn tư vấn Monitor Group. Sau đó một thời gian, cô chuyển tới Jordan nhờ học bổng Fulbright. Đến năm 2013, cô được Tổ chức phát triển quốc tế Mercy Corps giao trọng trách biến GSG - từ một chương trình chủ yếu giáo dục người trẻ về lĩnh vực công nghệ - thành một nơi có thể giúp họ xây dựng doanh nghiệp riêng của bản thân.
Mặc dù Google đã bỏ tới 900,000 USD cho chi phí ban đầu nhưng hiện tại Mercy Corps và GSG đã chuyển sang huy động vốn cộng đồng nhằm triển khai các sự kiện và chi trả cho các khoản phí cơ bản như tiền thuê nhà, tiền lương và truy cập Internet. Một chiến dịch gọi vốn trực tuyến vừa kết thúc vào tháng 1 đã thu về hơn 250,000 USD từ khoảng 800 người.
Ông Shikhar Ghosh, giảng viên kinh doanh tại Trường Kinh doanh Harvard cũng bày tỏ quan điểm, "Xây dựng thành công một hệ sinh thái công nghệ cao trong lãnh thổ Palestine là quan điểm bắt kịp thời đại nhưng lại không hề đơn giản, đặc biệt với các sản phẩm nhắm đến đối tượng khách hàng là tầng lớp trung lưu đang lên của Ả Rập".
Trong một chuyến đi Bờ Tây vào năm ngoái, ông cho biết, "Các công ty tôi từng tiếp xúc đều có quan điểm kinh doanh rất mới mẻ, họ tìm kiếm cơ hội ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi thay vì các nước phương Tây”. Ví dụ điển hình cho điều này là Yamsafer, một trang web đặt phòng khách sạn giá phải chăng cho du khách Ả Rập. Ghosh còn cho rằng, do có chi phí và định giá thấp hơn so với các trung tâm công nghệ lớn nên đây là một “phi vụ” có tương lai rất sáng sủa, ngay cả đối với các nhà đầu tư mạo hiểm của phương Tây.
Iliana Montauk nói thêm, “Mặc dù các ngành công nghệ cao của Israel rất sẵn lòng hỗ trợ chúng tôi, nhưng trong bối cảnh hiện tại, một mối quan hệ quá gần gũi rất có thể sẽ là nguy cơ cho những vấn đề phức tạp khác về sau”.
Cho đến thời điểm hiện tại, Montauk dường như vẫn đang đánh cược sự nghiệp vào nhiệt huyết của thế hệ trẻ trên Dải Gaza. Montauk từng lo ngại rằng cuộc xung đột giữa Israel và Gaza năm 2014 – trong đó có hơn 2000 người Palestine và 70 người Israel thiệt mạng – sẽ làm mất tinh thần các doanh nhân của GSG. Nhưng cô đã nhầm. Cô chia sẻ, “Khi tôi trở về văn phòng, đã có 60 người ngồi ở đó, chỉ để chờ đến lượt được nói về startup của mình”.
Thế mới thấy, bất luận về tình hình chính trị luôn diễn biến căng thẳng tại dải đất dọc Địa Trung Hải này, những người trẻ ở đây luôn có một nội lực phi thường để vươn lên làm chủ. Có thể họ sẽ phải đối mặt với hàng tá khó khăn trực chờ, có thể thành công sẽ đến muộn, nhưng điều cốt lõi là họ đã cho thế giới thấy một thế hệ trẻ không buông xuôi, phụ thuộc; có tư duy nhạy bén, thức thời không thua kém bất kỳ một khu vực nào trên thế giới.