Trong những ngày vừa qua, vụ việc tình báo Mỹ nghe lén điện thoại của người dùng nhiều nước cũng như các nguyên thủ quốc gia hàng đầu ở châu Âu và châu Á đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bảo mật của mạng viễn thông trên phạm vi toàn thế giới.
Những quốc gia bị Mỹ nghe lén đều có cơ sở hạ tầng viễn thông tầm cỡ và chế độ bảo mật cực cao, vậy câu hỏi đặt ra lúc này là: Liệu người dùng, tổ chức và các cơ quan nhà nước ở Việt Nam có tránh được nguy cơ trên?
Để làm rõ vấn đề này, báo chí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Bkav:
- Đứng dưới góc độ một chuyên gia bảo mật, ông có giả thiết nào về cách thức được tình báo Mỹ sử dụng để nghe lén điện thoại của công dân và lãnh đạo các nước hàng đầu tại châu Âu, châu Á trong thời gian vừa qua?
Chúng tôi cũng đang trong giai đoạn tìm hiểu vụ việc này nhưng vẫn chưa nắm chắc chắn về mặt công nghệ.
Theo một số nguồn tin, phía Mỹ có một số thiết bị đặt trong các văn phòng hoặc đại sứ quán, gần nơi những người bị nghe lén. Về nguyên tắc thì như vậy nhưng để trả lời cụ thể thế nào thì vẫn cần thời gian.
|
Ảnh minh họa.
|
- Với trình độ bảo mật hạ tầng viễn thông cao như ở châu Âu mà lãnh đạo những quốc gia này còn bị nghe lén thì về phía cơ quan, tổ chức nhà nước của Việt Nam, tình trạng này có thể xảy ra không?
Theo chúng ta được biết, công nghệ viễn thông ở các nước châu Âu là cực kỳ tiên tiến, bởi họ là nơi khai sinh ra các công nghệ này, tuy nhiên kết quả là họ vẫn bị nghe lén. Điều này chứng tỏ, việc bị nghe lén ở các nước khác đều là nguy cơ hiện hữu, trong đó không ngoại trừ cả Việt Nam.
- Báo chí quốc tế cho rằng việc Thủ tướng Đức Angela Merkel có sử dụng những chiếc điện thoại như BlackBerry Z10 chính là nguyên nhân dẫn tới việc bị nghe lén. Vậy theo ông, việc sử dụng điện thoại của các hãng sản xuất "thân" Mỹ có làm tăng khả năng bị nghe lén?
Thực tế, để một cuộc gọi đến hoặc đi bị nghe lén thì có mấy nguyên nhân sau: Trước hết là bản thân hạ tầng viễn thông bị nghe lén; Thứ hai, người dùng sử dụng điện thoại smartphone bị cài phần mềm ghi lại cuộc gọi và nguyên nhân thứ ba là phần cứng hoặc hệ điều hành trong chiếc điện thoại đã bị thay đổi nhằm mục đích nghe lén người dùng.
Về mặt lý thuyết, những nhà sản xuất điện thoại hoàn toàn có thể thiết kế phần cứng hoặc hệ điều hành trên chiếc điện thoại để biến nó trở thành một thiết bị nghe lén.
- Trong những năm gần đây đã xuất hiện một số phần mềm nghe lén và thiết bị chuyên dụng được giao bán công khai trên mạng. Vậy vấn đề nghe lén điện thoại ở Việt Nam đã đến mức đáng báo động chưa?
Những phần mềm và thiết bị dạng này đã từng được cảnh báo nhưng hầu hết các vụ việc đều ở góc độ cá nhân như vợ muốn nghe điện thoại của chồng, người này muốn dò xét người kia ...
|
Thủ tướng Đức Angela Merkel có sử dụng những chiếc điện thoại như BlackBerry Z10 chính là nguyên nhân dẫn tới việc bị nghe lén.
|
Tuy nhiên, những phần mềm và thiết bị này không chỉ nghe lén các cuộc gọi mà những thông tin khác như tin nhắn, email, vị trí địa điểm của người dùng... đều bị theo dõi 100%.
Có thể nói đây là vấn đề khá nguy hiểm nhưng không quá phổ biến và đã từng được cảnh báo tại Việt Nam rồi.
Còn việc sử dụng công nghệ cao để nghe lén thông qua hạ tầng mạng viễn thông như tình báo Mỹ thì chưa xảy ra ở nước ta.
- Đặt ra một giả thiết, nếu hiện tại kẻ gian chủ đích muốn nghe lén điện thoại của người dùng qua đường hạ tầng mạng viễn thông. Vậy theo ông với chế độ bảo mật của các nhà mạng tại Việt Nam hiện nay khả năng trên có thực hiện được không?
Với những cách thức đã nói đến ở trên, việc nghe lén có thể xảy ra ở các nước khác thì khả năng thực hiện điều đó ở Việt Nam là hoàn toàn hiện hữu.
Việc nhà mạng có thể tránh được hoàn toàn việc xâm nhập dạng này hay không là điều khó có thể khẳng định.
Tuy nhiên với các hệ thống bảo mật của mình, nhà mạng hoàn toàn có thể phát hiện ra hạ tầng của mình có bị nghe lén hay không, vấn đề chỉ nằm ở thời gian là sớm hay muộn.
- Để phòng chống bị nghe trộm điện thoại, người dùng có những biện pháp nào?
Người dùng smartphone cần lưu ý không cài đặt những phần mềm điện thoại không rõ nguồn gốc, đồng thời cần trang bị các phần mềm bảo mật nhằm phòng chống xâm nhập khi thiết bị truy cập internet.
Bên cạnh đó, cần hạn chế cho mượn điện thoại, bởi khả năng người mượn có thể thực hiện cài đặt các phần mềm nghe lén là hoàn toàn có thể xảy ra.
Còn nếu bị nghe lén theo kiểu hạ tầng mạng viễn thông thì vấn đề này lại thuộc về phía các nhà mạng. Họ cần đầu tư, nâng cấp các giải pháp bảo mật cũng như kiểm tra thường xuyên xem hệ thống có bị xâm nhập hay không, đồng thời mau chóng đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.
Vâng, xin cám ơn ông !