Theo các chuyên gia, cá sấu ở nước ta không tấn công người. Ngay cả khi gặp cá sấu cũng không có gì là nguy hiểm nếu có kỹ năng xử lý.
- Sáng 12/10, sau nhiều ngày mưa tầm tã, hàng rào cao 2,4m bảo vệ trại cá sấu của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Quốc Việt ở xã Định Bình (TP Cà Mau) bị hỏng. Có khoảng 100 con trong tổng số 580 con cá sấu nuôi ở đây đã sổng chuồng khiến người dân hoang mang. Theo các chuyên gia, cá sấu ở nước ta không tấn công người. Ngay cả khi gặp cá sấu cũng không có gì là nguy hiểm nếu có kỹ năng xử lý.
Cá sấu là loài hiền lành
GS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cho biết, cá sấu có tập tính ở dưới nước là chính. Khi trời nắng chúng mới bò lên cạn phơi nắng. Thức ăn chính của các sấu là cá, ốc. Bình thường cá sấu không tấn công người. Chúng chỉ tấn công khi ở trong tình huống bị săn bắt, trêu chọc, ném gạch đá... giống như một bản năng tự vệ.
Cá sấu thích ở trong những môi trường ẩm ướt như bãi cát, bãi đá, vùng đầm lầy. Tuy bề ngoài trông có vẻ hung dữ nhưng cá sấu là loài di chuyển chậm và phạm vi di chuyển cũng không nhiều, chỉ loanh quanh trong bán kính của các ao hồ lân cận. Chúng cũng không có khả năng vượt qua các chướng ngại vật lớn như tường rào, tấm chắn. Vì thế, người dân không nên quá lo lắng cá sấu sẽ vào nhà tấn công người.
Ở nước ta có 2 loài cá sấu là cá sấu nước ngọt và cá sấu nước lợ. Trước đây cá sấu nước ngọt tập trung nhiều ở hồ Lắc (Đăk Lăk), Krong Chai (Phú Yên), Bầu Sấu (Cát Tiên)... Tuy nhiên do hoạt động giết thịt bừa bãi, loài cá sấu này đến nay gần như đã tuyệt chủng trong tự nhiên. Chỉ còn lại một vài con được nuôi ở Thảo Cầm Viên (TPHCM) nhằm giữ lại gen của loài. Cá sấu nước lợ là phổ biến nhất, nhiều nhất là ở Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Ngoài ra, ở một số nơi, họ cũng nuôi cá sấu con phục vụ mục đích giải trí như cho du khách câu.
|
Đưa cá sấu bắt được về trại. |
Dễ bắt lại
GS Đặng Huy Huỳnh cho biết, đối với những con cá sấu đã sổng chuồng, việc bắt lại không quá khó khăn. Dù các đơn vị liên quan đã tham gia vây bắt nhưng đến nay, người ta vẫn chưa thể khẳng định còn sót lại bao nhiêu con. Với những cá thể cá sấu chưa bắt được, có một cách đơn giản là sử dụng lưới quây. Cá sấu rất thích ăn cá. Chỉ cần giăng lưới ở các ao hồ xung quanh đó, cho một số cá nhất định vào trong lưới. Cá sấu sẽ mò vào tìm thức ăn và sẽ dính bẫy.
TS Phạm Trọng Ảnh, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật khuyên, trường hợp bà con gặp cá sấu thì không nên có hành động ném đất đá hay dùng gậy gộc đánh vào người chúng. Nên báo ngay cho các cơ quan chức năng để bắt cá sấu về hồ. Nếu không có đe dọa về tính mạng thì cá sấu cũng hiền lành như các loài vật nuôi khác.
Tuy hiền lành, nhưng cũng cần phải cảnh giác với những cá thể cá sấu có những biểu hiện bất thường do thay đổi môi trường sống đột ngột. Trẻ em không được lại gần cá sấu hoặc khu vực có cá sấu. Vì có khả năng, cá sấu sẽ nhầm tưởng trẻ là thức ăn. Hoặc trường hợp thấy cá sấu há miệng, trẻ sẽ sợ hãi mà ngã vào miệng chúng.
Theo các chuyen gia, loại cá sấu ăn thịt người chỉ có ở trong các rừng rậm của châu Phi. Còn cá sấu ở nước ta là loài rất lành, giống như chó, mèo nuôi trong nhà vậy. Vì thế, người dân có thể yên tâm, không nên quá lo lắng về việc bị cá sấu tấn công hay ăn thịt. Hơn nữa, đến nay, ở Việt Nam cũng chưa bao giờ xuất hiện loại cá sấu tấn công người hay ăn thịt người.
Ngày 15/10, ông Phan Hoàng Dũng, Trưởng Phòng pháp chế Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết, có khả năng chỉ khoảng 100 con cá sấu (trong ao 580 con) bị sổng chuồng vào rạng sáng 12/10 tại trại cá sấu của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Quốc Việt ở xã Định Bình, TP Cà Mau, Cà Mau. Đến thời điểm này, có hơn 70 con cá dữ bị thợ săn đến từ Bạc Liêu và người dân địa phương bắt được. Có khả năng ở ao đìa, mương nước của người dân trong vùng còn khoảng 20 con cá sấu sổng chuồng. Hiện nay, nhóm thợ săn tiếp tục dùng xung điện bắt cá khi nước trong ao được bơm cạn dần. |
Tô Hội
[links()]