Bệnh tiểu đường do người cổ đại mang tới

Google News

(Kiến Thức) - Tác nhân di truyền gây nguy cơ mắc tiểu đường loại 2 mới được phát hiện trong bộ gen của người cổ đại khiến cả giới khoa học ngạc nhiên.

 Người Neanderthal.
Trong điều kiện môi trường như nhau, người Mỹ gốc Mexico và người dân châu Mỹ Latin thường có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn 2 lần so với các nhóm người khác. Mới đây, nhóm nghiên cứu quốc tế về căn bệnh này có tên gọi SIGMA đang tiến gần hơn đến câu trả lời cho hiện tượng đó.
Theo nghiên cứu lớn nhất về di truyền tiểu đường loại 2, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích DNA của hơn 8.000 người Mexico và người dân sống ở Mỹ Latin. Họ đã phát hiện ra một biến thể gen có liên quan khá mật thiết đến sự phát triển bệnh.
Những người mang bản sao biến thể gen này – được đặt tên là SLC16A11 – có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 lớn hơn 25% so với những người khác. Nếu được kế thừa biến thể gen từ bố mẹ - có nghĩa là có hai bản sao – thì tỷ lệ mắc bệnh là 50%.
Theo ước tính, sự thay đổi của gen SLC16A11 “đóng góp” 20% vào nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 của người Mỹ Latin.
Các nhà khoa học cũng tin rằng loại gen này phát triển sau khi tổ tiên của người Mỹ Latin rời khỏi châu Phi. Lúc đó, họ bắt đầu giao phối với người Neanderthal – sống vào khoảng 60.000-70.000 năm trước.
David Altshuler - giáo sư di truyền học Đại học Havard cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi phát hiện ra mối liên hệ giữa một phiên bản gen của người Neanderthal và một căn bệnh hiện đại".
Mặc dù chưa có bằng chứng rõ rệt về nguồn gốc gen gây bệnh này thuộc về chủng người nào, nhưng đây được coi là một bước tiến mới. Các nhà khoa học tin rằng phát hiện trên sẽ giúp họ hiểu sâu hơn về bệnh tiểu đường loại 2 và phát triển loại thuốc chữa trị hiệu quả hơn.
Mai Anh (theo HFTP)

Bình luận(0)