|
Nguyễn Tử Quảng ra mắt Bphone - smartphone đầu tiên sản xuất tại Việt Nam.
|
Không phải ngẫu nhiên mà trong bài viết của Wall Street Journal lại nhắc tới Bphone và Flappy Bird. Bphone là sản phẩm của một doanh nghiệp có tên tuổi trong nước còn Flappy Bird là sản phẩm của một cá nhân từng vô danh. Oái oăm ở chỗ, Bphone đã không đạt được thành công như mong đợi, thất bại ngay trên sân nhà, trong khi Flappy Bird thì đại thắng, tạo được tiếng vang trên toàn thế giới.
Điều đó phần nào cho thấy thực trạng khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam: từ cá nhân cho tới các tổ chức lớn đều có tham vọng theo đuổi con đường phát triển công nghệ. Nhưng một khi đã theo đuổi con đường này, thành công có thể đến với bất kỳ ai và thất bại cũng luôn rình rập, không trừ một ai cả.
Nói riêng về khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, nước ta được xếp là một trong 5 thị trường cung cấp dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin hàng đầu tại châu Á - đứng cùng Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Sri Lanka. Điều đáng nói là thứ hạng này đã thay đổi từ vị trí thứ 30 vào năm 2010.
Bằng chứng là làn sóng những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đang ồ ạt chuyển tới Việt Nam. Các công ty công nghệ đa quốc gia như Samsung và Intel cũng đã thành lập những nhà máy lớn tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM... Cùng với đó, các doanh nghiệp công nghệ trong nước cũng đang hoạt động rất tích cực.
Các cá nhân khởi nghiệp công nghệ cũng tỏ ra rất hào hứng và đầy tham vọng để trở thành Nguyễn Hà Đông thứ hai. Họ thường quan tâm, chú trọng vào mảng lập trình ứng dụng di động và tạo ra các giải pháp công nghệ. Đó cũng là xu hướng của nhiều sinh viên Việt Nam đang theo học lĩnh vực công nghệ thông tin.
Alphablet - công ty chủ quản Google mới đây cũng vừa tuyên bố kế hoạch đào tạo 1.400 kỹ sư công nghệ thông tin tại Việt Nam. Hồi tháng 12 năm ngoái, CEO Sundar Pichai cũng đã có mặt tại thủ đô Hà Nội và tham dự buổi tọa đàm với cộng đồng khởi nghiệp. Vị giám đốc trẻ tuổi của Google nhận định rằng các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam hoàn toàn có cơ hội và vấn đề chỉ là thời gian.
Trong khi đó, ngày 30/3 vừa qua, ông Trương Gia Bình (Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT) đã đặt bút ký thỏa thuận hợp tác với Dragon Capital Group để thành lập Quỹ tăng tốc khởi nghiệp công nghệ thông tin tại Việt Nam - viết tắt là VIISA. Theo kỳ vọng của những nhà sáng lập, VIISA sẽ tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp mới, góp phần thực hiện mục tiêu mà Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề ra là đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 5.000 công ty công nghệ.
|
Cha đẻ Flappy Bird Nguyễn Hà Đông trò chuyện cùng CEO Google Sundar Pichai.
|
Tất cả những điều kể trên cho thấy viễn cảnh khởi nghiệp công nghệ bùng nổ ở Việt Nam không phải là một điều gì đó quá xa vời. Những hiện tượng tương tự như Bphone hay Flappy Bird là yếu tố rất cần để thúc đẩy tiến trình diễn ra nhanh hơn. Quả thực, vấn đề chỉ là thời gian đúng như CEO Google đã nhận định.