Apple mất thương hiệu iPhone ở Trung Quốc?
Theo CCTV News đưa tin, hãng công nghệ của Mỹ vừa bị một tòa án của Trung Quốc xử thua kiện trong việc cạnh tranh sử dụng thương hiệu iPhone.
|
Apple thua kiện, mất thương hiệu iPhone vào tay công ty Trung Quốc. (Ảnh minh họa) |
Cụ thể, doanh nghiệp Trung Quốc này có tên là Xintong Tiandi. Theo như căn cứ pháp lý của công ty này đưa ra thì họ đã đăng ký thương hiệu iPhone cho sản phẩm của mình tại nước nhà từ năm 2007.
Đây cũng là thời điểm Apple cho ra đời chiếc điện thoại iPhone phiên bản đầu tiên. Nhưng theo lập luận của phía Xintong Tiandi thì công ty này đã đăng ký thương hiệu trên trước cả khi iPhone của hãng công nghệ Mỹ trở nên nổi tiếng tại Trung Quốc.
Theo đó, tòa án ở Bắc Kinh đã đưa ra phán quyết cho phép công ty Xintong Tiandi được quyền sử dụng thương hiệu iPhone trên các sản phẩm của mình bao gồm túi xách, ví, thắt lưng... (theo pháp luật Trung Quốc).
Apple và quá khứ tranh chấp thương hiệu
Đây không phải là lần đầu tiên Gã khổng lồ đến từ Mỹ vướng vào cuộc kiện cáo tranh giành thương hiệu. Đã ít nhất hai lần nhà Táo gặp phải những rắc rối trong việc khẳng định quyền sử dụng thương hiệu đối với các công ty Trung Quốc.
Vào năm 2012, Apple cũng đã phải lao vào cuộc chiến pháp lý tranh chấp thương hiệu iPad tại thị trường Trung Quốc. Vụ kiện cáo xảy ra giữa Táo Khuyết và công ty Proview International Holdings (Trung Quốc).
Được biết, Apple đã mua lại thương hiệu iPad từ một công ty Đài Loan có tên là Proview Electronics với số tiền 54.800 USD. Tuy nhiên, Proview Electronics chỉ là một công ty con của Proview International Holdings đặt tại Đài Loan.
Do đó, công ty mẹ Proview International Holdings đã cho rằng công ty con này không đủ thẩm quyền để bán lại thương hiệu iPad. Nói cánh khác, Proview Electronics không đủ thẩm quyền để chuyển quyền sở hữu thương hiệu iPad từ bên trong thị trường Trung Quốc đến bất cứ công ty nước ngoài nào.
|
Apple bị công ty Trung Quốc kiện vi phạm bản quyền thương hiệu iPad. (Ảnh minh họa) |
Theo đó, Apple cũng ko được sử dụng thương hiệu trên cho sản phẩm của mình tại thị trường Trung Quốc. Ở đâu không nói, nhưng ở Trung Quốc, iPad là của Proview.
Chính bởi vậy, công ty này đã đâm đơn kiện Táo khuyết vi phạm bản quyền sử dụng tên thương hiệu iPad (được đăng ký độc quyền tại thị trường Trung Quốc từ năm 2001).
Cuối cùng, để vụ việc được dàn xếp ổn thỏa, Apple đã phải chấp nhận đền bù cho công ty Trung Quốc mức phí 60 triệu USD (tương đương 1.260 tỉ đồng). Đổi lại, thương hiệu iPad sẽ hoàn toàn là của hãng công nghệ Mỹ.
Được hay, khi đâm đơn kiện Apple, công ty Proview đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất với 8 chủ nợ lớn ở Trung Quốc. Do đó, công ty này sử dụng vụ kiện như một công cụ để vòi tiền từ đại gia công nghệ. Thực chất, đây không phải là cuộc kiện cáo với mục đích đòi lại thương hiệu.
Đòn hiểm với Apple
Việc Apple bị thua trong vụ kiện cáo vừa qua là một bất lợi lớn đối với hãng này, khi mới đây, nhà Táo cũng vừa công bố báo cáo kinh doanh trong quý 2/2016. Lần đầu tiên kể từ khi iPhone ra đời và cũng là lần đầu tiên trong 13 năm tăng trưởng liên tiếp, kể từ 2003, doanh thu của công ty này bị giảm sút.
Sau khi báo cáo này được công bố, cổ phiếu của Apple bắt đầu có dấu hiệu lao dốc, khá nhiều nhà đầu tư tỏ ra không có niềm tin vào sự phục hồi của công ty này sau những đồn đoán bất lợi. Nhiều cổ đông thậm chí đã bán số cổ phiếu mà họ đang nắm giữ của Táo...
Trước đó, một loạt dịch vụ iBooks Store và iTunes Movies của Apple cũng bị Trung Quốc cấm mở tại thị trường nước này, kéo theo khá nhiều tổn thất và khó khăn cho nhà Táo.
|
Trung Quốc muốn quét sạch sự hiện diện củaApple khỏi thị trường tỷ dân này. (Ảnh minh họa) |
Theo nhiều chuyên gia phân tích, việc Trung Quốc cấm cửa iBook Store và iTunes Movies có thể là bước đầu tiên trong kế hoạch quét sạch sự hiện diện của Táo khuyết khỏi thị trường đông dân nhất thế giới.
Từ việc Táo bị cấm kinh doanh tại thị trường này đến việc thua kiện và mất thương hiệu iPhone vào tay công ty Trung Quốc, trong lúc hãng này đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải quả thực là đòn hiểm đối với Gã khổng lồ.
Nhìn lại vụ kiện cáo trên, thấy được một điều, nhiều hãng điện tử của Trung Quốc xưa nay nổi danh đạo nhái, ăn theo các sản phẩm của Apple, nhưng hãng công nghệ Mỹ lại hết lần này đến lần khác phải lao vào cuộc chiến pháp lý vì bị chính các công ty nước này cáo buộc vi phạm bản quyền thương hiệu. Có lẽ đây là điều Apple cần đối mặt khi đặt tham vọng tại thị trường tỷ dân này.