Từ trước đến nay, ở Việt Nam người dùng điện thoại vẫn thường bị “móc túi” nhưng phần lớn là do các nhà mạng tự ý kích hoạt các dịch vụ gửi tin nhắn và tính phí. Nhưng hiện nay, thủ đoạn “móc túi” người dùng điện thoại đã trở nên tinh vi hơn, điều đáng nói là những kẻ chủ mưu đã liên kết với các công ty ở nước ngoài để thực hiện hành vi phạm tội.
Mới đây, Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội kết luận về việc Công ty TNHH Đầu tư Vinamob (ở đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội) “móc túi” người dùng tại Việt Nam số tiền 2,670 tỷ đồng.
Kết luận của Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội khiến nhiều người chết đứng.
|
Điện thoại Trung Quốc giá rẻ có chứa các mã độc. |
Đặc biệt, cách mà Vinamob “móc túi” người dùng là cấu kết với 3 công ty Trung Quốc cài đặt sẵn mã độc trên các tiện ích của điện thoại có nguồn gốc từ Trung Quốc. Các mã độc này sẽ tự động gửi tin nhắn có tính phí đến các đầu số 8x61 và trừ tiền trong tài khoản của người dùng mà họ không hề hay biết.
Theo các chuyên gia nghiên cứu mã độc trên điện thoại, hành vi này không phải mới nhưng đến thời gian gần đây mới được các cơ quan chức năng phanh phui.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PetroTimes, ông Nguyễn Công Cường, Giám đốc bộ phận nghiên cứu mã độc của BKAV cho biết: Trước đây cũng có một số hãng điện thoại cài đặt sẵn phần mềm độc hại trong điện thoại.
Các loại điện thoại này chủ yếu được bán ở các trang thương mại điện tử, nhưng mục đích chính là thu thập thông tin của khách hàng thông qua việc nghe lén, mời quảng cáo… Ở trường hợp của Vinamob, thủ đoạn cũng tương tự, nhưng mục đích chính là gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế cho người dùng thông qua cước viễn thông.
“Những mã độc này được gắn sâu vào điện thoại bằng các cài đặt sẵn từ nơi sản xuất nên người dùng rất khó để phát hiện. Chỉ khi thấy tài khoản điện thoại của mình bị trừ đột biến thì khách hàng mới đặt ra những nghi ngờ, mang máy đi kiểm tra thì mới biết” - ông Cường nói.
Cũng theo chuyên gia của BKAV, phần lớn các vụ việc mà các nhà sản xuất điện thoại và thiết bị điện tử có cài đặt sẵn mã độc thì đều xuất xứ từ Trung Quốc. Phần vì ở nước này có sẵn hệ thống sản xuất với quy mô lớn nên họ có khả năng sản xuất ra những chiếc điện thoại giá rẻ.
Một trong những tiêu chí mà những kẻ gian tiêm mã độc vào điện thoại chính là việc đánh vào thị hiếu của khách hàng thích điện thoại giá rẻ.
Bên cạnh đó, Giám đốc bộ phận nghiên cứu mã độc của BKAV cũng nhận định rằng ngay cả những chiếc điện thoại smart phone được sản xuất từ những hãng uy tín cũng có nguy cơ chịu hậu quả từ những phần mềm độc hại này.
“Nếu người dùng điện thoại thông minh truy cập vào các trang web không rõ nguồn gốc, tải phần mềm hay ứng dụng cũng rất dễ bị nhiễm các mã độc” - ông Cường nói.
Chuyên gia của BKAV cũng khuyến cáo người dùng khi có nhu cầu mua điện thoại thì tốt nhất nên tìm đến những thương hiệu uy tín trên thị trường, tránh những cái lợi trước mắt như giá rẻ mà sẽ chịu những hậu quả về sau.