1. Hiệu ứng U23 Việt Nam đã mang đến luồng gió mới cho V-League. Những khán đài nêm chật khán giả, những tranh luận sôi nổi bên lề trận đấu hay sự mến mộ cuồng nhiệt của người xem,... cho thấy những nét tích cực sau nhiều năm bóng đá Việt Nam loay hoay tìm hướng phát triển. Tất cả đã đến sau một tháng kỳ diệu trên đất Thường Châu của các học trò HLV Park Hang Seo.
U23 Việt Nam giúp V-League giàu sức sống hơn, song những nhân vật chính lại đang dần trở thành vai phụ. Trong lứa cầu thủ tạo nên kỳ tích tại vòng chung kết U23 châu Á, chỉ còn Xuân Trường, Duy Mạnh, Đình Trọng hay Văn Đức chứng tỏ được khả năng và có chỗ đứng vững chắc trong đội hình. Số còn lại được đá chính nhưng không chơi ấn tượng, hoặc thậm chí còn phải dành phần lớn thời gian trên ghế dự bị.
|
Xuân Trường (phải) là một trong số ít cái tên chứng tỏ được mình ở V-League. (Ảnh: Hoàng Tùng) |
Nỗi lo bắt đầu xuất hiện, khi Bùi Tiến Dũng đánh mất vị trí bắt chính vào tay đàn anh Thanh Thắng. Quang Hải không thường xuyên góp mặt trên sân, Đức Huy thi thoảng mới được trao cơ hội, hay Văn Toàn, Công Phượng chơi đầy bất ổn.
Nên nhớ, U23 Việt Nam sẽ không có thêm giải đấu nào khác ngoài V-League để trau dồi trước vòng chung kết ASIAD (tổ chức vào tháng 8) hay AFF Cup cuối năm nay. Nếu nhiều tuyển thủ U23 Việt Nam vẫn không đạt phong độ cao, khả năng những "người hùng Thường Châu" bị HLV Park Hang Seo gạt bỏ là khó tránh khỏi.
Nhưng ngay cả khi một nửa đội ngũ U23 Việt Nam bị loại bỏ vì mất phong độ, đó cũng chẳng phải vấn đề gì lớn với bóng đá nước nhà.
2. Khi còn dẫn dắt U23 Việt Nam, HLV Toshiya Miura từng khó chịu với báo giới sau cuộc so tài với U23 Malaysia: "Tại sao các anh cứ hỏi tôi về Công Phượng? Hôm nay cậu ấy chơi tốt, nhưng chiến thắng thuộc về cả tập thể chứ không riêng gì ai cả".
Đó là thời điểm Công Phượng còn mang danh "cầu thủ quốc dân" sau thành công của U19 Việt Nam. Mọi nhất cử nhất động của cầu thủ thuộc biên chế HAGL đều thu hút ánh nhìn của dư luận. Dù Công Phượng ghi bàn hay không, đá tốt hay dở, được thi đấu hay dự bị, mọi ý kiến tranh luận đều hướng về tiền đạo xứ Nghệ. Sức ép khủng khiếp khiến Công Phượng chật vật và đến hôm nay, không ít người vẫn hoài niệm về Phượng của... những ngày xưa cũ.
Với cầu thủ trẻ, điều quan trọng nhất không phải là sự nổi tiếng hay được ra sân thường xuyên, mà là một môi trường thuận lợi và lý tưởng để phát triển. "Lý tưởng" ở đây được hiểu là sự lành mạnh. Các cầu thủ có thể thi đấu hoặc không, nhưng họ cần sự bình yên và tự nhiên để phát triển. Không thể bắt cầu thủ "chín ép", phải phát triển vượt ngưỡng tự nhiên. Và cũng không thể bắt các cầu thủ khác phải nhường chỗ cho một ngôi sao U23 Việt Nam nào đó, chỉ vì anh ta vừa làm nên kỳ tích cho bóng đá nước nhà.
Bóng đá là cuộc chơi công bằng. HLV Chu Đình Nghiêm lý giải ngắn gọn về việc Quang Hải, Đức Huy phải ngồi dự bị như sau: "Với tôi, tất cả các cầu thủ Hà Nội, điều quan trọng nhất để được ra sân là phải có phong độ tốt. Nếu các bạn có phong độ ổn hơn những người có mặt trên sân, các bạn sẽ được đá chính. Ngược lại, nếu bạn thể hiện không bằng họ, bạn sẽ phải ngồi dự bị".
Gọn gàng và súc tích. Các đội bóng có thể trẻ hóa, hy sinh thành tích để tạo cơ hội cho lứa trẻ tranh tài, song điều đó không đồng nghĩa với việc những "ngôi sao quốc dân" nghiễm nhiên được góp mặt bất chấp phong độ.
Muốn đá hay, các cầu thủ phải tiếp tục hoàn thiện và kiên nhẫn chờ thời cơ. Phần thưởng cho sự nỗ lực là 90 phút được thỏa sức chứng tỏ mình trên sân mỗi dịp cuối tuần, nhưng không nên nghĩ rằng dự bị là hình phạt. Đôi khi, để cầu thủ dự bị lại là cách để HLV trưởng bảo vệ học trò trước cái nhìn xăm xoi của dư luận.
|
Công Phượng (áo trắng) từng trở thành tâm điểm dư luận sau thành công cùng U19 Việt Nam. (Ảnh: Hoàng Tùng) |
Hiểu như vậy để thấy chuyện Tiến Dũng, Quang Hải dự bị là rất bình thường, dù với lí do gì. Nếu chuyện cầu thủ U23 Việt Nam phải ngồi dự bị tiếp tục bị làm rùm beng hoặc suy tưởng đến nguy cơ này, nguy cơ kia, các học trò của Park Hang Seo sẽ còn phải chịu nhiều áp lực.
Đến ngày hôm nay, ban huấn luyện của FLC Thanh Hóa đã thấu hiểu sự khó chịu của Miura ngày trước, khi hàng trăm câu hỏi và giả thuyết được đặt ra chỉ vì thủ môn 21 tuổi và còn non kinh nghiệm của họ phải ngồi dự bị cho đàn anh. "Tại sao các anh cứ hỏi tôi về Tiến Dũng?" - có ai đang thắc mắc thế này chăng.
3. Ngay cả khi U23 Việt Nam không chứng tỏ được mình ở V-League, đó cũng là hệ quả tất yếu của quy luật đào thải. Không nền bóng đá nào có thể sống dựa vào một lứa cầu thủ. Người này đá không hay, sẽ có người khác thay thế. Áp đặt kỳ vọng sẽ tạo áp lực cho lứa cầu thủ này và triệt tiêu động lực cố gắng từ lứa cầu thủ khác.
Đó là lí do HLV Park Hang Seo trở về Hàn Quốc để "thị phạm" lứa U19 Việt Nam của HLV Hoàng Anh Tuấn. Với thầy Park, bóng đá Việt Nam cần có lực lượng tinh nhuệ để thay thế nhiều cầu thủ U23 Việt Nam khi cần.
|
U19 Việt Nam (áo trắng) cũng đang sở hữu nhiều cầu thủ tiềm năng. |
Ngay cả U23 Việt Nam hôm nay cũng là minh chứng cho quy luật đào thải. Lứa U19 Việt Nam khiến người hâm mộ nức lòng năm nào chỉ còn sót lại Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn, Hồng Duy, Văn Thanh, trong khi lứa U20 Việt Nam được dự đấu trường thế giới cũng chỉ có Quang Hải, Đức Chinh, Đình Trọng, Tiến Dũng, Trọng Đại còn trụ lại "đội hình lịch sử". Do đó, nếu nhiều cái tên U23 Việt Nam có không thể hiện được bước tiến mạnh mẽ, đấy cũng là chuyện bình thường.
Người này tụt lại, tất có người khác thế vai. Hy vọng quy luật này sẽ giảm tải áp lực cho nhiều cầu thủ U23 Việt Nam - những người có... ngồi dự bị thôi cũng không được yên.