Phân tích
Zing tổng hợp bài đăng trên New York Times, Sixth Tones & Business Insider, đề cập đến nhu cầu "sống ảo", thể hiện mình là người giàu có, có lối sống sang chảnh cho đến giả vờ là người lắm tiền trên mạng xã hội.
Năm 2011, Guo Meimei, một phụ nữ tự nhận là tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ tại Trung Quốc, làm tổ chức này bị ảnh hưởng sau khi đăng hình ảnh xách túi sang trọng, đi trên chiếc xe thể thao Maserati hạng sang.
Năm 2018, tỷ phú ăn chơi Wang Sicong khiến nhiều người ngạc nhiên khi khoe hóa đơn đi karaoke hết 400.000 USD và mua 8 chiếc iPhone cho chú chó cưng của mình.
Cùng năm, việc giả vờ ngã sấp mặt trên nền đất với những tài sản đắt tiền rơi xung quanh như túi xách, son môi hàng hiệu trở thành trào lưu khoe vẻ giàu có của giới rich kid.
|
Nhu cầu “sống ảo” của người trẻ đến từ việc họ luôn mong muốn thể hiện mình có cuộc sống thú vị, đẹp đẽ trên mạng xã hội.
|
Những màn thể hiện sự giàu có, xa hoa từ lâu đã trở thành nội dung phổ biến trên không gian mạng. Tuy nhiên, đằng sau những hình ảnh được chỉnh sửa đẹp đẽ, thể hiện cuộc sống trong nhung lụa có thể là một sự thật khác.
Từ con nhà siêu giàu cho đến người bình thường, việc sở hữu vẻ ngoài giàu có trên mạng xã hội hoàn toàn có thể mua được.
Mất chưa đến 1 USD để thành người giàu
“Nếu bạn không có hàng xấp tiền, hãy giả vờ như mình có chừng đó”.
Đó là thông điệp đằng sau dịch vụ giúp bất cứ ai mơ ước được một lần “phô trương sự giàu có” trên mạng tại Trung Quốc.
Chỉ cần bỏ 6 NDT (0,9 USD), các video với bối cảnh là những chồng tiền xếp lên nhau, một biệt thự nguy nga hay khung cảnh resort hạng sang, một chiếc siêu xe sẽ xuất hiện cùng với giọng nói của bạn được lồng vào.
Các clip chỉ dài vỏn vẹn 10 giây. Tất cả được quay ở góc nhìn người thứ nhất và được hoàn thành bằng âm thanh của người dùng, giúp chúng trông giống như do chính người đó tự quay.
|
Chỉ cần bỏ chưa đến 1 USD, mọi người dùng mạng xã hội có thể tự tạo video "phô trương sự lắm tiền" của bản thân.
|
Một số doanh nghiệp đầu tư hơn và cung cấp trải nghiệm "kỳ nghỉ giả": bữa sáng đầy đủ kiểu Anh tại một khách sạn bên bờ biển, đi dạo trên bãi biển ở Phuket hoặc đi bộ trên Núi Tuyết Ngọc Long nổi tiếng ở tỉnh Vân Nam.
Các dịch vụ này được quảng cáo nhan nhản trên các trang như Taobao và WeChat.
Trên tài khoản WeChat đặt ở chế độ công khai có tên “Show-Off Video Dubbing Productions”, người dùng sẽ được dẫn sang một trang web với 2.200 video có sẵn để tùy chỉnh.
Từ nhà hàng dưới nước hay bữa tiệc phủ đầy hải sản đắt tiền, các loài thú cưng kỳ lạ cho đến hòn đảo nhiệt đới, các lựa chọn để “khoe khoang sự sang chảnh” có thể khiến người dùng phân vân vì số lượng quá nhiều.
Trong một video demo được liệt kê trên trang web, một người đàn ông nháy chìa khóa ôtô cho một chiếc Porsche và nói “Đi thôi, tôi phải mua quà cho bạn gái” trước khi khởi động xe.
Sau khi người dùng chọn một video có khung cảnh hàng chục bó tiền mặt được ép gọn gàng và xếp trên ghế hành khách của một chiếc ôtô hạng sang, rồi gửi một bản ghi âm có nội dung “Xem này, đây là số tiền tôi có”, tài khoản WeChat này gửi lại video hoàn chỉnh trong chưa đầy một phút.
Tian Tian, đại diện của dịch vụ, cho hay mỗi tháng doanh nghiệp có thể thu về 10.000-20.000 NDT từ những clip ngắn kiểu này. Trong đó, cảnh quay với những chiếc xe hơi sang trọng được nhiều người lựa chọn nhất.
“Bất cứ món hàng nào bạn muốn khoe với bạn bè, công ty của chúng tôi đều đáp ứng được”, Tian nói.
|
Từ những cậu ấm cô chiêu cho đến người bình thường, việc sở hữu vẻ ngoài giàu có trên mạng xã hội hoàn toàn có thể mua được.
|
Làm giàu từ phục vụ rich kid
Chỉ cần lướt qua trang Rich Kids Of Instagram, hàng loạt hình ảnh thuộc về tầng lớp giàu có hiện ra như thả dáng với bikini trên du thuyền sang trọng, tận hưởng bữa sáng trong hồ bơi của một khách sạn 5 sao, xách vali lên chuyên cơ riêng...
Trên thực tế, James McLeod Ison, người thành lập tài khoản này, có xuất thân hoàn toàn bình thường ở Anh. Anh làm giàu nhờ những phi vụ thực hiện cho giới thượng lưu.
Năm 2012, James kết hợp cùng hai đối tác ở Mỹ và thành lập Rich Kids of Instagram. Đánh trúng vào tâm lý tò mò cuộc sống của người lắm tiền, trang của James nhanh chóng thu hút người theo dõi. Những cậu ấm cô chiêu cùng tìm đến chàng trai với mong muốn tên tuổi, hình ảnh của họ được nhiều người biết tới.
Sau 8 năm, James đã phát triển nền tảng này thành một doanh nghiệp du lịch xa xỉ. Anh không đơn thuần chỉ đăng hình ảnh về đời sống của rich kid trên thế giới, mà còn sẵn sàng biến chúng thành hiện thực theo ý muốn của khách hàng.
“Chúng tôi cung cấp dịch vụ du lịch hạng sang như thuê chuyên cơ riêng, du thuyền, siêu xe, khách sạn và biệt thự”, James cho biết.
Chưa hết, công việc của James còn đòi hỏi anh sẵn sàng phục vụ những yêu cầu có phần oái ăm của những vị khách lắm tiền nhiều của.
|
James McLeod Ison, người đứng đằng sau trang Rich Kids Of Instagram nổi tiếng. |
Mua hộ một chiếc túi xách Hermes. Thuê phản lực với giá 37.000 USD để thú cưng được đi du lịch cùng. Dùng máy bay trực thăng để vận chuyển món bít tết nóng hổi từ đất liền tới một du thuyền ở Cannes. Bao trọn tháp Eiffel để ăn tối với bạn gái.
Nhiều lần, James phải xoay xở đủ cách nhằm làm hài lòng “thượng đế”. Bù lại, anh kiếm được một khoản thu nhập đáng mơ ước với nhiều người.
“Đa phần cư dân mạng bình luận rằng những thứ chúng tôi đăng tải thật điên rồ và hoang phí. Tôi hiểu điều đó bởi tôi cũng xuất thân từ tay trắng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết định đưa những nội dung đó lên Internet để mọi người có thể thấy rằng đây là những gì đang thực sự xảy ra trên thế giới”, James chia sẻ.
Cú lừa 431 triệu USD
Theo Andrew Moultrie của Extreme International, một thương hiệu phong cách sống được giới trẻ Mỹ ưa chuộng, lý do sâu xa của nhu cầu “sống ảo” đến từ việc người trẻ luôn mong muốn thể hiện mình có cuộc sống thú vị, đẹp đẽ trên mạng xã hội.
“Điều mà thế hệ trẻ ưu tiên hiện giờ là một bức ảnh cá nhân hay ảnh nhóm tuyệt vời mà họ có thể đăng lên trên tài khoản Facebook, Instagram”, Andrew cho hay.
Thế hệ trẻ giàu có đang sử dụng mạng xã hội không chỉ để phô trương cuộc sống của họ mà còn để gây ảnh hưởng lên các xu hướng. Theo Marc Bain của trang Quartz, tầm ảnh hưởng của những influencer ngày càng tăng và nhóm người này càng tìm thêm cách để danh tiếng vươn xa.
|
Một vlogger từng bóc mẽ việc có thể dễ dàng sở hữu một bức ảnh sang chảnh trên mạng.
|
“Mua người theo dõi thì dễ, nhưng để có được lượt thích thì khó. Giờ đây, nhiều người còn cần phải đảm bảo lượt thích của họ tương quan với lượt theo dõi”, Bain nói.
Tháng 2/2019, một tài khoản Instagram có tên @BallerBusters đã lên tiếng chỉ ra những trò “giàu có giả dối” trên mạng của một bộ phận tự nhận mình là doanh nhân thành đạt để đi lừa gạt người khác, theo New York Times.
Những kẻ lừa đảo chủ yếu là đàn ông, thường xây dựng hình ảnh mình là đại diện của một công ty lớn, trang cá nhân có đông người theo dõi, phần nhiều trong số chúng là follow ảo. Họ xuất hiện trong bộ dạng bóng bẩy, đứng bên cạnh xe sang, máy bay phản lực.
Nhờ vẻ ngoài hào nhoáng tự dựng nên, các đối tượng chào bán nhiều chương trình cố vấn hay lớp học làm giàu, phát triển bản thân trực tuyến. Các khóa học này có thể tốn hàng nghìn USD nhưng người học chỉ nhận được vài lời khuyên hời hợt. Thậm chí, những kẻ lừa đảo không hề đứng lớp mà mời một bên khác dạy.
|
Raymond Abbas và đồng bọn bị bắt vì tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
|
Sau một quá trình bao gồm kiểm tra hồ sơ pháp lý và các tin nhắn từ những nạn nhân, @BallerBusters lần lượt lật tẩy các mánh khóe lừa lọc của các doanh nhân “dỏm”.
Tháng 7, Raymond Abbas (38 tuổi, Nigeria) - ngôi sao Instagram có hơn 2,4 triệu người theo dõi, nổi tiếng với biệt danh Hushpuppi - bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và cảnh sát Dubai bắt giữ với tội danh lừa đảo qua mạng với số tiền lên đến hơn 431 triệu USD.
“Mánh khóe của kẻ này là nhắm vào các nạn nhân ở nước ngoài bằng cách tạo ra nhiều trang web giả mạo của các công ty và ngân hàng nổi tiếng để đánh cắp thông tin thẻ tín dụng của họ, chiếm đoạt bất hợp pháp tài sản của nạn nhân, sau đó rửa tiền”, ông Brigadier Jamal Al Jallaf, Cục trưởng Cục Điều tra Hình sự tại Sở Cảnh sát Dubai, nói.
Raymond Abbas khởi nghiệp với nghề buôn bán quần áo cũ ở Lagos, sau đó tự xưng là tỷ phú phát triển bất động sản tại Dubai. Abbas thường khoe khoang sự giàu có của mình trên mạng với lý do truyền cảm hứng cho người khác cũng làm việc chăm chỉ để có được cuộc sống đáng mơ ước như hắn.