Tết ta ở “phố Tây”
Khi ánh hoàng hôn vừa dứt cũng là lúc con phố khoác lên mình vẻ đẹp nhộn nhịp vốn có của nó. Những buổi biểu diễn nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ đường phố, tiếng người nói chuyện vui vẻ và âm thanh sôi động của những quán bar đã tạo nên bức tranh đậm chất của khu “phố Tây” Bùi Viện (P. Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP Hồ Chí Minh).
Chị Lê Thu Trang, chủ shop quà lưu niệm tất bật làm việc, tỉ mẩn trang trí cho gian hàng của mình thêm phần lộng lẫy, bắt mắt. Ngày Tết, shop của chị Trang có thêm nhiều mặt hàng như: Mũ ông già Noel, khăn choàng cổ, bao lì xì, chuỗi hạt các loại được đính kèm dòng chữ “Happy New Year” (chúc mừng năm mới).
Nhân viên nhà hàng tại “phố Tây” diện trang phục đẹp trong dịp Tết để chào đón khách.
Những vị khách nước ngoài đầu tiên ghé gian hàng của chị Trang thích thú với sản phẩm Việt Nam được làm thủ công. Vốn tiếng Anh ít ỏi nhưng chị Trang vẫn cố gắng giới thiệu với cô Alina (30 tuổi, đến từ Thụy Điển) về ý nghĩa chiếc khăn choàng cổ màu hồng cánh sen của làng sen Sa Đéc (Đồng Tháp). Chị Trang nói rằng, chiếc khăn đối với người Việt Nam thể hiện sự cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động sản xuất; khăn còn mang ý nghĩa trao vòng tay yêu thương, bày tỏ sự ấm áp, luôn muốn được đồng hành cùng nhau. Mỗi chiếc khăn khi đem làm quà đều là sự quan tâm, chăm sóc, sẻ chia mọi lúc mọi nơi và luôn trân trọng từ những điều bình dị nhất. Đồng thời, khăn quà tặng còn mang thông điệp sung túc và sức khỏe. Cô Alina gật gù, cười thật tươi và mua một chiếc khăn tại gian hàng của chị Trang.
Đây là lần đầu tiên cô Alina đến Việt Nam du lịch. Trước đó, cô nghe bạn bè kể về Việt Nam rất nhiều nhưng cô vẫn chưa tưởng tượng hết được. Khi đặt chân tới TP Hồ Chí Minh, cô rất ngỡ ngàng. Cô được người hướng dẫn du lịch giải thích về Tết của người Việt Nam, đó là dịp để gia đình đoàn tụ. “Tôi thích không khí tại khu phố này, giá đồ uống ở đây vừa phải, mọi người vui vẻ, nồng nhiệt, ai cũng cười với chúng tôi”, cô Alina chia sẻ.
Không có gian hàng cố định như chị Trang, chị Nguyễn Thị Hương (38 tuổi, quê Thanh Hóa) dắt theo cậu con trai gần 3 tuổi đi bán hàng rong. Mặt hàng chị Hương bán cũng là hàng lưu niệm, chạy theo thị hiếu ngày Tết như: Mũ thêu hoa mai, túi thơm có hình con rồng, đồng xu may mắn... Không biết nói tiếng Anh nhưng chị Hương có nụ cười tươi thắm. Với khách nước ngoài, chị chìa giỏ hàng của mình ra, đưa từng món hàng cho khách nhìn ngắm, nếu ưng thì mua. Một vị khách đến từ Vương quốc Anh mở hàng cho chị chiếc vòng đá, ông ấy thích thú đeo luôn vào tay. Chị Hương gửi lời cảm ơn bằng tiếng Anh và không quên nhắc cậu con trai cúi đầu chào khách.
Đây là năm thứ hai chị Hương bán hàng Tết ở “phố Tây” nên đã quen thuộc với cảnh náo nhiệt, ồn ã, quen tiếng nhạc chát chúa, xập xình và những ánh đèn màu. Nếu như ngày thường, chị Hương chỉ bán tới 12h khuya là về nhà trọ, nhưng Tết thì phải tới 2h sáng. “Ngày Tết không chỉ có khách nước ngoài chơi khuya mà cả người Việt Nam cũng rất đông, đặc biệt là thanh niên. Tâm lý xuân về nên ai cũng vui vẻ, muốn mua thứ gì lấy may mắn hoặc làm quà tặng bạn bè. Nhưng, cũng có nhiều người mua hàng vì động lòng trước mẹ con tôi”, chị Hương tâm sự.
Chị Hương cười tươi khi bán được nhiều hàng trong đêm cuối năm.
Nhà trọ của mẹ con chị Hương thuê gần phố đi bộ Bùi Viện, với giá 1,8 triệu/tháng. Nói là nhà trọ cũng chưa hẳn, mà đó là gác xép được ngăn ra ở phía trên nhà trọ, mẹ con chị Hương ở ghép với mấy người cùng nghề bán hàng đêm. Năm thứ hai rời quê vào TP Hồ Chí Minh, cũng là 2 năm chị Hương không trở về quê ăn Tết. “Cả năm buôn bán ở đây, đêm được nhiều bù cho đêm được ít, chung quy lại cũng chỉ đủ ăn nên không có tiền dư để về quê. Tết ở “phố Tây” đông vui lắm, mình bán được hàng nên đỡ cảm thấy buồn”, chị Hương thổ lộ.
Giao thoa bản sắc
“Phố Tây” nhộn nhịp hơn khi đêm dần về khuya, các hàng quán đông đúc khách nước ngoài. Phần lớn những vị khách còn trẻ, trong độ tuổi từ 20-30, đến từ rất nhiều quốc gia trên thế giới, như Đức, Na Uy, Phần Lan, Canada, Mỹ, Ireland..., nhưng cũng có những người trung niên hoặc lớn tuổi, hầu hết đi du lịch theo kiểu “Tây ba lô”, nghĩa là cõng ba lô to đùng trên lưng, đến Việt Nam bắt xe khách đi khắp nơi như người trong nước.
“Nước tôi mùa này lạnh lắm, thành phố tôi ở phía Bắc Canada nên tuyết phủ hầu như quanh năm. Tôi đã ở Việt Nam được hơn 10 năm rồi, đón Tết với người Việt thật thú vị. Ở TP Hồ Chí Minh nắng ấm quanh năm, tôi rất thích thời tiết này. Cứ Tết về, tôi hay lang thang trên các con đường ở thành phố, không quên ghé “phố Tây” để gặp đồng hương hoặc đơn giản là hòa cùng những người nước ngoài đến Việt Nam đón Tết”, anh Jesse (Canada) chia sẻ.
Anh Jesse là vị khách Tây từng đón nhiều cái Tết ở Việt Nam.
Khi ánh đèn hòa cùng tiếng nhạc, những vị khách Tây ngồi lại bên nhau để thưởng thức rượu mạnh hay những ly cocktail sau một ngày dài rong ruổi thăm thú đâu đó ở thành phố hoa. Trong câu chuyện họ thường trao đổi với nhau ấn tượng của mình về Việt Nam, chia sẻ các trải nghiệm, những vui buồn trong chuyến đi của họ. Tiếng cười nói, tiếng bật nắp bia, tiếng cụng ly âm thanh phát ra vừa đủ để không ngắt quãng cuộc chuyện trò của những vị khách du lịch đa quốc tịch. Họ chơi rất khuya, đến tận 1-2 giờ sáng mới tan.
Nơi đây tập trung rất nhiều nhà hàng, café, bar..., tất cả đều được bài trí theo phong cách “Tây”. Mỗi quán mỗi kiểu trang trí đặc trưng khác nhau nhưng tựu trung đều mang dáng dấp của phong cách châu Âu. Họ đến đây quanh năm nhưng cứ vào dịp cuối năm như thế này thường là đông nhất. Cũng như rất nhiều nhà hàng trên con phố này, nhà hàng B. AA có diện tích khiêm tốn nhưng được trang trí xinh xắn và rất ấm cúng, bên trong chủ yếu là khách Tây đến ăn bữa tối, họ vừa ăn, vừa nói chuyện. Chị Huyền My, chủ nhà hàng cho biết: “Thực đơn trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán của nhà hàng có khác hơn so với ngày thường. Mình đưa bánh chưng, củ kiệu, dưa hành, giò heo vào menu. Mỗi vị khách đến, mình sẽ giới thiệu ý nghĩa của các món ăn đó và ai cũng muốn được thưởng thức món ăn truyền thống ngày Tết của Việt Nam. Họ thích nhất món giò heo và bánh chưng, còn dưa hành thì người ăn được, người không”.
Không khí giao thừa bùng nổ từ lúc 19 giờ với trò thả bông giấy chúc mừng nhau. Khách Việt cũng không chịu thua kém với trò hóa trang. Từ em bé đang ngồi trên xe đẩy đến người lớn tuổi vẽ lên mặt mình nào là hoa, bướm, cờ Việt Nam. Ai cũng bị mê mẩn với bàn tay khéo léo của những chàng trai thoăn thoắt biến chiếc lá dừa thành con cào cào, bông hoa... được tặng miễn phí.
Sau phần trình diễn nhạc dân tộc là những ca khúc nước ngoài sôi động như “Quando”, “Black is Black”... Chính sức mạnh âm nhạc đã kéo những vị khách đang trầm tư trong các góc quán, nhà hàng ra hòa điệu nhạc vui. Đến chương trình nhạc trẻ Việt, khách Tây ít hiểu lời nhưng vẫn nhảy múa, lắc lư theo tiếng nhạc. Giờ khắc quan trọng đến, tiếng đếm ngược được mọi người hô vang 10, 9, 8... 1, 0. Pháo hoa, kim tuyến được bắn tràn ngập trên sân khấu, những quả bóng được thả lên cùng bao ước vọng cho năm mới. Hòa theo bài hát “Happy New Year” bất hủ của ban nhạc ABBA là những nụ hôn say đắm của người nước ngoài vì đã có một đêm giao thừa tuyệt vời tại Việt Nam.