Nữ y tá mặc đồ bảo hộ, nhảy múa trong ca trực Tết

Google News

Đoạn clip ghi lại cảnh Minh Trang (27 tuổi, Hà Nội) mặc đồ bảo hộ, nhảy múa trong thang máy được nhiều bình luận tích cực từ dân mạng.

Nữ nhân viên y tế nhảy múa để giải lao trong ca trực Tết

Chia sẻ với Zing, y tá 27 tuổi cho biết đoạn clip này được ghi lại vào ngày 3/2 (mùng 3 Tết Nguyên đán Nhâm dần).

Khi đó, cô chuẩn bị kết thúc ca trực kéo dài 8 tiếng tại cơ sở 2 của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, với nhiệm vụ chăm sóc trẻ sơ sinh là F0, F1.

"Gần hết ca trực đêm, cơ thể tôi hơi mỏi nên định giãn cơ nhẹ nhàng, không nghĩ lại thành múa may như vậy. Các anh bảo vệ thấy hài hước nên quyết định chia sẻ lên mạng. Tôi cũng vui vì có thể đem đến năng lượng tích cực cho mọi người vào ngày đầu năm", Trang nói.

Sau 5 năm công tác tại khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học ở bệnh viện, đây là năm đầu tiên cô phải ăn Tết xa nhà. Cô đảm nhận việc trực từ 16/1 đến 6/2, chủ yếu là chăm sóc trẻ sơ sinh F0, F1.

Nu y ta mac do bao ho, nhay mua trong ca truc Tet

Nu y ta mac do bao ho, nhay mua trong ca truc Tet-Hinh-2

Minh Trang đón cái Tết đầu tiên tại bệnh viện, tất bật chăm sóc cho các em bé sơ sinh là F0, F1.

Trang kể trong khi nhân lực không đông, nhiều hôm cô và các đồng nghiệp phải chăm lo cho gần 50 em bé. Công việc bận rộn, ca làm việc kéo dài và luôn gắn liền với bộ đồ bảo hộ khiến Trang có ít thời gian gọi điện, trò chuyện với gia đình.

"Trước đó, tôi chỉ kịp sắm bánh kẹo, quà Tết gửi về cho bố mẹ. Năm nay, tôi đón năm mới ở bệnh viện, không thể quây quần với gia đình, du xuân hay ăn diện như mọi khi. Dù có chút buồn, chúng tôi vẫn đặt trách nhiệm lên hàng đầu, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ", cô nói.

Dù vậy, cô và các đồng nghiệp vẫn có quất, có đào, mâm cơm ngày Tết để cùng quây quần.

"Chúng tôi ăn Tết với nhau, cùng động viên tinh thần để hoàn thành nhiệm vụ, cảm thấy Tết này ý nghĩa hơn", cô cười, nói.

Với Trang, niềm vui lớn nhất trong dịp Tết này là khi các bệnh nhân nhí có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần 2, sức khỏe tốt và được ra viện. Tới ngày 4/2, chỉ còn khoảng 20 em bé đang được điều trị.

Sau khi kết thúc công việc ngày 6/2 (mùng 6 Tết Nguyên đán Nhâm Dần), Trang đã trở về quê nhà ở huyện Đông Anh (Hà Nội) để quây quần với gia đình.

Cô phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 7 ngày trước khi đón cái Tết muộn với bố mẹ, người thân.

"Bố mẹ tôi mừng khi thấy con gái vẫn khỏe mạnh sau khi đi chống dịch về. Tôi sẽ tự cách ly vài ngày, rồi cùng gia đình đón cái Tết muộn. Tôi nghĩ chỉ cần được quây quần bên người thân là đã có một năm mới trọn vẹn rồi", cô nói.

Tính từ 29/1 đến hết 6/2, Bộ Y tế công bố 107.552 người mắc Covid-19, không bao gồm 16.072 trường hợp đăng ký bổ sung trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh. Trong kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022, số ca mắc trung bình so với một tuần trước đó giảm nhẹ.

Tuy nhiên, một số địa phương như Hà Nội, Nghệ An, Hải Dương... vẫn có số lượng bệnh nhân mới trong ngày tăng cao. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội ngày 5/2 (mùng 5 Tết), thành phố đang điều trị cho 51.055 người mắc Covid-19.

Theo các chuyên gia y tế, lượng người mắc Covid-19 tại Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt ở các thành phố lớn, sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu di chuyển trong dịp Tết tăng cao, Việt Nam cũng đang thực hiện nới lỏng, thích ứng linh hoạt hơn với SARS-CoV-2.

 
Theo Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)