Đăng ảnh hẹn hò lên mạng làm gì để khi chia tay... thêm buồn?

Google News

Hậu chia tay, ly dị, những bức hình công khai trên mạng ghi lại lúc còn yêu nhau, mới cưới cùng bình luận chúc mừng của bạn bè càng khiến hai người trong cuộc khổ sở hơn.

Zing.vn trích dịch bài đăng trên The Wall Street Journal, đề cập đến câu chuyện trong thời buổi hình ảnh hạnh phúc của các đôi ngập tràn mạng xã hội, chuyện chia tay, ly dị càng trở nên tổn thương và khó khăn để vượt qua hơn.
Khi Jack Rollins và vợ anh đăng tải những bức ảnh trong đám cưới lên mạng xã hội, rất đông bạn bè của hai người vào like, “thả tim”. Bên dưới phần bình luận là những lời chúc hạnh phúc, “đầu bạc răng long”.
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân kết thúc vỏn vẹn sau 2 năm.
Jack và vợ tiến hành thủ tục ly thân, rồi ly hôn. Khi đó, những bức ảnh vô tình trở thành lời gợi nhớ về khoảng thời gian êm ấm, mặn nồng của hai người, đồng thời khoét sâu thêm vào nỗi đau chia tay.
“Tôi vẫn giữ nguyên toàn bộ album trên mạng và không có ý định xóa nó. Đó từng là một phần của cuộc đời tôi”, Jack khẳng định.
Hai ngày sau khi Song Joong Ki đệ đơn ly hôn lên tòa, fan ngồi lục lại Instagram của Song Hye Kyo và phát hiện ra bức hình cưới của mối tình từng được công chúng gọi là "tình yêu thế kỷ của showbiz Hàn" vẫn còn đó.
Thế nhưng đúng ngày tòa án gia đình Seoul chính thức tuyên bố Song Song không còn là vợ chồng hợp pháp, nữ minh tinh đã "dọn dẹp", xóa toàn bộ dấu vết về chồng, bao gồm ảnh cưới, loạt ảnh du lịch do Song Joong Ki làm "phó nháy", bức ảnh hai người khoác vai thân thiết trong một buổi phỏng vấn "Hậu duệ mặt trời" - nơi bắt đầu tình yêu của họ, thậm chí cả bức hình chú chó cưng của hai người.
Trong thời kỳ mạng xã hội bùng nổ, không khó để bắt gặp tại mọi ngóc ngách trên mạng những hình ảnh ghi lại hành trình tình yêu của các cặp vợ chồng trẻ, từ việc đính hôn cho đến kỳ nghỉ trăng mật lãng mạn.
Chính điều này vô tình tạo ra một vấn đề nan giải mà các thế hệ trước chưa từng phải đối mặt: Khi công khai các hình ảnh về chuyện hẹn hò, yêu đương, cưới xin của mình lên mạng, các đôi sẽ xoay xở sao khi đoạn tình cảm của họ đến hồi chấm dứt?
Hẹn hò, yêu, chia tay, ly dị đều cập nhật trên mạng
Tháng 1 năm nay, tỷ phú Jeff Bezos thông báo trên Twitter về quyết định ly dị người vợ MacKenzie sau 25 năm chung sống.
Vào mùa hè, khán giả trên toàn thế giới lại “sửng sốt” khi chuyện tình vốn nhận được nhiều ngưỡng mộ của ngôi sao nổi tiếng Miley Cyrus và diễn viên Liam Hemsworth cũng đi đến hồi kết. Quyết định của người trong cuộc được thông báo rộng rãi qua một bài đăng trên Instagram. 
Chuyện tình tan vỡ gây tổn thương, đau đớn với bất cứ ai, ở mọi độ tuổi song việc ly hôn có thể đặc biệt gây đau khổ với những người trẻ trong độ tuổi từ 20-30, nhóm người có xu hướng xây dựng hình ảnh bản thân trên mạng xã hội.
Và khi mối tình đi đến hồi kết, họ dễ coi đấy là một thất bại cá nhân nặng nề.
Khi cuộc hôn nhân mới kéo dài được 1 năm đã tan vỡ, Alexandra May (Alberta, Canada) quyết định dừng việc sử dụng mạng xã hội.
“Không dễ dàng gì khi bạn đang trải qua giai đoạn tồi tệ, còn trên newsfeed ngập tràn hình ảnh các đôi hạnh phúc. Tôi mừng cho họ nhưng mặt khác, cảm thấy buồn bã với những gì xảy ra với mình. Nhìn những bức hình đính hôn, đám cưới trên mạng xã hội chỉ làm tôi gợi nhớ đến cuộc ly dị”, Alexandra nhớ lại.
Kinda Ormerod, một nhà văn ở London (Anh), dành 4 năm mặn nồng với người chồng trước khi “anh ta bỏ rơi tôi ngay trước sinh nhật tuổi 30”.
Ngày hôm sau, người chồng cập nhật tình trạng mối quan hệ của mình trên Facebook, như một lời thông báo công khai với tất cả rằng hai người đã không còn ở bên nhau.
“Tôi đã suy sụp kinh khủng, tôi còn chả có được giây phút nào để tĩnh tâm”, Kinda chia sẻ.
Quyết định “bước tiếp”, cô quyết định xóa toàn bộ hình ảnh về khoảng thời gian người chồng cũ hiện diện trong cuộc đời được đăng tải trên trang cá nhân trước đó.
“Tự tay xóa thủ công hàng trăm bức ảnh trên mạng xã hội mất đến hàng giờ đồng hồ và là cả một cuộc đấu tranh về mặt cảm xúc. Những khoảnh khắc hạnh phúc nhất cứ thế xuất hiện trở lại khi bạn đang trong trạng thái tổn thương nhất”, cô cho hay.
Dang anh hen ho len mang lam gi de khi chia tay... them buon?
Khi chia tay, ly dị, các hình ảnh ghi lại khoảng thời gian mặn nồng, hạnh phúc dễ làm người trong cuộc cảm thấy tổn thương, đau khổ hơn. Ảnh: WSJ. 
Áp lực giữ hình ảnh bản thân "hoàn hảo"
Việc công khai chuyện tình cảm trên mạng có thể làm gia tăng áp lực giữ cho mọi thứ phải thật hoàn hảo, kèm với đó là cảm giác mất mát và xấu hổ nếu “bức tranh màu hồng” hai người dựng nên có ngày “biến mất”.
"Mỗi người có nhiều chọn lựa hơn song đồng thời, áp lực phải tốt đẹp trong mắt mọi người cũng tăng theo. Với các phương tiện truyền thông xã hội, mọi người đều có ‘thương hiệu’ của riêng mình và muốn bảo vệ hình ảnh bản thân”, Philip Cohen, giáo sư Xã hội học, nói thêm.
Khi chuyện tình tan vỡ, các cặp vợ chồng trẻ thường mang nặng cảm giác bị người khác chỉ trích và phán xét gay gắt.
“Tôi chia tay vợ khi 29 tuổi. Tất cả những gì tôi cảm nhận từ người xung quanh không phải là sự cảm thông, mà là sự phê phán, cảm giác như chuyện ly dị trở thành vệt đen không thể xóa bỏ khi tôi tiếp tục cuộc sống và quay lại hẹn hò sau đó”, Jack chia sẻ.
Dang anh hen ho len mang lam gi de khi chia tay... them buon?-Hinh-2
"Ly hôn có thể bị coi là thất bại nếu bạn công khai tình cảm hay làm đám cưới rình rang trước đó". Ảnh: Pinterest. 
Theo Wendy Manning, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hôn nhân và Gia đình tại Đại học Bowling Green (Ohio, Mỹ), thế hệ trẻ hiện nay coi trọng việc giữ gìn chuyện hôn nhân, hạnh phúc gia đình.
“Không phải họ không yêu đương, nhưng nhiều người chọn đến khi hoàn thành chương trình học và có điều kiện tài chính đầy đủ mới nghĩ đến chuyện kết hôn. Hai từ “ly dị” khiến nhiều người trẻ có ác cảm. Khi tôi phỏng vấn các đôi về việc sao họ không làm đám cưới, câu trả lời là nếu không hôn nhân hợp pháp, họ không phải lo chuyện ly hôn nếu cả hai đường ai nấy đi”, bà Wendy cho hay.
Tỷ lệ kết hôn lẫn ly hôn có xu hướng giảm trong những thập kỷ qua tại xứ cờ hoa. Các nhà nghiên cứu lý giải nguyên do một phần đến từ việc những người trẻ tuổi không còn mặn mà chuyện cưới xin, kết hôn nếu như chưa ổn định mặt tài chính.
Ngày nay, khoảng 30% số thanh niên trong độ tuổi 18-34 đã kết hôn, tỷ lệ chỉ bằng một nửa so với cuối thập niên 70 của thế kỷ 20, theo số liệu của Cục Điều tra Dân số Mỹ.
Năm 1990, độ tuổi trung bình của phụ nữ khi lập gia đình là 24 tuổi. Năm 2018, con số đã lên thành 28 tuổi ở nữ giới và 30 tuổi ở nam giới.
Tuy nhiên, không phải ai cũng coi việc đổ vỡ hôn nhân là điều khiến họ “mất mặt và bị người ngoài chê cười”.
Colleen Keough (29 tuổi) ly hôn với chồng sau 5 năm kết hôn và có với nhau 2 người con.
Vài ngày sau khi thủ tục ly hôn hoàn tất, cô đăng tải bức ảnh selfie cùng chồng cũ, trong hình hai người ôm nhau, cười tươi cùng tờ giấy xác nhận việc ly dị trong tay.
Chú thích bức ảnh ghi rõ việc chấm dứt cuộc hôn nhân diễn ra trong hòa thuận và dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, “con cái chúng tôi đều đang ổn và vui vẻ cả”.
“Phản ứng của mọi người khá tích cực. Tôi nhận được nhiều tin nhắn động viên từ những người hoàn toàn xa lạ. Phần lớn đều nghĩ chuyện ly dị gắn liền với đau khổ, nước mắt nhưng bức hình là cách tôi thông báo rằng cảm xúc người trong cuộc vẫn bình thường”, cô nói.
Còn với Jack Collins, anh bắt đầu một tài khoản trên Instagram chuyên hỗ trợ những người trải qua việc hôn nhân đổ vỡ, nơi anh chia sẻ kinh nghiệm cá nhân như cách giúp người khác tìm thấy sự đồng cảm.
Song chính anh cũng thừa nhận không dễ dàng gì để vượt qua chuyện quá khứ và “yêu lại lần nữa”.
“Điều này giúp tôi giải quyết các cảm xúc cá nhân, song lại gây khó khăn trong việc tìm kiếm tình yêu mới. Liệu ai sẽ muốn hẹn hò với một người lúc nào cũng chia sẻ chuyện về vợ cũ trên mạng xã hội cơ chứ”, Jack cho hay.
Theo Trà My/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)