Thể thao & Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết về Mù Cang Chải mùa nước đổ của nhà báo Trần Mai Hưởng:
Trong nắng chiều, những mảng màu lấp lánh sinh động trên từng vạt đồi. Ruộng mới đổ nước ánh sắc tím biếc của núi rừng, trời mây. Vạt có mạ đang lên, màu xanh non căng tràn sức sống. Những mảnh đang làm đất sẫm nâu, nơi con người đang miệt mài lao động... Những ngọn đồi nhiều màu sắc ấy trập trùng uốn lượn giữa những ngọn núi cao ẩn hiện trên nền trời xanh mây trắng tạo nên một bức tranh giữa thiên nhiên hùng vĩ và quyến rũ !
Chúng tôi là những du khách gặp may. Khi xe lên đèo Khau Phạ dài 32 km , một trong Tứ Đại Đèo ở phía bắc, để ngược lên Mù Cang Chải, trời mờ mịt. Nhìn con đường chìm trong mây xám, ai cũng băn khoăn. Rồi mưa như trút.
Vẫn biết mưa tốt cho vùng cao hơn ngàn mét so với mặt biển này khi các bản làng vào mùa nước đổ. Nhưng đi chiêm ngưỡng cảnh đẹp đã nổi tiếng ở Việt Nam và nước ngoài này, ai mà chả mong có nắng; một địa danh mà một trang web du lịch quốc tế đã viết: "Đây quả là vẻ đẹp tinh tế và hút hồn nhất, và có lẽ độc đáo hơn bất cứ nơi nào trên thế giới".
Nhưng rất may, khi xe vừa sang bên này đèo để vào đất Mù Cang Chải, mưa ngớt, trời quang rồi nắng bừng lên, một món quà của thiên nhiên dành cho những con người lặn lội 200 km từ Hà Nội lên đây.
Nhờ thời tiết tốt, chúng tôi cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp "tinh tế và hút hồn" ấy khi dọc theo quốc lộ 32 lên thị trấn Mù Cang Chải, qua các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, Lao Chải... Các khu ruộng bậc thang hiện lên hai bên đường ngời lên trong nắng, nối tiếp nhau chạy sâu vào chân rặng Hoàng Liên Sơn, những công trình độc đáo mà nhiều thế hệ con người ở Mù Cang Chải, bằng lao động tài hoa và cần cù, đã kiến tạo lên giữa thiên nhiên hùng vĩ.
Mù Cang Chải hầu như không có đất bằng, chỉ có những quả đồi; không có sông, chỉ có những dòng suối nhỏ trong khe núi. Chính trong hoàn cảnh ấy con người đã tìm ra cách trồng lúa riêng của mình. Đời qua đời khác, những quả đồi được kiến tạo một cách khéo léo và công phu thành từng lớp ruộng.
Nguồn nước canh tác được lấy từ núi khi mùa mưa đến, qua hệ thống ống dẫn về các khu đồi và lần lượt xuống từng lớp ruộng theo lịch trình phù hợp. Điều ấy tạo nên một mùa nước đổ rộn ràng nhịp điệu lao động và mang một vẻ đẹp rất quyến rũ.
Ít ai có thể nghĩ rằng những khu ruộng kỳ vĩ ở Mù Cang Chải đã được con người thiết kế từ 300-400 năm trước. Người ta đã tìm thấy các phiến đá nằm xen lẫn giữa ruộng bậc thang có hình tháp, hình núi, động vật và cả hình trang giấy đang mở. Trên các phiến đá có khắc hình ảnh ruộng bậc thang, chim hạc, ngựa trời, bản đồ thiên văn và các ký tự cổ.
Có thể nói từng mảnh ruộng là kết tinh mồ hôi, tài hoa, tâm huyết mấy chục thế hệ. Mù Cang Chải trong tiếng Mông nghĩa là Làng Cây Khô. Chính lao động của con người đã biến Làng Cây Khô ấy thành một vùng văn hoá đặc sắc, một vùng đất giàu đẹp và xanh tươi sự sống.
Năm 2007, khu vực 500 héc ta ruộng bậc thang ở các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Chế Xu Phình (trong số khoảng 2.200 héc ta ruộng bậc thang toàn huyện Mù Cang Chải) đã được xếp hạng di tích quốc gia như một danh thắng thiên nhiên độc đâo.
Những ngày lễ văn hóa, du lịch "Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải" đã được tổ chức, với nhiều hoạt động văn hoá như chọi dê, hội giã cốm, hội chợ ẩm thực, lễ hội nhảy dù cùng nhiều hoạt động văn hóa khác, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Mù Cang Chải mùa nước đổ có vẻ đẹp độc đáo. Chính con người ở đây, nhiều thế hệ, đã tạo dựng nên vẻ đẹp ấy. Những ngày này, khi mùa mưa đến, đồng bào dân tộc ở đây đang miệt mài bắt đầu cho một mùa sản xuất mới, vì cuộc sống của mình, và để Mù Cang Chải trở thành vùng đất ngày càng giàu đẹp hơn.