Khắc phục chi không đúng đối tượng khi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Google News

Việc chi không đúng đối tượng, nội dung chi không còn phù hợp với thực tiễn dẫn đến kết quả giải ngân vốn ngân sách thấp, đặc biệt là vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia...

Chiều 16/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Phân cấp cho cấp huyện thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Góp ý về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, đại biểu Lò Thị Luyến nêu rõ, dự thảo quy định theo hướng Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, HĐND cấp tỉnh quyết định phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định.
Đại biểu đặt vấn đề trường hợp cần thiết là trường hợp nào, trường hợp nào là không cần thiết hiện chưa làm rõ. Đại biểu đề nghị phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần.
Khac phuc chi khong dung doi tuong khi thuc hien cac chuong trinh muc tieu quoc gia
 Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa).
Cùng quan điểm, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) chỉ ra những khó khăn, vướng mắc nảy sinh như trường hợp chi không đúng đối tượng, nội dung chi không còn phù hợp với thực tiễn của địa phương dẫn đến kết quả giải ngân vốn ngân sách thấp, đặc biệt là vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia...
Để khắc phục vấn đề trên, đại biểu cho rằng Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm theo tổng kinh phí chi thường xuyên cho từng chương trình mục tiêu quốc gia và giao cho HĐND địa phương phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần là hoàn toàn phù hợp, giúp cho các địa phương chủ động hơn và phân bổ sát thực tiễn thực hiện các nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu đề nghị tại điểm c khoản 1 cần làm rõ khi nào cần thiết HĐND cấp tỉnh phân cấp cho HĐND cấp huyện phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần. Theo đại biểu, nên xem xét giao cho HĐND cấp tỉnh phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố trong tổng kinh phí chi thường xuyên và giao HĐND cấp huyện phân bổ chi tiết đến từng dự án nội dung thành phần. Qua đó giúp chủ động cho các huyện và sử dụng chi thường xuyên sát thực tiễn và hiệu quả.
Cần làm rõ điều kiện về “Trường hợp thật cần thiết” để thống nhất 
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia là cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Khac phuc chi khong dung doi tuong khi thuc hien cac chuong trinh muc tieu quoc gia-Hinh-2
 Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc).
Về thẩm quyền ban hành nghị quyết, đại biểu cho biết, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80 đc sửa đổi, bổ sung một số điều theo luật số 63 của Quốc hội, thì Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia là đúng thẩm quyền.
Căn cứ vào quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và căn cứ vào hồ sơ trình Quốc hội, đại biểu cho rằng hồ sơ trình Quốc hội đủ điều kiện để Quốc hội xem xét và thông qua tại 1 kỳ họp.
Về tên dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho rằng, nên xem lại tên của dự thảo Nghị quyết, bởi Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách nhưng nội dung của Nghị quyết là các cơ chế để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; không có nội dung nào đề cập tới chính sách mới. Theo các tờ trình của Chính phủ đều đề cập tới 8 cơ chế đặc thù trong Nghị quyết. Do vậy, nên điều chỉnh lại tên nghị quyết như sau: Nghị quyết về một số cơ chế đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Về nội dung nghị quyết, tại khoản 5 đưa ra 2 phương án, đại biểu cho rằng nên quy định theo Phương án thứ nhất, để tổ chức thực hiện đc ngay giai đoạn 2024-2025. Tại điểm c khoản 1 có quy định “Trường hợp thật cần thiết”, đại biểu đề nghị cần làm rõ điều kiện hoặc nguyên tắc về “Trường hợp thật cần thiết” để thống nhất tại các địa phương.
Ngoài ra, tại điểm b khoản 4 quy định “... cơ quan tài chính cùng cấp hoặc UBND cấp xã chịu trách nhiệm xác định giá thị trường”; đại biểu đề nghị làm rõ về phương pháp xác định giá thị trường để có sự thống nhất giữa các địa phương.
Mời quý độc giả xem video đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) trao đổi bên hành lang Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội khóa XV. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)