Đề nghị làm rõ lý do Bộ trưởng “tiếp ít, ủy quyền nhiều” trong tiếp dân

Google News

Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ lý do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ "tiếp ít, ủy quyền nhiều" trong tiếp dân.

Kịp thời xử lý, không để xảy ra "điểm nóng" gây phức tạp
Chiều 11/10/2023, tại nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.
De nghi lam ro ly do Bo truong “tiep it, uy quyen nhieu” trong  tiep  dan
 Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: QH.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong năm 2023 tình hình công dân đến cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh tăng so với năm 2022.
Theo đó, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 37,5% so với năm 2022 với tổng số người được tiếp tăng 41,8% và hơn 294.000 vụ việc (tăng 33,2%). Tòa án nhân các cấp đã tiếp 285 lượt người (314 người) về 253 vụ việc (không có đoàn đông người), trong đó: 170 vụ việc khiếu nại; 83 vụ việc tố cáo.
Về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, các cơ quan hành chính tiếp nhận 446.805 đơn các loại; đã xử lý 422.801 đơn; qua xử lý có 50.533 đơn khiếu nại, 21.767 đơn tố cáo; có 28.892 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước. So với năm 2022, số đơn các loại tăng 29,6%, đơn khiếu nại tăng 20,5%, đơn tố cáo tăng 23,5%.
Về kết quả giải quyết tố cáo, theo Tổng Thanh tra Chính phủ, tổng số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính các cấp là 7.592 vụ việc, giảm 7,6%; đã giải quyết 6.547 vụ việc, đạt 86,2%. Tòa án nhân dân các cấp đã tiếp nhận 313 đơn tố cáo, trong đó, thuộc thẩm quyền 312 vụ việc, đủ điều kiện thụ lý 110 đơn của 109 vụ việc; đã giải quyết 100 đơn.
Về kết quả kiểm tra, rà soát và việc giải quyết các vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc các địa phương khẩn trương rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, vụ việc khiếu kiện đông người tại các cơ quan trung ương, Thanh tra Chính phủ đã ban hành các kế hoạch triển khai, phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành chức năng và các địa phương kiểm tra, rà soát, qua đó đã lập danh sách 1.003 vụ việc.
Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành việc nhập dữ liệu 1.003 vụ việc này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo để các bộ, ngành, địa phương cập nhật, khai thác, sử dụng.
Thực hiện các kiến nghị, chỉ đạo tại Nghị quyết của Quốc hội và Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các phiên họp hằng tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương sớm triển khai, thực hiện các nội dung kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nghiêm, đầy đủ các nội dung, nhất là những vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể, những vấn đề bức xúc trong xã hội được cử tri và nhân dân quan tâm.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiến hành 1.531 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm (tăng 20,7%) thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại 2.408 cơ quan, tổ chức, đơn vị; đã ban hành 1.283 kết luận thanh tra. Qua thanh tra kiến nghị xử lý hành chính đối với 233 tổ chức, 520 cá nhân; đã xử lý 190 tổ chức, 460 cá nhân.
Về công tác chỉ đạo, điều hành trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, năm 2023, cùng với nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, có biện pháp chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, góp phần bảo đảm ổn định tình hình chính trị - xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ban cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, triển khai sâu rộng, làm chuyển biến tích cực trong nhận thức cán bộ, công chức về quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thường xuyên quán triệt, chỉ đạo toàn ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; bố trí Phòng tiếp công dân, phân công lãnh đạo tiếp công dân theo quy định của pháp luật; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy chế nghiệp vụ, văn bản hướng dẫn làm cơ sở pháp lý phù hợp với hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng cho biết, trong công tác tiếp công dân, mặc dù đã chuyển biến tốt hơn so với giai đoạn trước nhưng việc thực hiện tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu một số cơ quan hành chính chưa đảm bảo so với quy định của luật.
Cùng với đó, chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn ở một số nơi chưa cao, còn sai sót, nhầm lẫn, hướng dẫn, chuyển đơn không đúng nơi có thẩm quyền giải quyết, một số vụ việc chưa được chính quyền địa phương quan tâm, xem xét xử lý ngay từ cơ sở dẫn đến có nguy cơ diễn biến phức tạp.
Tỷ lệ giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước thấp hơn so với năm 2022 và thấp hơn mục tiêu chung phấn đấu (85%); chất lượng giải quyết ở một số địa phương còn hạn chế.
Việc thực hiện một số kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo do đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chuyển đến còn chậm, có trường hợp báo cáo kết quả thực hiện chưa kịp thời.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng cho rằng, trong thời gian tới, dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp, nhiều đoàn khiếu kiện đông người, phức tạp. Đáng chú ý là tình hình khiếu kiện đông người liên quan đến việc giao khoán đất nông, lâm trường tại một số tỉnh, thành phố phía Nam và khu vực Tây Nguyên, nếu không được xử lý dứt điểm có thể diễn biến phức tạp.
Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước tiếp tục xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Tập trung thực hiện tốt công tác tiếp công dân, chủ động, nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh chính trị và trật tự xã hội.
Làm rõ lý do của việc Bộ trưởng, Thủ trưởng "tiếp ít, ủy quyền nhiều"
Trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thẩm tra Thường trực Ủy ban Pháp luật (UBPL) nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ đã tích hợp, phản ánh toàn diện kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) về hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước và của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước theo đúng yêu cầu của Quốc hội; đồng thời, tiếp tục có những đổi mới để nâng cao chất lượng Báo cáo.
De nghi lam ro ly do Bo truong “tiep it, uy quyen nhieu” trong  tiep  dan-Hinh-2
 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: QH.
Báo cáo cũng đã cơ bản bám sát Đề cương và các yêu cầu của UBTVQH, phản ánh rõ tình hình, với nhiều số liệu cụ thể; đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; trên cơ sở đó đề ra một số giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới. 
Qua Báo cáo của Chính phủ cho thấy, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC năm 2023 tiếp tục có sự đổi mới, đạt kết quả tích cực, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật đối với 81,8% các vụ việc khiếu nại, 86,2% các vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền. Thường trực UBPL đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm và những kết quả đạt được trong công tác này của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp và Kiểm toán nhà nước, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 và diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực.

Bên cạnh đó, Thường trực UBPL đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các số liệu, bổ sung thông tin, đánh giá sâu sắc, làm rõ thêm một số nội dung cụ thể trong Báo cáo nhằm thể hiện đầy đủ hơn kết quả của công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC năm 2023 như đã được nêu trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ đầy đủ.
Về công tác tiếp công dân, Thường trực UBPL đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ lý do của việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ “tiếp ít, ủy quyền nhiều”.
Bên cạnh đó, trong Báo cáo gộp số ngày Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp trực tiếp tiếp công dân với số ngày ủy quyền cho cấp phó tiếp để đánh giá về việc chấp hành quy định của pháp luật về số ngày tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước là chưa bảo đảm theo đúng theo quy định của Luật Tiếp công dân, chưa phản ánh chính xác trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc trực tiếp tiếp công dân.  


Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)