Cân nhắc, dồn vào một luật tránh gây khó khăn, phiền phức
Sáng 24/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đường bộ. Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) đồng tình với việc xây dựng 2 luật: Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên cơ sở chính trị, pháp lý rất rõ ràng, cụ thể.
|
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN. |
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, khi xây dựng được riêng 2 luật này thì có rất nhiều điều khó khăn. Ví dụ như vấn đề xe đưa đón học sinh, trên một xe có 2 người, một người là lái xe, một người là quản lý học sinh đối với trường hợp xe chở học sinh tiểu học và mầm non.
Tại khoản 2 Điều 76 Luật Đường bộ quy định là đối với lái xe phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm vận tải hành khách, nhưng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định về người quản lý trong trường hợp xe chở học sinh tiểu học và mầm non thì phải có một người quản lý, trường hợp xe trên 24 chỗ thì phải có 2 người quản lý trở lên.
"Bây giờ một xe 2 người được điều chỉnh bằng 2 luật. Vậy khi áp dụng pháp luật trên thực tiễn sẽ rất phiền phức, khó khăn kể cả người tổ chức kinh doanh vận tải, kể cả cho nhà trường, kể cả cho cơ quan xử lý", đại biểu Nguyễn Hải Dũng nêu.
Theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng, những tình huống như thế cần xem xét, cân nhắc và dồn vào một luật. Đại biểu đề nghị sửa phương án này là đưa thâm niên của người lái xe vận tải học sinh về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì thuận hơn.
Ban phụ huynh chịu trách nhiệm xe đưa đón học sinh là chưa hợp lý
Góp ý liên quan đến quy định xe đưa đón học sinh, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) đã chỉ ra những bất cập. Cụ thẻ, theo đại biểu, việc quy định hoạt động đưa đón học sinh do nhà trường tổ chức là hoạt động vận tải nội bộ chưa hợp lý.
|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương). Ảnh: QH. |
Vì Điều 61 khoản 13 của dự thảo luật quy định "hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ôtô là hoạt động vận tải không kinh doanh để vận tải người, hàng hóa trên đường bộ”. Trong khi đó các trường học đều phải thu tiền để tổ chức đưa đón học sinh và trong nhiều trường hợp rất khó phân biệt đây có phải là kinh doanh hay không.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị quy định rõ trong dự thảo luật, đối với các trường hợp các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện dịch vụ đưa đón học sinh thì người đứng ra tổ chức, hợp đồng và chịu trách nhiệm phải là các nhà trường, tránh tình trạng như ở một số nơi là giao cho ban phụ huynh thực hiện việc này là chưa phù hợp.
Đồng quan điểm, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho hay, việc kinh doanh phương tiện vận tải bằng xe ô tô đưa đón học sinh đã phát sinh khá nhiều bất cập trong công tác quản lý học sinh, chất lượng xe đưa đón.
“Để đảm bảo sự an toàn cho trẻ em, luật cũng nên dành sự quan tâm hơn đến hình thức kinh doanh vận tải liên quan đến trẻ em, học sinh”, ông Bình góp ý.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa bày tỏ quan điểm về quy định nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe tại trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.