Ngày 28/11, giải trình trước Quốc hội sau phiên thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, theo tổng kết, đánh giá của Chính phủ, 5 năm qua đã có khoảng 200.000 cuộc đấu giá, trên 90% là tài sản công, chủ yếu là quyền sử dụng đất. Số tiền chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá thành thu cho Nhà nước, thu cho tổ chức, thu cho cá nhân là 110.000 tỷ đồng.
|
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: QH. |
Giải pháp để ngăn chặn, hạn chế thông đồng, dìm giá, hay tình trạng "quân xanh", "quân đỏ", ông Long cho biết các thủ tục đang được thực hiện theo hướng công khai, minh bạch, kéo dài thời hạn nếu cần thiết. Đồng thời, quy định chặt chẽ hơn về hồ sơ, xét duyệt, trình tự, thủ tục và quy trình xem xét, xét duyệt giá, kể cả bổ sung trường hợp tham gia đăng ký đấu giá mà không trả giá thì mất tiền đặt trước.
Liên quan đến nội dung đại biểu Quốc hội băn khoăn, là chế tài đối với người
bỏ cọc, ông Long cho biết sẽ nghiên cứu theo hướng làm sâu sắc hơn nữa và những gì còn có thể bổ sung, siết chặt trong các quy định của pháp luật chuyên ngành sẽ góp ý để hoàn thiện.
Đồng thời cũng tính đến những vi phạm về mặt tài chính có quy định thêm về cấm tham gia đấu giá hoặc siết chặt hơn các điều kiện trong quy định của pháp luật chuyên ngành hay không.
"Vừa rồi có vụ Thủ Thiêm, Quốc hội đã biết rất rõ, cát ở An Giang và Hà Nội, lô xe máy xử phạt vi phạm hành chính ở Hà Tĩnh. Ban soạn thảo xin phép được tiếp tục nghiên cứu, đặc biệt xem có bổ sung được các chế tài nào không. Theo quan điểm của chúng tôi pháp luật quy định càng chặt càng tốt", ông Long nói.
Tuy nhiên, theo ông Long, để đảm bảo quy định pháp luật được thực hiện một cách ngay tình trên thực tế rất nhiều các yếu tố có liên quan, trong đó có quy định chặt chẽ của pháp luật, đạo đức kinh doanh, đạo đức hành nghề, trong đó có vấn đề trách nhiệm của người quản lý phải tổng hợp rất nhiều các quy định. Như vậy, chúng ta mới đảm bảo được một quy định pháp luật trên thực tế.
Trước đó, nêu ý kiến tại hội trường liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) gợi ý
có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bổ sung quy định cụ thể theo hướng xử lý hình sự đối với hành vi bỏ cọc đấu giá và có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế.
Theo đó, Bộ luật Hình sự cần bổ sung các hành vi tương ứng trong hoạt động đấu giá tài sản cho phù hợp, tránh tình trạng thổi giá, phá giá, gây hệ lụy lớn như thời gian vừa qua.
>>> Mời quý độc giả xem video Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi):
Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.