Richard Clayderman: “Nữ thần của tôi là thầy dạy piano đầu tiên“

Google News

(Kiến Thức) - Huyền thoại dương cầm Richard Clayderman đã khiến khán phòng cười ồ khi chia sẻ: "Nữ thần của tôi là người thầy dạy piano đầu tiên".

Sự xuất hiện của nghệ sĩ dương cầm Richard Clayderman ở Hà Nội vào những ngày đầu thu, thu hút sự quan tâm của dư luận. Tối mai, 23/8 ông sẽ có một buổi biểu diễn duy nhất tại Trung tâm Hội nghị quốc gia cho khoảng 3000 khán giả trong chương trình Richard Clayderman cùng VPBank. Được biết, từ nhiều ngày trước, vé của chương trình đã cháy. Rất nhiều người muốn có cơ hội xem huyền thoại dương cầm này biểu diễn, nhưng không kịp.
Khi ông xuất hiện tại phòng họp báo của khách sạn Metropole, cả khán phòng đứng lên chào đón nghệ sĩ với những tràng vỗ tay nồng nhiệt. Đáp lại tình cảm đó, nghệ sĩ vẫy tay và cười thật tươi "đáp lễ". Ông cũng nhiệt tình trả lời các câu hỏi của phóng viên gửi lên. 
Kiến thức xin trích đăng những chia sẻ của nghệ sĩ tại cuộc họp báo trưa nay ở Hà Nội trên cơ sở những câu hỏi của đồng nghiệp báo chí tại thủ đô trong lần đầu gặp gỡ huyền thoại dương cầm thế giới.
 Huyền thoại âm nhạc Richard Clayderman tại cuộc họp báo ở Hà Nội - Ảnh: Lý Võ Phú Hưng.
Cảm xúc của ông với cây đàn dương cầm ở tuổi 20 và tuổi 60 có sự khác nhau như thế nào? Khi ông chơi đàn cho khán giả Châu Âu và Châu Á, ông nghĩ nó có sự khác biệt nào không?
Mỗi lần tôi đánh vào phím đàn, cảm xúc của tôi đều khác nhau. Tôi luôn mong muốn lần sau sẽ hay hơn lần trước để khán giả của tôi có thể yêu tiếng đàn của mình nhiều hơn. 
Ông có quãng đời tuổi trẻ không mấy suôn sẻ, và được biết ông đã làm nhiều nghề kiếm sống, trong đó ông từng vào làm việc cho một ngân hàng ở tuổi 16, 17. Ông có thể chia sẻ về quãng thời gian khó khăn đó?
Tôi lập gia đình rất sớm, nên việc kiếm sống cho mình và người thân cũng gặp những khó khăn. Khó khăn trong cuộc sống cũng khiến tôi gặp trở ngại khi muốn mua cho mình những nhạc cụ âm nhạc. Và việc tôi làm việc cho một ngân hàng ở tuổi 16, 17 là để có thêm thu nhập trang trải cuojc sống và đến gần hơn với âm nhạc.
Khán giả Việt Nam nhiều thế hệ đều yêu tiếng đàn của ông. Ông có cảm xúc thế nào khi đến Việt Nam biểu diễn lần này?
Tôi rất vui khi biết những người thuộc thế hệ của tôi, sinh năm 1950 -1960 đã yêu tiếng đàn của tôi và tới nay vẫn tiếp tục nghe. Hiện tại tôi cũng muốn chinh phục những khán giả trẻ hơn bằng tiếng đàn của mình.
Cựu phu nhân tổng thống Mỹ từng nhận xét Richard Clayderman là “hoàng tử của sự lãng mạn”. Xin hỏi, sự lãng mạn đã giúp ông tìm đến những bản nhạc romantic hay những bản nhạc đã giúp ông trở nên lãng mạn hơn?
 Dù mới trải qua một chuyến bay dài, nghệ sĩ dương cầm vẫn luôn nở nụ cười rất tươi khi nghe các câu hỏi của phóng viên Hà Nội - Ảnh: Lý Võ Phú Hưng.
Có thể tôi chơi những bản nhạc lãng mạn nên được nhận xét thế. Ở khía cạnh khác, tôi nghĩ âm nhạc là đời sống tinh thần, phản ánh tâm hồn của mình. Vậy nên tôi nghĩ mình cũng là người lãng mạn.
Được biết ông không uống rượu và có một sự đảm bảo về sức khỏe rất chỉn chu. Nhưng thật khó tin nếu một người Pháp như ông nói không với rượu vang? Ông có thể lý giải như thế nào?
Cuộc sống của tôi là những chuyến lưu diễn trải dài trên khắp các quốc gia. Tôi muốn duy trì một sức khỏe thật tốt nên tôi cố gắng không uống rượu, không hút thuốc.
Ông có 2 lần để sự nghiệp chen ngang đời tư của mình. Nếu được làm lại, ông sẽ thế nào?
Tôi nghĩ mình sẽ không thay đổi. Tôi sẽ đến khắp mọi nơi, nếu nơi này không chào đón tôi, tôi sẽ đi đến nơi khác. Và tình yêu với âm nhạc trong tôi, tôi nghĩ vẫn giữ nguyên.
Theo ông, cái gì cần được ưu tiên nhất khi người ta còn trẻ và khi đã về già?
Đầu tiên là sức khỏe. Sức khỏe ở tuổi nào cũng quan trọng, tôi tin thế. Tôi liên tục phải di chuyển, liên tục phải làm quen với sự thay đổi về môi trường sống và múi giờ. Nếu sức khỏe không đảm bảo, tôi không thể chơi nhạc tốt.
Bên cạnh đó, giữ lại tình yêu cho gia đình và âm nhạc là điều quan trọng tiếp theo.
Là người đàn ông thường xuyên vắng nhà, theo ông có phải là sự mạo hiểm?
Tất nhiên vợ tôi rất buồn khi tôi vắng nhà. Nhưng vợ tôi cũng là một nghệ sĩ và cô ấy hiểu rất rõ sự hy sinh dành cho âm nhạc thế nào. Chính vì cùng nhau hiểu được điều đó nên mỗi khi trở về nhà tôi nghĩ tất cả chúng tôi đều trân trọng những giây phút bên nhau đó.
 Khi nhạc sĩ chia sẻ về nữ thần của mình, cả khán phòng cười ồ vui vẻ.- Ảnh: Lý Võ Phú Hưng. 
Khi người ta buồn họ nghe nhạc của ông. Còn ông buồn, ông nghe nhạc của ai?
Bình thường tôi nghe rất nhiều thể loại âm nhạc. Khi buồn tôi cũng làm như thế. Mỗi khi di chuyển đến các quốc gia khác, tôi đều cố gắng gặp gỡ các nghệ sĩ của những quốc gia ấy. Và đến Việt Nam lần này tôi cũng muốn những nghệ sĩ, ca sĩ của Việt Nam biểu diễn như thế nào.
Mỗi nghệ sĩ đều tôn thờ một nữ thần của riêng mình. Vậy, nữ thần của ông là ai?
Nữ thần của tôi là người thầy dạy piano đầu tiên. Ông đã dạy tôi những bản nhạc cổ điển đầu tiên để từ đó tôi yêu âm nhạc hơn, yêu con đường của mình hơn. Nữ thần của tôi cũng là những khán giả ở khắp nơi trên thế giới, từ châu Âu, châu Mỹ, châu Á…. Chính họ giúp tôi thăng hoa trong suốt 40 năm qua và tôi biết ơn họ.
An Thủy (ghi tại HB)

Bình luận(0)