Nhan sắc Việt thua vì ngoại ngữ và ứng xử kém

Google News

(Kiến Thức) - "Tham gia đấu trường nhan sắc quốc tế, VN không thua về nhan sắc, mà do ngoại ngữ và ứng xử kém hơn" - nhà thơ Dương Kỳ Anh cho biết.

Khởi động vào đầu tháng 6, hiện tại cuộc thi HHVN 2014 đang rầm rộ tuyển chọn thí sinh trên khắp cả nước, chuẩn bị cho vòng chung kết diễn ra vào tháng 12, tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. 
Năm nay, quy chế thi Hoa hậu được siết chặt hơn, "cấm cửa" đối với những thí sinh sống thử. Điều này đã gây ra những cuộc tranh luận trong việc áp dụng quy chế. 
Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Dương Kỳ Anh - cha đẻ của cuộc thi HHVN về vấn đề này. Đồng thời, tìm nguyên nhân cho việc nhan sắc Việt thất bại trên đấu trường nhan sắc quốc tế.
Cấm "sống thử" khó công bằng!
Quy chế HHVN 2014 cấm thí sinh chung sống với ai như vợ chồng, vậy theo ông, việc quan hệ tình dục trước hôn nhân có bị xem là vi phạm quy chế thi?
Bây giờ giới trẻ xem việc quan hệ tình dục trước hôn nhân là chuyện bình thường. Ý kiến cá nhân tôi, chỉ khi chuyện chung sống như vợ chồng được công khai nhiều người biết thì mới vi phạm quy chế thi.
 Ông Dương Kỳ Anh chia sẻ những vấn đề về thi Hoa hậu.
Vậy công khai chung sống như vợ chồng với bạn trai mới bị cấm, còn “vượt rào” kín đáo thì vẫn được chấp nhận? 
Đúng là tưởng dễ nhưng thực tế để áp dụng lại khó. Theo tôi quy chế chỉ nên đưa những điều cơ bản là chưa lập gia đình (chưa đăng ký kết hôn, chưa tổ chức đám cưới) và chưa sinh con. Còn với quy chế mới của cuộc thi năm nay tôi thấy khó xử lý cho nó công bằng, không biết BTC sẽ xử lý như thế nào.
Trước đây từng có trường hợp nào làm khó BTC không và những trường hợp này được giải quyết thế nào thưa ông?
Nhiều trường hợp khó chứ. Có thí sinh chưa có chồng nhưng đã có con 3 tuổi vẫn đi thi. Khi phát hiện, BTC phải gặp riêng, động viên cô ấy rút êm.
Ban đầu cô ấy đồng ý, nhưng đến hôm sau vẫn đến thi làm mọi người tá hỏa. BTC phải cương quyết hơn, vừa để bảo vệ cuộc thi vừa giữ danh dự cho cô gái. Thế nhưng sau đó thí sinh này cũng làm BTC hoảng hồn khi về nhà “giả” tự tử.
Rồi có trường hợp thí sinh rất xinh đẹp nhưng lại là một mắt xích trong đường dây “sex tour”. Chúng tôi cũng phải giải quyết trong hậu trường để tránh làm tổn hại đến cô gái. Theo tôi những trường hợp này sẽ khuyên thí sinh tự nguyện dừng cuộc thi và ban tổ chức cũng không nên công khai danh tính.
Cuộc thi Ngọc Trinh tham gia không nên gọi là thi Hoa hậu
Chưa bao giờ ở Việt Nam các cuộc thi sắc đẹp lại được tổ chức rầm rộ như ngày nay, từ cuộc thi vùng, miền, quốc gia đến những cuộc thi mang tầm quốc tế. Ông có thể lý giải nguyên nhân tại sao có tình trạng này?
Tôi nghĩ rằng, tình trạng các cuộc thi sắc đẹp tràn lan như hiện nay bởi nhiều người đứng ra tổ chức họ cứ nghĩ rằng tổ chức thi người đẹp là dễ dàng, là sẽ được một cái gì đó, như được danh tiếng, tiền bạc, được quảng bá thương hiệu… Thế nhưng điều đó là nhầm lẫn và có thể là tệ hại!.
Từ khi báo Tiền Phong khởi xướng và tổ chức các cuộc thi Hoa hậu ở nước Việt Nam thống nhất, chưa khi nào có lãi. Thi Hoa hậu chỉ “được” một thứ đó là tôn vinh cái đẹp, để định hướng cho con người hướng đến cái đẹp. Nếu không như vậy mà vì bất cứ một mục đích nào khác thì cuộc thi sẽ hỏng.
Chúng tôi tổ chức các cuộc thi HHVN đều không vì lợi nhuận, lần thi đầu tiên còn bị búa rìu dư luận đổ xuống, bị phê phán cho rằng tuyên truyền cho lối sống tư sản. Chúng tôi khốn khổ đủ điều, nhưng vì yêu cái đẹp nên chúng tôi vẫn làm, may mắn là cuộc thi đó thành công. Còn bây giờ nhiều cuộc thi sắc đẹp bị biến tướng, mang tính thương mại hóa. Bởi vậy, nảy sinh ra các tiêu cực, người tổ chức muốn kiếm lợi, người đi thi thì cần danh.
Ngày xưa hồng nhan bạc phận còn bây giờ sắc đẹp được coi là tài sản, nó có thể mang đến tiền tài, danh vọng. Theo ông, đó có phải lý do khiến nhiều cô gái đổ xô đi thi, cốt kiếm được một danh vị?
 Nữ hoàng nội y Ngọc Trinh từng đăng quang cuộc thi Hoa hậu người Việt hoàn cầu.
Điều đó cũng một phần ảnh hưởng từ xã hội. Thời kỳ văn hóa đạo đức xuống cấp, rất nhiều người chạy theo đồng tiền, bằng mọi cách để kiếm tiền, thì trách sao các cô gái không quay cuồng theo. Họ mong có danh hiệu, bởi chỉ cần chút tiếng tăm là họ có thể nhảy sang sàn catwalk, làm diễn viên, đóng quảng cáo. Họ không hiểu hết trách nhiệm nặng nề khi đội lên đầu chiếc vương miện. Hoa hậu không phải là con đường để tiến thân. Đó cũng là lý do nhiều hoa hậu sau khi đăng quang vẫn chuyên tâm học hành, trở thành người có học thức cao trong xã hội.
Thực tế, các cuộc thi Hoa hậu được tổ chức rầm rộ nhưng chất lượng lại ngày càng đi xuống, theo ông nên làm thế nào để cải thiện tình trạng này?
Theo tôi chỉ những cuộc thi uy tín, mang tầm quốc gia thì mới gọi là HH còn các cuộc thi khác chỉ nên gọi là người đẹp, hoa khôi thôi. Như bây giờ là loạn danh xưng, ra đường là gặp Hoa hậu. Nhiều cô báo chí gọi là Hoa hậu nhưng tôi chẳng biết cô ấy là ai. Ví như cuộc thi Hoa hậu người Việt hoàn cầu mà Ngọc Trinh tham gia thì không nên gọi là thi Hoa hậu. Rồi ví dụ, HH Bùi Bích Phương cũng xếp ngang hàng với cô HH Nam Mekong Mỹ Xuân được ư? Như vậy thật giả lẫn lộn.
 Người đẹp biển Nguyễn Thị Loan đại diện VN thi Hoa hậu thế giới 2014.
Nhiều năm ngồi ghế giám khảo các cuộc thi sắc đẹp uy tín, đâu là tiêu chuẩn để ông chọn một Hoa hậu?
Đầu tiên phải là sắc đẹp, mà phải là vẻ đẹp hài hòa từ gương mặt, vóc dáng, làn da…Thứ hai là dựa trên ứng xử, sự hiểu biết của mỗi người và thứ ba là ứng xử văn hóa. Một Hoa hậu phải hội tụ được tất cả các yếu tố đó.
Rất nhiều người đẹp Việt tham gia đấu trường nhan sắc quốc tế nhưng đều gặp thất bại, theo ông nguyên nhân tại sao?
Nếu xét riêng về sắc đẹp chưa chắc VN mình đã thua kém. Nhiều cô đẹp lắm chứ. Điều mình thua họ đó là: ngoại ngữ và ứng xử kém hơn.
Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Nguyệt Cát

Bình luận(0)