Tôi không phải là kẻ cướp. Có lẽ cũng không ai muốn mình trở thành kẻ cướp cả.
(Kienthuc.net.vn) - Hôm nào tôi cũng cố tìm chị bán áo để trả tiền nhưng vẫn chẳng thấy tăm hơi. Có thể chị ấy về quê, có thể chị ấy đi làm công việc khác, hay từ nay không bán áo nữa, hoặc bán ở con phố khác chăng?... Bao nhiêu ý nghĩ và câu hỏi cứ nhảy múa trong đầu mà vẫn không tìm được câu trả lời.
Chuyện “thạch sùng đứt đuôi”
Trẻ con hầu như đứa nào cũng thích chơi các con vật trong thiên nhiên. Có đứa chơi độc ác, hành hạ tra tấn con chuột con bọ cho đến chết. Đứa thì chăm sóc con cánh cam, cánh quýt, con chuồn chuồn… như mẹ chăm sóc em bé. Con chuồn chuồn chết thì làm “đám ma đưa tiễn”…
Đứa thì yêu quý con này, ghê sợ con khác dầu rằng con vật ấy cũng chẳng nguy hại gì. Riêng tôi nghiệm thấy những kẻ từ nhỏ đã chơi trò hành hạ, tra tấn con vật thì hầu như lớn lên cũng chẳng ra gì. Không đâm thuê chém mướn thì cũng vào tù ra tội. Chả biết có đúng không.
|
Thạch sùng khi đuôi bị đứt có thể tái sinh. |
Từ tấm bé tôi đã yêu thích mọi con vật từ con kiến, con bọ dừa, cánh cam, con ve sầu cho đến các loài chim… tôi đều thích cả. Chỉ trừ cái lũ chuột và con thạch sùng là tôi ghê sợ bẩm sinh. Sợ nhất là con thạch sùng bị đứt khúc đuôi mà cái đuôi vẫn còn giẫy đành đạch, ngoe nguẩy giãy giụa mãi không thôi.
Sợ thì sợ thật nhưng khi vào học cái ngành Sinh vật học mà tôi vốn yêu thích từ bé, tôi phải cố ghìm cái nỗi sợ chuột để làm các bài thực hành giải phẫu cái con chuột cống gớm ghiếc. Riêng con thạch sùng, cứ tưởng là thoát không phải động đến nó, thế mà số tôi nó vậy “ghét của nào trời trao của ấy”, tôi vẫn bị thạch sùng ‘khủng bố” .
Số là chiều hôm ấy, có việc phải lên gặp giáo sư Đào Văn Tiến, thầy dạy môn Động vật của chúng tôi để lên kế hoạch đi rừng tìm hiểu tập tính động vật. Hồi ấy chiến tranh, lớp học sơ tán trong rừng, ở cùng với đồng bào. Mùa đông lạnh cóng, thầy khoác cái áo bông ngồi co ro trên tấm phản. Tôi vừa mới bàn được dăm câu cùng thầy thì thằng con bác chủ nhà chạy vào reo lên “Cụ Tiến! Cụ Tiến! Cháu bắt được con này”.
|
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Đào Văn Tiến (23/8/1920 - 3/5/1995) là nhà sinh học Việt Nam đã có nhiều công trình trong lĩnh vực động vật học. Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt I (1996). |
Thằng bé biết thầy tôi là chuyên gia động vật nên hễ bắt dược con gì nó cũng đem trình cụ và cụ bao giờ cũng ân cần giảng giải cho nó rằng con nào có lợi, con nào có hại, đời sống của chúng ra sao… Những câu hỏi của trẻ thơ thầy giải thích rất cặn kẽ và sau đó thầy viết thành mục “Hỏi đáp về động vật” đăng trên báo Khoa học & Đời sống (về sau thầy đã tập hợp lại và in thành sách rất có ích).
Tôi liếc nhìn thằng bé cầm con thạch sùng đưa cho thầy mà sởn gai ốc. Khi cụ Tiến vừa nhón tay cầm con thạch sùng ngắm nghía thì con vật quẫy mạnh, cái đuôi nó rụng ra rơi xuống đất ngọ nguậy. Thầy bảo “Anh nhặt cái đuôi lên xem nó thế nào?”. Vì thầy bảo nên dù sợ tôi vẫn phải cố vượt qua nỗi sợ hãi, lấy mẩu giấy lót tay nhặt cái đuôi đang ngoe nguẩy đặt lên bàn.
Thầy giảng: “Con thạch sùng nó tự rụng cái đuôi của mình để thoát bị kẻ thù tiêu diệt. Đấy là một cách thích nghi tự vệ của động vật. Nó thà mất đuôi của mình còn hơn mất mạng. Cái đuôi sau này sẽ có thể tái sinh lại…”. Thầy còn giảng cho nhiều điều kì lạ về loài vật này. Khi bị đói không kiếm được mồi, chúng ăn thịt cả đồng loại, thậm chí ăn cả một phần cơ thể của nó ra sao. Bị kẻ nào hung hăng tấn công, nó sẽ phản ứng tự vệ cắn chết kẻ thù như thế nào nữa…
“Tôi không phải là kẻ cướp”
Thầy tôi qua đời đã mấy chục năm nay rồi. Cái chuyện con thạch sùng đứt đuôi tưởng đã quên nhưng nó vẫn ám ảnh tôi suốt đời và mới đây, một lần nữa nó lại làm tôi mất ăn mất ngủ…
Như mọi ngày, đã thành lệ, sáng sáng tôi vẫn dậy sớm đi bộ một vòng quanh Hồ Gươm hít thở, vận động, để tích năng lượng sống cho cả ngày dù trời nóng hay lạnh. Sáng hôm ấy, trời trở lạnh, đến cửa đền Ngọc Sơn thấy có đám người xúm đông xúm đỏ quanh một chị bán áo len dệt .
|
Hôm nào tôi cũng cố tìm chị bán áo để trả tiền nhưng vẫn chẳng thấy tăm hơi. |
Trên đống áo có miếng bìa các-tông ghi nguệch ngoạc dòng chữ “áo len xuất khẩu 100k một chiếc”. Nom mấy cái áo cũng tạm được, tôi đoán chắc nhà máy nào đó không có tiền trả lương cho công nhân nên trả bằng sản phẩm để người lao động tự trang trải.
|
Làn sóng di cư từ các vùng nông thôn ra thành thị để kiếm việc làm ngày càng nhiều. Vấn đề việc làm cho người lao động đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. |
Cầm một chiếc lên xem, tôi định bụng sẽ mua về để mặc vì có màu sắc và kích cỡ khá hợp. Nhưng vừa đưa cái áo lên ướm thử, bỗng có tiếng hô “Công an! Chạy mau! Chạy mau!” từ bà bán khăn bông ngồi bên. Tôi chưa kịp định thần thì chiếc ô tô bán tải có những người dân phòng mặc đồng phục trên xe có dán dòng chữ cảnh sát nhảy xuống, hằm hằm quát tháo. Họ sấn sổ bê gọn cả đống khăn bông của bà bán hàng bên cạnh. Tôi đứng như trời trồng nhìn cái cảnh tịch thu như “cướp” đang diễn ra.
|
Đa phần những người bán quần áo rong trên các vỉa hè đều là người ở các vùng nông thôn ra thành phố làm thêm... |
Quay lại thì chị bán áo len đã cuộn cả đống áo trong tấm bao bì chạy xa mất rồi. Cầm chiếc áo len chưa kịp trả tiền, tôi vừa cố chạy theo vừa gọi trả tiền. Lạ thay, càng gọi thì thì chị càng chạy nhanh như sợ bị tôi đuổi bắt. Vác cái đùm áo chị ta “lỉnh” vào một ngõ nào mà tôi không tài nào tìm ra được. Đứng tần ngần với chiếc áo trong tay chưa kịp trả tiền, mong người bán áo quay lại hơn tiếng đồng hồ mà vẫn chẳng thấy đâu.
|
và nhóm khách hàng của những món hàng "đặc biệt" này thường là những người nghèo, người lao động có thu nhập thấp. |
Sáng hôm sau, rồi hôm sau nữa, rồi trời mưa… Hôm nào tôi cũng cố tìm chị bán áo để trả tiền nhưng vẫn chẳng thấy tăm hơi. Có thể chị ấy về quê, có thể chị ấy đi làm công việc khác, hay từ nay không bán áo nữa, hoặc bán ở con phố khác chăng?... Bao nhiêu ý nghĩ và câu hỏi cứ nhảy múa trong đầu mà vẫn không tìm được câu trả lời.
Đêm mưa, nằm nhìn lên trần nhà thấy đôi thạch sùng đuổi nhau, nghĩ lại cái kỉ niệm xưa với thầy giáo, tôi lại tự an ủi rằng: “Rồi cái đuôi con thạch sùng ấy nó sẽ tái sinh…” . Đành thở dài. Có lẽ nào mình lại lấy không chiếc áo của người? Mà nghĩ đi nghĩ lại, mình đâu có làm “đứt cái đuôi con thạch sùng?” Mình đâu phải kẻ cướp?... Có lẽ nào mình lại “cướp đi” miếng cơm manh áo của những người lao động đang khốn khó trong cái thời buổi này? Tôi không phải là kẻ cướp. Có lẽ cũng không ai muốn mình trở thành kẻ cướp cả.
Tôi vẫn hi vọng gặp lại chị nay mai và dứt được cái món nợ “cái đuôi con thạch sùng” mà chị phải bất đắc dĩ vứt bỏ để “thoát thân” hôm ấy.
Vũ Thế Long