|
Giấy đăng ký kết hôn của bà Ngọt và ông Afolayan Caleb cùng lý lịch tư pháp của ông Afolayan Caleb.
|
Các chuyên gia cho rằng vụ này phải ra tòa mới giải quyết được.
* ThS NGUYỄN MINH SƠN (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang):
Cách tốt nhất là kiện ra tòa
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, nếu bà Phạm Thị Ngọt muốn khởi kiện để đòi số tiền 5 triệu yen trong loa thì phải khởi kiện Công an quận Tân Bình (TP.HCM), vì số tiền đó Công an quận Tân Bình đang quản lý, bà Hồng trong trường hợp này chỉ là người liên quan, không phải là người quản lý.
Nếu có vụ kiện để đòi số tiền thì đương sự là người cho rằng số tiền đó của mình và bị đơn là Công an quận Tân Bình, bà Ngọt sẽ tham gia vụ kiện với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Nếu bà Ngọt kiện bà Hồng là không đúng đối tượng.
Nếu bà Ngọt làm đơn xin lại tài sản thì bà phải chứng minh tiền đó là của chồng bà. Việc kiểm tra, xác minh số tiền đó có đúng của bà Ngọt hay không thuộc trách nhiệm Công an quận Tân Bình.
Nếu ra tòa, cả hai bên đều phải có nghĩa vụ chứng minh theo quy định của tố tụng dân sự, tòa sẽ phán quyết dựa trên các chứng cứ mà các bên cung cấp.
Lưu ý là trong trường hợp này, bà Huỳnh Thị Ánh Hồng cũng có quyền khởi kiện Công an quận Tân Bình để đòi quyền lợi nếu công an có cách giải quyết không thỏa đáng.
* Thẩm phán TRẦN NAM BÌNH (phó chánh án TAND Q.3, TP.HCM):
Đủ cơ sở để thụ lý vụ án dân sự
Theo tôi, nếu bà Ngọt có cơ sở để chứng minh tài sản đó là của mình thì có thể khởi kiện ra tòa dân sự. Bởi người mua ve chai mua chiếc loa thùng bằng giá trị tiền của chiếc loa thùng chứ không mua giá trị của 5 triệu yen.
Hiện số tài sản này đang được cơ quan nhà nước giữ vì nó đang được coi là tài sản vô chủ.
Khi vợ chồng bà Ngọt chứng minh được nó là tiền của mình thì tòa sẽ tuyên trả số tiền này cho bà Ngọt, nếu không, số tiền thuộc về bà Hồng.
Một vấn đề được đặt ra là nếu tiền này có nguồn gốc bất minh thì theo Bộ luật hình sự, tiền bất minh có thể bị sung công toàn bộ, khi đó bà Hồng cũng sẽ không được xem xét trích thưởng.
* TS LÊ MINH HÙNG (khoa dân sự Trường đại học Luật TP.HCM):
Xác định chủ sở hữu xong mới xác minh nguồn gốc số tiền
Bà Ngọt phải chứng minh được việc tiền đã được đưa vào loa thùng thế nào, bỏ vào đó bao nhiêu tiền, mệnh giá ra sao, loa có đặc điểm gì.. chứ không phải chứng minh việc bán loa ra sao.
Nếu chồng bà Ngọt là người mất tiền và đủ bằng chứng đòi tiền, theo quan điểm vật quyền, người mất tài sản có quyền đòi thì tòa sẽ thụ lý sau khi xem xét thời hiệu khởi kiện.
Nếu vợ chồng bà Ngọt chứng minh được tiền đó là của mình, tòa sẽ tuyên trả số tiền đó cho bà Ngọt, sau đó mới truy nguồn gốc số tiền và việc xử lý nguồn gốc số tiền này phải dựa trên cơ sở pháp luật.
Trong trường hợp số tiền này bị tịch thu vẫn phải xem xét đến công lao của người lượm ve chai, bởi người này có công tìm thấy và đưa nộp nó cho cơ quan chức năng.
* Luật sư PHẠM VĂN THẠNH (đoàn luật sư TP.HCM):
Coi chừng bị xử lý việc mang tiền trái phép vào Việt Nam
Phút 89, bà Ngọt đề nghị tạm hoãn trả tiền cho bà Hồng, nhưng để chứng minh cho yêu cầu hợp pháp của mình có căn cứ, bà Ngọt lại đưa ra hai tờ giấy thiếu tính thuyết phục, không có căn cứ pháp lý vững chắc nên rất khó được chấp nhận dù bà Ngọt có khởi kiện ra tòa án.
|
Bà Phạm Thị Ngọt, người vừa xuất hiện tự nhận mình là chủ nhân của 5 triệu yen trong chiếc loa cũ.
|
Việc bà Ngọt cung cấp hai loại giấy tờ, gồm giấy chứng nhận kết hôn với ông Afolayan Caleb (quốc tịch Nam Phi) do phía Nigeria cấp và phiếu lý lịch tư pháp của ông Afolayan Caleb (do Sở Tư pháp TP.HCM cấp) để đến Công an quận Tân Bình trình báo và đề nghị hoãn trả tiền cho bà Hồng là chưa đủ căn cứ pháp lý vững chắc.
Bởi bà Ngọt không phải là chủ sở hữu của số tiền 5 triệu yen, theo bà Ngọt là của ông Caleb. Nếu những gì bà Ngọt trình bày là đúng thì người đứng đơn yêu cầu giải quyết đối với tài sản này phải là ông Caleb.
Để được giải quyết, ông Caleb phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp số tiền nêu trên mới có căn cứ xem xét, giải quyết.
Trở lại giấy tờ mà bà Ngọt cung cấp cho công an, cá nhân tôi nhận thấy có nhiều vấn đề bất ổn, nghi vấn.
Thứ nhất: ông Afolayan Caleb (quốc tịch Nam Phi) nhưng giấy chứng nhận đăng ký kết hôn với bà Ngọt lại do phía Nigeria cấp? Khi bà Ngọt không có mặt tại Nigeria mà chỉ gửi chữ ký qua Nigeria để ông Caleb làm giấy chứng nhận kết hôn, sao có chuyện đơn giản vậy?
Thứ hai: theo pháp luật Việt Nam quy định về đăng ký kết hôn ở nước ngoài, để được công nhận và có giá trị pháp lý tại Việt Nam thì ông Caleb hay bà Ngọt phải làm thủ tục ghi chú kết hôn tại sở tư pháp mới được công nhận.
Còn việc đăng ký kết hôn không có mặt mà bà Ngọt chỉ gửi chữ ký qua Nigeria để ông Caleb làm giấy chứng nhận kết hôn, vấn đề này cần được thẩm tra xác minh của cơ quan chức năng.
Để được giải quyết, ông Caleb phải chứng minh chuyển số tiền 5 triệu yen vào Việt Nam hợp pháp và phải có giấy tờ chứng minh chuyển tiền từ Nhật.
Ngoài ra, ông Caleb và bà Ngọt phải chứng minh được mình là người chủ sở hữu loa, nguồn gốc tài sản, chẳng hạn như hóa đơn chứng từ mua loa, biết được các đặc điểm nhận dạng, nguồn gốc xuất xứ, đặc điểm chiếc loa... mới có sức thuyết phục, không thể nói suông.
Theo quy định của Bộ luật dân sự, nếu bà Ngọt không chứng minh được là chủ tài sản thì theo quy định, bà Hồng sẽ nhận được toàn bộ số tiền trên.
Trong khi đó, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì mức ngoại tệ tiền mặt, được mang vào Việt Nam là 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương 15 triệu đồng không phải khai báo hải quan. Nếu trên số tiền quy định này phải khai báo với hải quan cửa khẩu.
Nếu ông Caleb mang 5 triệu yen vào Việt Nam bất hợp pháp, không khai báo thì số tiền này sẽ bị cơ quan chức năng tịch thu, ông Caleb còn có thể bị xử lý về hành vi chuyển tiền trái phép qua biên giới tùy theo mức độ.