Bây giờ thì chân tướng của ông
Trần Văn Truyền, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ ngày càng lộ rõ trước công chúng nhất là sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) ra thông cáo báo chí vào ngày 21/11 về dấu hiệu vi phạm chính sách nhà đất của ông gây ồn ào dư luận cả năm nay.
Theo đó, từ năm 1992 cho tới lúc nghỉ hưu, ông Truyền đã sử dụng bất hợp pháp 1 thửa đất và 5 căn nhà ở Hà Nội, Bến Tre, TP HCM.
Đó là một khối
tài sản khủng, mà người dân và những công chức thường, ngay cả trong giấc mơ cũng không dám nghĩ tới.
|
Nhà đất có liên quan đến ông Truyền ở nhiều nơi được ủy ban Kiểm tra trung ương làm rõ - Đồ họa: V.Cường (Nguồn ảnh: Tuổi Trẻ Online). |
Dư luận đặt câu hỏi, với đồng lương công chức, cho dù là cán bộ cao cấp, ông Truyền có làm đến 500 năm cũng không có nổi khối tài sản như thế. Vậy thì nó ở đâu ra?
Trước đây ông Truyền đã từng giải thích về nguồn gốc các biệt thự của ông, nào là do ông lao động “thối móng tay” mới có, nào là “cô em” cho, nào là vợ con buôn bán… Bây giờ khi mọi thứ đã bị lật tẩy, chẳng ai tin vào những ngụy biện đó nữa.
Khối tài sản khủng ấy rõ ràng là không thể từ trên trời rơi xuống hay dưới đất mọc lên. Phép mầu đẻ ra nó, chẳng phải xa lạ gì, đó chính là quyền lực mà ông có trong tay. Trước khi nghỉ hưu, ông Truyền đã có trên dưới hai mươi năm đảm đương những vị trí lãnh đạo cao cấp. Ông từng làm Bí thư tỉnh ủy, ủy viên Trung ương hai khóa liền, làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đặc biệt là vị trí đứng đầu cơ quan chống
tham nhũng: Tổng thanh tra Chính phủ 5 năm liền.
Nhìn vào hành trình “đẻ đất, đẻ nhà” của ông mà UBKTTƯ đã chỉ ra, không khó để nhận thấy nó gắn liền với giai đoạn ông nắm giữ chức vụ đầy quyền lực. Do đó dễ hiểu vì sao năm 1992 dù không có tiêu chuẩn nhưng ông vẫn được cấp một lô đất 351m2 của tỉnh đội Bến Tre; năm 2003 ông lại được tỉnh “ưu ái” bán căn nhà tại số 06 Lê Quý Đôn, Phường 1, thành phố Bến Tre mà ông đang thuê ở với số tiền chỉ già nửa chi phí mà ngân sách tỉnh đã bỏ ra để sửa chữa, cải tạo; cũng không khó hiểu khi ông đã có hai căn nhà ở Bến Tre và nhà công vụ ở Hà Nội nhưng người ta vẫn “ưu ái” hợp thức hóa căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 15, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh cho con gái ông.
Thử hỏi, nếu không phải là Bí thư tỉnh ủy, là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương hay Tổng thanh tra Chính phủ thì ông Truyền có thể có được những đặc ân như thế không?
Dân gian có câu, “Bánh đúc trao đi, bánh chì trao lại”. Ở đời chẳng ai cho không ai cái gì, đặc biệt là trong cái quan hệ nhằng nhịt, ràng buộc lấy nhau ở chốn quan trường như hiện nay. Ở vị trí của một “bao công” thời hiện đại như ông Truyền, nếu không giữ mình trong sạch, liêm khiết thì làm sao thoát khỏi những mối quan hệ ràng rịt trói buộc lẫn nhau ấy.
Bản thân ông Truyền có trong sạch không? Điều này rồi sẽ được các cơ quan chức năng trả lời, nhưng chỉ việc ông có lắm đất đai nhà cửa đã là một minh chứng hùng hồn cho cái sự “liêm khiết” của ông rồi. Mới đây nhất, sau khi có kết luận của UBKTTƯ, ông không chút ngượng ngùng khi xin được đóng thêm tiền để mua lại căn nhà 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận sắp bị tịch thu, một hành động “cố đấm ăn xôi” càng làm cho thiên hạ thấy cái sự tham lam không giới hạn của ông mà thôi.
Với khối tài sản thay đổi tăng liên tục như thế, dư luận không thể hiểu nổi tại sao ông Truyền có thể lọt qua các cửa ải kê khai thu nhập hàng năm của một đảng viên ở cơ quan đảm đương trọng trách giám sát sự minh bạch mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước như Thanh tra Chính phủ? Liệu có phải ở nơi tưởng như nghiêm minh nhất lại bị buông lỏng nhất? (Không chỉ ông Truyền, gần đây báo chí còn đưa lên công luận về tài sản “khủng” của một lãnh đạo cao cấp đương nhiệm khác của ngành thanh tra).
Lâu nay, nhiều vụ việc tiêu cực xảy ra rồi, các cơ quan chức năng mới rà soát lại qui trình, đó là cách quản lí theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Có lẽ nhân dịp này, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cũng nên tổng rà soát lại toàn bộ các vụ việc mà thanh tra Chính phủ đã xử lí thời ông Truyền còn đương chức. Cần phải thấy rằng, ở vị trí mà ông Truyền đảm nhận trước khi về hưu nếu không minh bạch thì hậu quả thật khôn lường, không chỉ đối với cá nhân ông. Sự buông lỏng ở lĩnh vực này thực chất là hành động tiếp tay cho tham nhũng phát triển. Do đó sai phạm của ông Truyền phải được gọi đúng tên.
Về điểm này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã nói rất chính xác: “Tôi nghĩ rằng, nguồn gốc, bản chất của sai phạm đó (của ông Truyền) là tham nhũng, cho nên cần phải xử lý theo quy định về phòng chống tham nhũng. Chỉ thu hồi nhà, đất là chưa đủ”.
Trong cuộc tiếp xúc cử tri TP HCM trước thềm Kì họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu câu hỏi: Có một bộ phận mà Đảng nói là không nhỏ, bây giờ không biết nằm ở đâu? Đến hôm nay, câu hỏi mà Chủ tịch nước cũng như người dân đã đặt ra ấy đã có câu trả lời ngay sau khi UBKTTƯ công bố kết quả kiểm tra về dấu hiệu vi phạm chính sách nhà đất của ông Truyền. Sự việc này chứng tỏ: để chỉ ra bộ phận không nhỏ chẳng khó khăn gì một khi cơ quan chức năng được Đảng và Nhà nước trao nhiệm vụ thực thi công việc một cách kiên quyết, minh bạch và công tâm. Làm được như thế nhân dân càng đồng thuận và tin tưởng, cuộc chiến chống tham nhũng mới đem lại hiệu quả mong muốn, tạo đà cho nền kinh tế phát triển, xã hội ổn định, anh ninh chính trị được giữ vững.
Nhân dân tin rằng không chỉ riêng ông Truyền mà còn những kẻ khác như ông đang núp mình trong cái vỏ bọc liêm khiết nhất định sẽ bị lột mặt nạ trước ánh sáng công lí trong nay mai.