|
Ảnh minh họa. |
Còn nhớ cách đây vài năm mấy nước châu Âu náo loạn cả lên vì những quả dưa chuột bị nhiễm khuẩn E.coli. Nhiều nước đã cho thu hồi và cấm nhập loại dưa chuột này. Vậy mà con số 90% mẫu nước giải khát đường phố bị nhiễm khuẩn như thế dường như chẳng mấy lọt vào tai những người đang ngồi uống nước vỉa hè kia. Có người giải thích, đó là vì người Việt sống bẩn quen rồi. Có người còn tự hào vì sức đề kháng của người Việt Nam tốt nên không sợ vi khuẩn. Nghe mà xấu hổ!
Nhưng tôi nghĩ còn có một nguyên nhân nữa là sự cảnh báo của ta lâu nay chỉ là cảnh báo rồi để đấy. Rau ngót, mướp đắng vừa mới bị phát hiện nhiễm thuốc trừ sâu cao... thì cũng chỉ nêu ra thế thôi, có thấy người trồng, người bán nào bị phạt đâu. Bún, bánh phở... có chứa chất làm trắng gây tổn hại tới ruột, dạ dày... phát hiện ra rồi, cảnh báo nghe thì sợ thế nhưng cũng có cơ sở nào bị xử lý đâu... Người ta vẫn phải mua, vẫn phải ăn, nếu không thì biết ăn gì, dù vừa ăn vừa lo.
Tóm lại cái gì cũng độc hại, không chứa hoá chất thì nhiễm khuẩn, nhiễm nấm mốc... ngay đến nước lọc cũng chắc gì đã sạch, còn nhiễm đủ thứ tạp chất thế kia, đến không khí cũng ô nhiễm... vì vậy nghe cảnh báo lúc đầu thì sợ đấy, nhưng nghe mãi thì cũng nhàm.
Giả sử, khi đã phát hiện ra những thực phẩm độc như thế rồi, ta thu hồi, cấm các cơ sở sản xuất, phạt người bán... thì người ta mới sợ. Đằng này ta mới chỉ khuyên người mua phải thông minh mà lựa chọn. Thì nhiều người vẫn cố thông minh, cố lựa chọn những cơ sở uy tín, chỉ mua ở những hàng quen đấy chứ, nhưng chắc gì như thế đã đảm bảo. Mà nói thực, nếu sợ như thế thì chỉ còn cách không ăn gì, uống gì, không thở nữa thì may ra mới an toàn. Vậy nên người ta lựa chọn cách tốt nhất là lờ đi mà sống!