Một đứa trẻ nên người trong nền giáo dục hiện đại là nhờ em biết cách học – một cách học không do nhồi nhét...
Một đứa trẻ nên người trong nền giáo dục hiện đại là nhờ em biết cách học – một cách học không do nhồi nhét, một cách học hình thành dần dần do nhà trường chủ động tổ chức tạo thành năng lực của người học. Đó chính là “tuyên ngôn” về giáo dục hiện đại của nhóm Cánh Buồm được truyền tải thông qua bộ sách giáo khoa tiểu học vừa công bố.
Em biết cách học
Theo nhà giáo Phạm Toàn, người sáng lập nhóm Cánh Buồm, sứ mệnh của bậc tiểu học là tổ chức việc học cho trẻ em sao cho các em biết cách học. Theo phương pháp giáo dục của Cánh Buồm, ngay từ lớp 1, trẻ em phải được học để tổ chức tư duy của mình. Tư duy không hình thành nhờ những lời khuyên nhủ, mà nhờ tiến hành công việc tự học, tự giáo dục.
Nội dung “tự học” ở bậc tiểu học là cách thức nhà trường tổ chức các hoạt động học của trẻ em, thông qua hình thức giao nhiệm vụ. Học sinh sẽ tự tìm ra các thao tác học và kết quả là tự trình bày những điều đã tìm ra.
Việc ghi nhận các kết quả không nhất thiết phải bằng lời hoặc bằng cách ghi bài, càng không bằng cách chép bài theo lời tóm tắt của giáo viên. Học sinh sẽ tự “ghi” lại sản phẩm của mình bằng những cách khác nhau như đóng kịch, vẽ tranh, làm tranh truyện, sưu tầm, điều tra, tổ chức tranh luận, diễn đàn hay đơn giản là “ghi” bằng lời nói, bài viết.
Bạn Nguyễn Lan Hương, một học sinh lớp 3 đang theo học chương trình của Cánh buồm chia sẻ: “Cháu rất thích học sách Cánh Buồm vì giờ học vui lắm. Cả lớp được trao đổi rất sôi nổi, tự vẽ theo suy nghĩ, đóng kịch, kể chuyện”.
|
Nhóm học sinh trường Nguyễn Văn Huyên học SGK của nhóm Cánh Buồm. |
Học bằng việc làm
Đối với môn Văn, mà nhóm Cánh Buồm xác định như môn học giáo dục hành vi và tư duy nghệ thuật, cách học bằng việc làm hoàn toàn có ưu thế, hơn hẳn cách học bằng nghe bình giảng và cảm thụ về cái đẹp của văn chương. Xác định người học chỉ có thể có năng lực và tư duy nghệ thuật một khi bắt tay làm ra sản phẩm nghệ thuật nên nhóm Cánh Buồm định hướng học Văn theo lối làm lại các hành động, thao tác, và tư duy mà người nghệ sĩ đã thực hiện.
Theo hướng đi này, học sinh lớp 1 được giáo dục lòng đồng cảm thông qua những trò chơi đóng vai. Cô giáo chỉ có vai trò tạo ra tình huống, cảnh ngộ giúp trẻ nhập vai và suy nghĩ về nhân vật để có được sự đồng cảm với nhân vật đó.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hải, một thành viên của Cánh Buồm, cũng là người trực tiếp đứng lớp cho biết: “Các em được xem hình ảnh, đoạn phim hoặc được nói chuyện về một nhân vật nào đó mà cô đưa ra như một bác bán hàng rong, một người ốm, hay một bác lao công. Từ những hiểu biết về nhân vật này, các em sẽ nhập vai nhân vật và nói lên suy nghĩ, tâm trạng của mình. Có bạn thì nói rằng bác rất mệt, bác khát nước quá, hoặc có bạn lại cho rằng con bác ở nhà đang bị đói... Các bạn khác cũng chia sẻ sự đồng cảm với nhân vật đó, chẳng hạn như thương bác quá, cháu lấy nước cho bác uống nhé...” . Điều quan trọng của hoạt động này là phải để học sinh thể hiện tình cảm tự nhiên, chân thực, sự đồng cảm với nhân vật, không có sự áp đặt hay “mớm lời” của cô giáo.
“Có hôm cô giáo cho các bạn nhắm mắt lại và tưởng tượng về việc đi hái hoa tặng cô. Lúc đầu các bạn nhốn nháo lắm vì tưởng được chạy ra ngoài hái hoa, nhưng khi được cô hướng dẫn cụ thể thì mới biết là phải ngồi tại chỗ, nhắm mắt lại và tưởng tượng việc đi hái hoa sẽ gặp ai, nói chuyện gì, hái hoa như thế nào và làm thế nào để mang được hoa về tặng cô”, bạn Trần Thu Hà, học sinh theo học chương trình của Cánh Buồm chia sẻ.
Nói về hoạt động này, cô Nguyễn Thị Thanh Hải cho hay: “Kết quả của hành động học đó là các em phải mô tả lại hoạt động trong câu chuyện tưởng tượng của mình. Có bạn thì kể lại bằng lời, có bạn làm thơ, vẽ tranh. Thậm chí có bạn còn kể một câu chuyện tranh dài mấy trang, nào là đi hái hoa gặp con rồng canh vườn hoa, phải chiến đấu với nó ra sao để lấy được hoa và mang về tặng cô, nói với cô như thế nào...”.
Học lối sống với nguyên tắc đồng thuận
|
Môn Giáo dục Lối sống của Cánh Buồm được định hướng bằng việc tổ chức cho học sinh có tinh thần và khả năng tạo ra một cuộc sống mới của mình và của cộng đồng theo nguyên tắc đồng thuận: Đồng thuận (giữa giáo viên, phụ huynh và trẻ em) để tổ chức cuộc sống tự lập của con em, đồng thuận để tổ chức cuộc sống mới trong cộng đồng, gia đình... |
Khánh Lê
Bài đọc nhiều:
[links()]