|
Ảnh minh họa. |
Nhưng nói thật là chả cần phải lên miền núi hay vùng sâu vùng xa, chỉ cần về một vùng quê nào đó cũng có thể bắt gặp những cảnh sống rất lạc hậu.
Quê tôi ở ngay Ninh Bình thôi, mà mấy chục năm nay, lần nào về quê cũng bắt gặp những đứa trẻ cởi trần phơi cái bụng ỏng lấm lem bùn đất, tứ thời mũi dãi xanh lè, mặt mũi lem nhem, ruồi bu chả thèm đuổi.
Ở bẩn thế thì gì mà chẳng sinh ra bệnh tật. Còn nếu quá bộ vào thăm một hộ nghèo nào đó có khi ta phải thất kinh vì cái sự ở bẩn của họ. Cái màn đen sì cứ mắc lưu cữu quanh năm không gấp lại, cạnh đấy là những dây phơi mà trên đó vắt vô thiên lủng những quần áo như những mớ rẻ rách hôi rình; cái bàn nước sứt sẹo đầy vết cứt ruồi, cái tủ thờ đầy mạng nhện, cứt gián, cứt chuột và bụi bặm...
Phải chăng vì nghèo mà người ta không có phương tiện, không có điều kiện để sạch sẽ? Có lẽ chỉ một phần nào đó. Vì tôi thấy, ở ngay Hà Nội, trong gia đình trí thức hẳn hoi, mà có những người vẫn sống trong cái không gian tù túng, ngạt thở vì cái sự bẩn thỉu như thế. Tôi cứ tự hỏi tại sao những người khác thấy thế là bẩn mà họ lại không thấy? Hay có khi họ lại cho như thế là tiện lợi, đỡ vất vả dọn dẹp... còn cuộc sống sạch sẽ ngăn nắp thật phức tạp!
Vì vậy, nếu ta có bỏ công sức ra dọn dẹp cho họ một ngày, nhà cửa sạch sẽ, giường chiếu thơm tho thì chỉ một vài tuần thôi thì đâu lại vào đó, lại trở về như cũ ngay. Nó như một thói quen khó bỏ. Như thế đâu hẳn tại nghèo, mà vì người ta không nhận thức được như thế là bẩn.
Tôi nhớ tới anh tràng trong Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Anh ngồi nhìn cô vợ mới quét dọn đống rác lưu cữu ở góc sân và tưởng tượng ra cảnh rồi sẽ có mấy con gà con chạy quanh đó, hình dung ra một cuộc sống mới sinh động và tươi đẹp hơn.
Dọn dẹp căn nhà cũng giống như một lần dọn dẹp lại cuộc đời mình vậy. Làm thế nào để cho ai cũng nhận thức được điều đó?