Paul Doumer (Toàn quyền Đông Dương giai đoạnn 1896 – 1901) đã từng có cái nhìn rất tích cực về người Việt khi ông viết “Người An Nam chắc chắn là tộc người ưu trội so với các dân tộc xung quanh… Phải tới tận Nhật Bản mới có tộc người có phầm chất của người An Nam và giống như người An Nam…. Cả hai đều thông minh, cần cù và dũng cảm…”.
Trong khoảng một thế kỷ qua, người Nhật đã biết phát huy rất hiệu quả các ưu thế trên để vươn lên và trở thành một trong những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Tại Việt Nam, ngoài tinh thần ái quốc và lòng quả cảm là những gì đã được minh chứng qua các cuộc chiến tranh vệ quốc, đến thời điểm này, chúng ta vẫn đang mải miết tranh luận liệu rằng có đúng là người Việt mình thông minh và cần cù như những gì vẫn được nghe từ trước tới giờ?
|
Người Việt có thông minh và cần cù?
|
Người Việt thông minh?
Thứ nhất, từ cấp độ cá thể đến cả cộng đồng, thông minh là sự kết hợp của hai thành tố, bao gồm “thông”, chỉ sự nhanh trí, học hỏi và tiếp cận cái mới nhanh chóng hay bắt chước người khác trong việc gì đó, v,v, và “minh” ám chỉ sử sáng suốt, mạch lạc và có mục đích trong mọi việc. Người nước ngoài hay nhận xét, người Việt Nam có nhiều cá nhân sáng dạ, học hỏi và ứng dụng cái mới rất nhanh với tinh thần hồ hởi. Tuy nhiên bên cạnh sự nhanh trí đó, chúng ta lại thiếu đi một sự nghiêm túc (nếu không được nhắc nhở) và tính kiên định để có thể làm một việc gì đó đó cho đến nơi đến chốn.
Trên nhiều phương diện, dân ta chỉ sáng dạ trong việc tiếp thu và thực hành những gì mới hoặc chưa biết. Tuy nhiên đa phần chỉ chú trọng ở cái bên ngoài, bề nổi chứ ít ai đào sâu nghiên cứu xem cái hồn cốt của những thứ đó là gì và đâu là nguyên lý chi phối chúng. Tâm lý tầm chương trích cú khiến cho bao nhiêu thế hệ vướng vào vòng luẩn quẩn. Đó là học thuộc hay làm lại những gì mà nhân loại đã biết và thực hiện từ cả mấy trăm năm nay và lấy làm sung sướng với nhau. Ở nhà trường học sinh được khuyến khích nhớ và thuộc phương pháp giải các bài toán nhằm thi đạt điểm cao, thay vì tìm tòi và thử sức với những gì mà thế giới chưa biết hay chưa tìm ra phương pháp.
Thiếu chiều sâu trong cách nghĩ cũng khiến cho người Việt không thể đúc kết thực tiễn để nâng thành nguyên lý để từ đó có thể rút ra các bài học cho việc lựa chọn và định hướng phát triển của quốc gia một cách “minh trí”. Thay vào đó là sai đâu sửa đó, vướng đâu giải quyết đó, mà thiếu đi một tầm nhìn dài hạn và xuyên suốt. Người Việt Nam nhanh trí và học hỏi mau lẹ, nhưng khó có thể nói là thuộc diện “thông minh” theo nghĩa gốc của từ này.
Người Việt cần cù?
Từ bao đời nay, người Việt luôn được tiếng là cần cù, chăm chỉ trong lao động. Tuy nhiên, khi xét trên phương thức sản xuất thì khó có thể nói người Việt thuộc diện cần mẫn. Đặc điểm của làng xã Việt Nam ngày xưa gắn liền với cây lúa nước là chính nên trừ thời gian gieo cấy và thu hoạch ra thì có thể nói dân ta thuộc diện nhàn rỗi. Cũng có lẽ vì vậy mà con số hơn chín ngàn lễ hội một năm trên cả nước như hiện nay là do nhiều người “có điều kiện” về mặt thời gian..
Người Việt chỉ thực sự thông minh, cần cù khi ra nước ngoài?
Kết quả một khảo sát gần đây đã chỉ ra rằng hiệu suất lao động của người Việt Nam thuộc diện thấp nhất trong khu vực, và người Thái làm việc hiệu quả hơn ba, bốn, lần chúng ta. Điều này không có gì lạ, bởi vì, cơ cấu và quy mô của hai nền kinh tế quá khác nhau. Nếu khảo sát này được áp dụng đối với cộng đồng người Thái và người Việt đang cùng làm việc ở một nước khác thì kết quả có thể rất khác.
Thực tế, khi học tập và làm việc thuần túy trong môi trường hiện đại, nơi mọi người chỉ chuyên tâm vào chuyên môn mà không phải vướng bận với các bất cập về cơ chế, hay các rào cản về văn hóa, xã hội; nơi họ được thụ hưởng xứng đáng với công sức đã bỏ ra, thì không thể nói rằng người Việt Nam không cần cù, chăm chỉ. Đặc biệt, khi không phải lo đến các vấn đề về hoạch định, tầm nhìn hay định hướng hoặc những gì thuộc tầm vĩ mô, ở nước ngoài, người Việt đang cho thấy chúng ta cũng không kém cạnh gì so với nhiều dân tộc khác.
Sống và làm việc ở môi trường xã hội và thể chế được vận hành và kiểm soát chặt chẽ, nơi đa phần dân chúng đều thượng tôn pháp luật và ứng xử văn minh, có lẽ ít ai nỡ bỏ đi lòng tự trọng bản thân và cao hơn là tự tôn dân tộc để làm những gì ngược lại.
Ở trong nước, người đông, của ít, bon chen, soi mói và quá nhiều bất cập. Cơ cấu đơn giản và quy mô quá nhỏ của nền kinh tế khiến cho dân trong nước còn chưa có đủ việc làm ở trình độ phổ thông chứ chưa nói đến lĩnh vực chuyên môn cao. Lương thấp và không có đủ việc để làm khiến cho nhiều trí thức cao cấp cảm thấy mình bị bỏ rơi hay không được trọng dụng. Các phong trào chiêu hiền đãi sĩ sẽ mãi mãi chỉ là khẩu hiệu chừng nào Việt Nam chưa giải quyết được bài toán cải cách thể chế và nâng tầm quy mô của nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa với các trọng điểm.
Một lần bấm còi xe gần vạch chờ đèn giao thông tại thủ đô Viên Chăn của Lào, tôi đã được một cảnh sát giao thông nhắc nhở”: “Nếu anh vội như vậy, tại sao anh không đi từ hôm qua cho kịp giờ”. Trên phố Tràng Tiền, Hà Nội, những tiếng cò xe inh ỏi và những ánh nhìn ngạc nhiên cao độ khi tôi dừng xe để nhường đường cho người đi bộ ngay trước hàng đinh vốn được vẽ ra để ưu tiên cho họ.