Từ trang cá nhân của "người nổi tiếng"…
Nếu như trước đây, việc gặp gỡ, giao lưu giữa người nổi tiếng với người hâm mộ còn “khó hơn lên trời” thì nay đã khác. Mạng xã hội Facebook ra đời đã gắn kết mọi người với nhau, làm giảm khoảng cách giữa thần tượng và fan hâm mộ. Các bạn trẻ có thể tự do kết bạn, theo dõi trang cá nhân của các Sao cũng như tâm sự, chia sẻ chuyện riêng với các nghệ sĩ.
Hầu hết, trang cá nhân của các nghệ sĩ đều có số bạn bè hay người theo dõi rất lớn, có khi lên đến hàng trăm nghìn người, nên ngoài các fan, còn có các anti-fan. Những thành phần này cũng thường có những comment, bình luận thiếu văn hóa, thậm chí bậy bạ, dung tục trên Facebook của các sao. Không những thế, ngay bản thân các fan cũng không tránh khỏi việc thiếu văn hóa khi bình luận khiến trang cá nhân của thần tượng như một cái chợ với đủ hạng người.
|
Các comment khiêu chiến nhau trên trang của Ngọc Trinh. |
“Nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh vốn nổi danh từ những scandal thị phi, phát ngôn gây sốc, cũng không ít lần nhận được những comment dung tục trên trang cá nhân. Đôi khi những comment khiếm nhã là nhằm bênh vực người đẹp trước những anti-fan nhưng lại vô tình khiến người đọc phải "nhăn mặt".
Còn Bà Tưng, “cô nàng tai tiếng” muốn bước chân vào showbiz Việt cũng nhận được rất nhiều bình luận bậy bạ, khiếm nhã, dìm hàng trên trang cá nhân. Hầu hết là những anti-fan vào bình luận, nói xấu cô nàng vì những scandal gây sốc vừa qua.
|
Bà Tưng thường xuyên nhận được những comment khiếm nhã. |
…đến những fanpage quốc tế
Không ít các fanpage quốc tế đã trở thành “nạn nhân” của một bộ phận cư dân mạng Việt Nam với những bình luận vô cùng tục tĩu. Ví dụ như fanpage của sự kiện Sea Games 27 vừa qua là một trường hợp điển hình. Vì những thông tin liên quan đến việc vận động viên của Việt Nam bị trọng tài chèn ép, khiến mất huy chương vàng, thua trận vô lý đã làm nhiều cư dân mạng tức giận. Để “đòi lại công bằng” cho các vận động viên, nhiều bạn trẻ đã lên fanpage chính thức và không chính thức của sự kiện để comment, bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt nhằm thể hiện sự phẫn nộ với BTC Sea Games 27. Tuy nhiên, vì đây là trang fanpage quốc tế nên những dòng comment của nhiều cư dân mạng khiến cộng đồng quốc tế có cái nhìn không tốt về một bộ phận giới trẻ Việt Nam.
|
Một comment Anh - Việt lẫn lộn của 1 cư dân mạng. |
Trước đó, khi Công Vinh chuyển sang thi đấu cho CLB Sapporo Nhật Bản, không ít fan Việt đã vào fanpage của câu lạc bộ này để nói xấu tiền đạo xứ Nghệ bằng những ngôn từ tục tĩu, bậy bạ. Sự việc nghiêm trọng đến mức, fanpage này phải đăng tải một status bằng tiếng Việt, yêu cầu fan Việt dừng nói tục và tuyên bố sẽ xóa hết những comment có lời lẽ không hay trên trang của mình.
|
Lời yêu cầu trên fanpage của CLB Sapporo. |
Comment ảo, hậu quả thật
Có lẽ một bộ phận cư dân mạng Việt Nam đã quen việc “phóng uế” trên Facebook, vì họ nghĩ đó chỉ là mạng xã hội ảo nên có thể thỏa sức làm “anh hùng bàn phím”. Tuy nhiên việc bình luận vô văn hóa trên trang cá nhân của người khác hay thậm chí là các fanpage quốc tế không chỉ làm bạn bị hứng “gạch đá” từ nhiều người, mà quan trọng hơn, những dòng bình luận ảo đó còn khiến cho hình ảnh của người trẻ Việt bị xấu đi trong mắt cộng đồng quốc tế. Đó mới chính là hậu quả khôn lường từ những hành động thiếu suy nghĩ trên mạng xã hội của nhiều bạn trẻ.