Vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi nền kinh tế và khoa học kỹ thuật của ta đang chững lại có chiều hướng tụt hậu, suy thoái so với khu vực và thế giới, không có lý do gì mà chủ quan đưa ra chính sách phong vị tiến sĩ cho các phó tiến sĩ (Can-đi-đát) được đào tạo trước kia ở 12 nước thuộc khối XHCN.
Nói như một vị hưu trí thì, sau một đêm, Việt Nam xuất hiện ồ ạt 7 - 8 vạn tiến sĩ mà không mất tiền và công sức đào tạo, như vậy học vị tiến sĩ có còn đúng giá trị, chức năng của nó nữa không? Hay chỉ có tác dụng "trang sức", "đánh bóng" cho các cá nhân, tổ chức nào đó?
Theo tôi, về vấn đề này không "vội đoán" thu hồi ngay bằng tiến sĩ của những người chỉ có bằng Can-đi-đát như tác giả đề nghị, vì như vậy sẽ gây "sốc" với xã hội mà nên thành lập một hội đồng (hoặc một Ban nào đó) có đại diện của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Khoa học & Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam... để xem xét lại toàn bộ các tiến sĩ đã được phong. Tôi xin đưa hai phương án sau đây:
Một là, đối với các phó tiến sĩ (Can-đi-đát) cũ - sau khi được bảo vệ, cấp bằng mới về nước cần xem xét từ đó đến nay nếu có cống hiến cho khoa học kỹ thuật, có đào tạo các kỹ sư, thạc sĩ chuyên ngành... thì giữ nguyên bằng tiến sĩ cho họ vì đó là thực chất, xứng đáng.
Hai là, đối với các phó tiến sĩ (Can-đi-đát) từ khi về nước đến nay, không còn nghiên cứu khoa học nữa mà chuyển sang làm công tác quản lý, lãnh đạo, hành chính sự nghiệp... thì nên thu hồi bằng tiến sĩ và có thể cấp cho họ bằng thạc sĩ.
Có như vậy thì học vị tiến sĩ mới không "lạm phát" và tương ứng với nền kinh tế, khoa học kỹ thuật của Việt Nam với khu vực và thế giới.