Câu chuyện khó tin
Trên nhiều diễn đàn, các bạn trẻ đang truyền tai nhau câu chuyện về một nữ sinh viên sau khi biết tin ông bà và cha của Lee Teuk – trưởng nhóm nhạc nổi tiếng Hàn Quốc Super Junior (Suju) qua đời đã suy sụp đến mức đòi nghỉ học, thậm chí đòi ở nhà…chịu tang cùng thần tượng.
Người chia sẻ câu chuyện này có viết: “Đây là việc đáng buồn và không ai mong muốn. Nhưng một số fan kiểu thương tiếc quá đà. Lớp mình có con bé fan cuồng khi vừa nhận được tin ấy tự nhiên khóc ầm lên giữa lớp, suy sụp đến nỗi đi không vững phải mấy đứa xúm lại đưa về. Hôm sau thì nó không đi học, bạn cùng lớp gọi điện hỏi han tưởng ốm đau như nào, ai ngờ nó sụt sịt bảo "Các cậu xin phép giúp tớ, tớ phải ở nhà chịu tang cùng anh ấy". Đương nhiên bọn kia chẳng hiểu "anh ấy" là thằng nào, chỉ có mình mới biết...Đại học năm 3 rồi chứ bé bỏng gì”.
Sau khi status này được đăng tải, đã có nhiều bạn trẻ lên tiếng phê phán gay gắt sự ấu trĩ của nhân vật trong bài viết: “Điên rồi, cuồng đến thế là cùng”; “Những bạn như này khiến người ta mất tình cảm với âm nhạc mà họ đang nghe thôi. Âm nhạc không có lỗi, lỗi ở cách người hâm mộ thể hiện”; “Tình cảm dành cho thần tượng thì chỉ có fan mới hiểu được, mình cũng đã khóc khi bố thần tượng mình qua đời, nhưng không tới mức như bạn trên”;...
|
Câu chuyện fan cuồng suy sụp, chịu tang cùng thần tượng gây xôn xao cộng đồng mạng. Ảnh minh họa. |
Câu chuyện tưởng như khó tin này lại làm nóng lại vấn đề tưởng đã nguội từ lâu – bệnh cuồng thần tượng của giới trẻ.
Giới trẻ đang tự biến thần tượng thành “ma túy”
Trước đây, khi vấn đề cuồng thần tượng đang nóng thì nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước những hành động thái quá của các bạn trẻ: khóc lóc, gào thét, hôn ghế của thần tượng, dọa tự tử để đi xem thần tượng,…và giờ lại chịu tang cùng thần tượng. Dường như giới trẻ đang tự biến thần tượng của mình thành "chất gây nghiện", tự khiến mình trở nên cuồng loạn và “góp phần” khiến nhiều người có cái nhìn không tốt về thần tượng và nền âm nhạc họ đang mê mẩn.
Trong đề thi Đại học khối D năm 2012 có câu hỏi như sau: “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”. Thảm họa mà đề thi đề cập đến không chỉ là thảm họa về tâm lý, sức khỏe của fan hâm mộ mà còn là thảm họa của gia đình, thậm chí của xã hội. Nhiều fan cuồng sẵn sàng đánh đổi danh dự, cha mẹ chỉ để vài phút gặp thần tượng, việc làm này khiến hình ảnh cộng đồng fan Việt xấu đi trong mắt các fan quốc tế.
Bản thân các thần tượng cũng không muốn mình là nguyên nhân khiến các fan bị chỉ trích, nhưng không phải fan nào cũng hiểu được điều này và cứ nghĩ sự “cuồng” của mình là hết lòng vì thần tượng.
Nói về vấn đề này, một nữ sinh đã chia sẻ: “Trước khi thần tượng một ai đó, bạn hãy thần tượng và biết ơn cha mẹ đầu tiên, vì nếu không có cha mẹ, bạn sẽ chẳng thể nào tồn tại trên cuộc đời này để có thể ngưỡng mộ một ai khác”.
Yêu quý thần tượng không xấu nhưng nếu tự biến thần tượng thành “ma túy” và khiến mình thành “con nghiện” thì chính các fan đang hủy hoại hình ảnh thần tượng và đánh mất nhiều thứ chỉ vì hội chứng "cuồng" quá đà của mình.