|
Con đường gốm sứ đang xuống cấp trầm trọng. |
Con đường gốm sứ đẹp nhất của Hà Nội đang xuống cấp trầm trọng, có những chỗ nứt rộng, có đoạn các mảnh sứ rơi rụng nham nhở... Mà nào đã lâu la gì, nó mới được khánh thành cách nay hơn 4 năm...
Có lần đi qua đấy tôi thấy người ta mang chăn, chiếu ra phơi. Rồi những hàng quán bám quanh đó rất nhếch nhác, tùy tiện và thiếu mỹ quan vô cùng. Chưa nói những đoạn thâm sì, khai mù vì nạn đái bậy. Vậy mà cũng chẳng thấy ai nhắc nhở.
Nói thật là nhìn cái cảnh gã đàn ông đứng úp mặt vào con đường đẹp đẽ đó mà đái bậy tôi chỉ muốn tát cho một cái. Nó thô bỉ và phản cảm kinh người. Một bức tranh đẹp đến thế, ý nghĩa đến thế mà sao lại có người vô liêm sỉ đến mức thản nhiên đứng đái vào đấy thì đến chịu. Mà chẳng hiểu tại sao người làm phóng sự ấy, quay cảnh ấy lại còn phải che mặt cái gã đó đi, cứ để cái bộ mặt bỉ ổi đó lộ rõ ra để mọi người lên án chứ. Cũng chẳng hiểu sao người ta có thể bình tĩnh mà quay cảnh đó?
Nhưng nói ý thức của người dân thì cũng chỉ là một phần. Còn cái chính vẫn là công tác quản lý. Con đường nằm ở vị trí dễ thấy, đâu phải một góc khuất nào, vậy thì một mảnh sứ bị rơi, một vết nứt cũng phải được phát hiện để xử lý ngay chứ tại sao lại để xuống cấp nặng như vậy? Phải chăng người ta phải đợi đến khi nó hư hỏng trầm trọng thì mới có tỉ nọ tỉ kia để chữa?
Có thêm một con đường đẹp như bức tranh là một may mắn cho người Hà Nội. Để mỗi khi có bạn phương xa đến thăm, đưa bạn ra Bờ Hồ, Lăng Bác, Hồ Tây rồi thả bộ dọc con đường gốm sứ để chụp ảnh, thật là lãng mạn. Nhưng thử hỏi chúng ta đã học cách biết yêu nó thật chưa. Hay chỉ là vì nó đẹp thì ta thích, nó hỏng thì ta tiếc. Chứ mỗi khi đi qua, nhìn thấy một mảnh sứ rơi ra, chính bản thân ta cũng chưa biết xót xa, chưa biết tự mình mang gắn lại.
Trong tiểu thuyết Suối nguồn, một nữ nhà báo đã tìm mọi cách ngăn cản kiến trúc sư thiết kế những công trình đẹp đẽ vì cô cho rằng con người chưa xứng đáng để hưởng những thứ đẹp đẽ như thế. Phải chẳng chúng ta cũng chưa xứng đáng để được hưởng một con đường đẹp như thế?