Khi tôi đến nộp hồ sơ, đều bị bộ phận tuyển dụng từ chối sau câu hỏi: Anh quê ở Thanh Hóa à?".
- “Dù cố gắng giải thích, thậm chí tôi đã gần như cầu xin họ hãy cho tôi một cơ hội để được nhận vào làm việc, để chứng minh rằng người Thanh Hóa không phải tất cả đều như họ nghĩ, nhưng cuối cùng tôi chỉ nhận được cái lắc đầu”.
Không tìm được việc vì... hộ khẩu Thanh Hóa
|
Lê Văn Luận |
Sau gần một tháng cầm hồ sơ đi xin việc, qua hàng chục công ty ở Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Phước (Bến Cát, Bình Dương) nhưng cuối cùng Lê Văn Luận (27 tuổi, quê Vĩnh Ninh, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) vẫn phải ngậm ngùi trở về tay không.
“Ở quê thiếu việc làm, một người bạn khuyên nên vào Nam tìm việc, các công ty đang tuyển dụng nhiều lắm, vào có thể xin làm công nhân lao động phổ thông, thu nhập cũng ổn, ít ra thì cũng hơn ở quê nên tôi mới vào đây. Ai ngờ lại khó khăn đến thế”, Luận chán nản.
Về nguyên nhân mình không tìm được việc làm, theo Luận là do mang... hộ khẩu Thanh Hóa: “Những công ty tôi đến nộp hồ sơ hầu hết đều là những công ty đang có nhu cầu tuyển dụng lao động, bên ngoài bảng thông báo ghi rất rõ: “Tuyển công nhân...”.
Nhìn chung công việc cũng khá đơn giản, không đòi hỏi trình độ chuyên môn hay bằng cấp cao, như dán giày, lắp ráp các phần cứng, đóng gói sản phẩm,... Nhưng khi tôi đến nộp hồ sơ, đều bị bộ phận tuyển dụng từ chối sau câu hỏi: Anh quê ở Thanh Hóa à?”.
“Dù đã cố gắng giải thích, thậm chí đã gần như cầu xin họ hãy cho tôi một cơ hội được nhận vào làm việc, để chứng minh rằng người Thanh Hóa không phải tất cả đều như họ nghĩ, nhưng cuối cùng chỉ nhận được cái lắc đầu. Họ trả lời: "Chúng tôi có thể nhận anh nhưng chắc giám đốc sau khi xem xét sẽ lại từ chối thôi. Anh thông cảm cho”, Luận cho biết thêm.
“Con trai Thanh Hóa quậy quá trời luôn”
Khi bị phía các công ty từ chối nhận hồ sơ với lý do là hộ khẩu quê Thanh Hóa, Luận cho biết đã rất sốc vì trước đây chưa hề nghe nói đến điều này và cũng không hiểu vì sao mà các công ty lại kỳ thị, từ chối lao động nam quê Thanh Hóa. Mãi khi về phòng trọ, nói chuyện với các công nhân khác đã vào làm trước đó, họ mới cho Luận biết rõ nguyên do.
“Họ bảo các công ty từ chối nhận hồ sơ của tôi vì “con trai Thanh Hóa quậy quá trời luôn”. Cách đây khoảng chục năm, khi các công ty mới đầu tư vào các khu công nghiệp, họ không “tuyển chọn khắt khe” như bây giờ. Khi đó, lao động ngoài miền Bắc nói chung và Thanh Hóa nói riêng vào làm thuê trong này rất nhiều, thậm chí có công ty đến một nửa công nhân là quê ở Thanh Hóa. Hiện tượng không nhận người Thanh Hóa chỉ mới xảy ra khoảng 3 - 4 năm trở lại đây”, Luận cho biết.
Cũng theo Luận, lao động nam quê Thanh Hóa bị từ chối vì nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là do: hay nhậu nhẹt, hay gây lộn, hay bỏ ca hoặc bỏ việc ngay trong giờ làm và đặc biệt là... hay tổ chức bãi công, biểu tình tập thể khi không đồng ý với công ty về một quy định nào đó.
“Cách đây 3 tháng, lãnh đạo một công ty sản xuất giày da của Hàn Quốc ở KCN Bến Cát (Bình Dương) vừa phải ký quyết định sa thải hơn 20 lao động nam quê Thanh Hóa vì họ đã bãi công tập thể để phản đối chính sách tăng ca của công ty. Trước đó, một công ty sản xuất phần cứng máy tính của một doanh nghiệp Trung Quốc cũng sa thải 5 nam công nhân quê ở Thanh Hóa vì nhóm nay đã đánh nhau ngay trong giờ làm. Đó chỉ là những vụ cụ thể trong số rất nhiều những vụ như thế”, Luận kể.
Làm giả hộ khẩu
Hậu quả của những vụ gây lộn, bỏ ca, bãi công tập thể trên khiến “tiếng tăm” của các lao động nam Thanh Hóa (dù chỉ là một bộ phận) lan nhanh ra khắp các công ty, các khu công nghiệp, và cuối cùng là lãnh đạo của công ty ở đây phải đặt ra một “tiền lệ”: Không nhận hoặc hạn chế nhận lao động nam quê ở Thanh Hóa để tránh rắc rối. Thậm chí, có công ty còn quy định mỗi phân xưởng không nhận quá 10 lao động nam Thanh Hóa để tránh bị... bãi công tập thể (!)
Điều này đã làm giảm cơ hội được làm việc của lao động từ Thanh Hóa trong các KCN ở Bình Dương nói riêng và các tỉnh Đông Nam Bộ nói chung, thậm chí nhiều người sau nhiều tháng không tìm được việc đã phải ngậm ngùi khăn gói hồi hương. Một số khác sau khi không tìm được việc làm ở các KCN đã ra ngoài làm lao động tự do.
Nguyễn Văn T (quê ở Xuân Tiến, Thọ Xuân, Thanh Hóa) cho biết: “Trước kia có công ty còn treo hẳn biển từ bên ngoài là “Không nhận lao động nam có hộ khẩu Thanh Hóa”, thời gian gần đây thì không thấy treo nữa nhưng khi vào nộp hồ sơ đều bị từ chối. Không chỉ lao động nam quê ở Thanh Hóa mà một số công ty còn từ chối nhận lao động nam của các tỉnh như Nghệ An, Nam Định và Cà Mau. Hầu hết các tỉnh này đều có lao động vào đây tìm việc khá đông và những vụ rắc rối ở các công ty cũng thường rơi vào nhóm lao động các tỉnh này”.
|
Nguyễn Văn T (ảnh làm mờ theo yêu cầu của nhân vật) |
Cũng theo T, có những công nhân sau khi không kiếm được việc làm đã tìm đến một phương pháp mạo hiểm hơn là... làm giả hộ khẩu.
“Tùy theo mức độ phức tạp của công việc sẽ làm mà giá của những bộ hộ khẩu giả sẽ cao hay thấp. Thường thì mỗi bộ hộ khẩu giả cho công nhân phổ thông sẽ dao động từ 500.000 - 700.000 đồng/bộ. Cách làm này khá mạo hiểm, nhiều người biết là vi phạm pháp luật nhưng cũng đành chậc lưỡi cho qua vì chỉ cần đạt được mục đích duy nhất là được công ty nhận vào làm việc. Ngoài ra, làm hộ khẩu giả cũng khá đơn giản, chỉ cần ra cổng các công ty là sẽ gặp “cò” ngay. “Cò” sẽ cam kết làm đúng như yêu cầu của thân chủ, thích hộ khẩu tỉnh nào cũng được, chỉ khoảng 4 ngày là có...”, T tiết lộ.
Hoàng Sơn