Rất khó "bắt lỗi" phụ huynh hay giáo viên là người có lỗi trong việc đi phong bì ngày 20/11.
- Nếu như trước kia, quà tặng cho các thầy cô giáo trong ngày 20/11 thường chỉ là bó hoa tươi, tấm thiệp ghi những lời chúc tặng thân tình, ý nghĩa hay những món quà nhỏ biểu trưng cho tình thầy trò thì hiện nay, có lúc, có nơi chiếc phong bì đã trở thành vật thay thế những món quà tinh thần ấy.
Phụ huynh: Phong bì để con cái được quan tâm
|
Chị Nguyễn Hạnh: "Không đi phong bì cho thầy cô thì con mình... bị thiệt". |
Chị Nguyễn Hạnh (Từ Liêm, Hà Nội) không hề giấu giếm: “Năm nào tôi cũng để 200 – 300 nghìn vào phong bì làm quà đến chúc cô chủ nhiệm và một số giáo viên bộ môn quan trọng khác của con. Tôi muốn con mình được quan tâm nhiều hơn, đồng thời đây cũng là cách bày tỏ tấm lòng tới những người đã có công dạy dỗ con suốt cả năm học. Không đi không đành lòng vì các phụ huynh khác đi cả, mình không đi thì con mình… bị thiệt”.
Tương tự, chị Lưu Thị Lợi (Công ty truyền thông Kim Cương) có con trai mới đang học ở trường mầm non L.T.T (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Năm nào đến ngày 20/11 tôi cũng chuẩn bị một bó hoa tươi và một chiếc phong bì đến chúc tặng các cô giáo của con. Tôi nghĩ đây là cách để thể hiện tình cảm của gia đình với những người đã giúp con mình trưởng thành.
Tất nhiên không phải lúc nào cũng đi tiền mà có thể thay bằng quà như mỹ phẩm có giá trị tương đương chẳng hạn. Nhưng cái khó là đi quà thì lo cô không thích và không hợp nên tôi nghĩ đi phong bì vẫn là hợp lý nhất”.
Không riêng gì ở thành phố, ở các trường học vùng nông thôn, tình trạng “phong bì thể hiện tấm lòng” cũng khá phổ biến.
Anh Nguyễn Hữu Ninh (xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết ngay ở quê anh, nơi đời sống của người dân nhìn chung còn tương đối khó khăn nhưng chuyện quà cáp phong bì ngày 20/11 cũng đã không còn mới mẻ.
|
Nhiều phụ huynh cho rằng, tặng phong bì cho các thầy cô giáo trong ngày 20/11 là để con cái mình được thầy cô quan tâm hơn. |
“Con trai tôi đang học lớp mầm non nhưng không phải vì thế mà ngày 20/11 không phải quà cáp gì. Thực ra cũng không ai bắt buộc cả, vấn đề là mình thể hiện sự quan tâm đến các thầy cô giáo thôi. Con tôi đang còn nhỏ, lại ăn uống và suốt ngày ở trường nên nếu không nhờ các cô chăm sóc hơn thì không được”.
Ngoài ra, theo anh Ninh, việc đi phong bì vào ngày lễ tôn vinh nhà giáo nếu lạm dụng quá sẽ làm mất đi ý nghĩa của ngày này.
“Nhưng không đi thì không được, bởi các phụ huynh khác đi phong bì mà mình lại chỉ mang đến bó hoa thì… kì quặc lắm. Còn nếu nói hạn chế và “tẩy chay” vấn đề phong bì ngày 20/11 thì tôi e là hơi khó. Một phần do cơ chế thị trường, một phần xuất phát từ chính tâm lý các bậc phụ huynh, cố gắng quan tâm đến các thầy cô để mong cho con cái mình bằng bạn bằng bè, để được thầy cô quan tâm hơn”, anh Ninh cho biết thêm.
Giáo viên: Chúng tôi không đòi hỏi
Về phía giáo viên, có ý kiến cho rằng việc tặng phong bì ngày 20/11 là xuất phát từ phía phụ huynh, còn giáo viên không hề đòi hỏi. Ngoài ra, chính việc tặng phong bì của phụ huynh đối với giáo viên lại là nguyên nhân dẫn đến sự… thiếu công bằng đối với các học sinh.
|
Cô Nguyễn Thị Huế - Giáo viên trường Quốc tế V.I.P (Đống Đa, Hà Nội). |
Cô Nguyễn Thị Huế, giáo viên trường Quốc tế V.I.P (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng việc nhận quà không quan trọng bằng cách nhận và tình cảm thực sự của người tặng: “Với tôi, việc nhận phong bì không quan trọng mà vấn đề chính là cách nhận. Ở trường chúng tôi, thường thì một lớp sẽ có ban đại diện phụ huynh và nhân dịp lễ tết sẽ mua hoa hoặc quà để chúc mừng nhà trường và nói lời cảm ơn với thầy cô.
Nếu dừng ở đó thì tôi ủng hộ, bởi đây cũng là dịp để các thầy cô được cảm ơn và tôn vinh. Bởi thế mà chúng tôi vẫn nhận phong bì nhưng hoàn toàn chính đáng và công khai. Việc nhận phong bì chỉ nên tránh là phong bì riêng của từng phụ huynh, như thế sẽ dẫn tới sự mất công bằng với các học sinh, hoặc dẫn đến sự “chạy đua” của phụ huynh”.
Thầy Lê Vũ Toàn (giảng viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội)
|
Thầy Lê Vũ Toàn - giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội. |
thẳng thắn bày tỏ: “Tôi nghĩ nhận phong bì trong ngày 20/11 là không nên vì tiền là phương tiện thường dùng để trao đổi, mua bán, do đó dù ở hình thức nào thì nhận tiền cũng làm mất đi ý nghĩa của ngày lễ. Một bó hoa, một món quà nhỏ sẽ có ý nghĩa hơn nhiều.
Còn nếu đặt vấn đề chuyện quà cáp phong bì ngày 20/11 hiện nay là phụ huynh đang làm hỏng giáo viên hay giáo viên làm hỏng phụ huynh thì quả thực rất khó nói, không thể quy trách nhiệm cho một đối tượng nào cả. Phụ huynh thì muốn con cái được thầy cô quan tâm, trong khi các thầy cô được phụ huynh tặng quà thì đôi khi cũng không thể chối từ vì nể nương hoặc sợ hiểu lầm gì đó”.
Thầy Nguyễn Cường (giảng viên khoa Báo chí, trường Đại học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội) thì cho rằng: “Việc tôn vinh nghề giáo, nhà giáo là truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta và việc sinh viên tổ chức các sự kiện chúc mừng thầy cô nhân ngày này là việc làm tốt. Bởi vì động cơ, mục đích là việc làm tốt, cho nên cách thể hiện như thế nào sẽ không quan trọng.
Nếu đó là một ông giáo nghèo, nhà túng thiếu, lại đang phải chữa bệnh... thì học sinh, sinh viên hiểu và thông qua tổ chức (lớp, đoàn, hội phụ huynh) tổ chức tặng quà bằng tiền (tất nhiên là giá trị ít thôi) là việc thiết thực.
Còn nếu ở một hoàn cảnh bình thường thì chỉ cần tặng hoa, tặng bánh, tặng một món quà ý nghĩa nào đó là đủ thể hiện tình yêu của mình với giáo viên. Nói thật là cá nhân tôi không thích sinh viên tặng mình cái gì cả. Các bạn sinh viên có tiền đâu mà tặng. Tôi nghĩ, đối với một giáo viên chỉ cần học trò của mình học giỏi, dám nghĩ dám làm, có tư duy độc lập, sáng tạo, đó đã là món quà đáng quý rồi. Quà cáp, phong bì nhiều khi phiền phức lắm”.
Thầy Nguyễn Cường (giảng viên Khoa Báo chí Truyền thông - Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội): Nếu nhìn ở góc độ tiêu cực về vấn đề phong bì ngày 20/11 có thể khẳng định: Cả hai phía phụ huynh và giáo viên đều là như nhau, không thể “đổ lỗi” cho riêng bên nào. Tôi nghĩ xóa bỏ thì hơi khó, vì ở đâu cũng sẽ có tiêu cực. Nhưng nếu một môi trường giáo dục thực sự tốt thì không có chuyện tiêu cực nói trên xảy ra.
Môi trường giáo dục tốt theo tôi là do các yếu tố văn hóa - môi trường sống, điều kiện tài chính, cách quản lý... quy định. Tôi nghĩ giải pháp tốt nhất để hạn chế tình trạng trên là nhà nước cần có chính sách nâng cao đời sống giáo viên, đồng thời yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng đào tạo. Khi chất lượng đào tạo đảm bảo thì chắc phụ huynh sẽ không đi “cầu cạnh” thầy cô và khi tài chính tốt thì các thầy cô cũng sẽ không cần phải lo lắng, so đo về vấn đề quà cáp phong bì.
|
Hoàng Dung
BÀI ĐỌC NHIỀU:
[links()]