Phản ánh tới Báo Tri thức và Cuộc sống, người dân xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội bức xúc với tình trạng hàng loạt lò mổ gia súc trên địa bàn hoạt động không phép, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, không đảm bảo các yêu cầu theo chủ trương, chính sách của nhà nước về tiêu chuẩn lò mổ tập trung, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Những lò mổ không phép náo loạn khu dân cư
Theo phản ánh của người dân, PV đi ghi nhận dọc con đê qua địa phận thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội. Tại khu vực chân đê, không khó nhận ra 2 lò mổ nằm cạnh khu dân cư đông đúc và hàng loạt dãy trọ công nhân.
Tiếp tục đi sâu vào trong thôn Cổ Điển, người dân chỉ cho PV lò mổ được cho là có quy mô lớn nhất tại đây và nó nằm ngay giữa khu dân cư. Đặc biệt, cách lò mổ không xa là trụ sở UBND xã Hải Bối.
|
Con đường bê tông dẫn vào khu giết mổ nhà Đào Bằng, khu giết mổ này khá nổi tiếng vì quy mô và nằm giữa khu dân cư. |
Theo bà T, (người dân thôn Cổ Điển) cho biết: “Lò mổ hoạt động liên tục từ đêm tới sáng. Chúng tôi bị “tra tấn” không ngủ được bới tiếng kêu la thảm thiết của trâu bò bị giết, gây sợ hãi cho trẻ nhỏ và ám ảnh giấc ngủ của cư dân. Chưa kể mùi phân bò bốc lên khiến người dân không chịu nổi. Trước đây dân có phản ánh rồi, nhưng chả ăn thua, giờ biết kêu ai”.
Bà T, cho biết thêm, lò mổ này của gia đình ông Đào Bằng, nó đã tồn tại ở đây khá lâu nhưng chưa thấy bị xử lý, di dời.
Theo quan sát của PV báo Tri thức và Cuộc sống, khu giết mổ này gồm 2 lò đối diện nhau, cách nhau con đường bê tông chạy trong thôn rộng cỡ 2 mét. Bên trong bao gồm cả khu nuôt nhốt, khu giết mổ, khu cân… sâu vào bên trong là ngôi nhà bề thế của gia đình ông Đào Bằng. Đứng từ xa cũng dễ dàng ngửi thấy mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi.
|
Người dân bức xúc vì tiếng ồn và mùi hôi thối do cơ sở giết mổ tạo ra. |
Theo phản ánh của người dân,
vì lò mổ này nằm giữa khu dân cư, nên mỗi khi họ (gia đình ông Đào Bằng - PV) nhập trâu bò về, họ huy động người nhà chắn 2 đầu con đường bê tông, rồi lùa trâu bò vào khu giết mổ làm náo loạn cả khu dân cư.
|
Bên trong lò mổ nhà ông Đào Bằng |
“Chuyện trâu bò sổng chuồng ở con đường này thì như cơm bữa, mỗi lần họ nhập trâu bò về, chúng tôi đành ở trong nhà đóng kín cửa, không lỡ bị những con trâu bò này húc phải thì không biết thế nào nữa?”, chị H, một ngườì cạnh lò mổ ngán ngẩm.
Điển hình nhất là vụ xảy ra trên đường đê chạy qua địa phận thôn Cổ Điển. Sáng ngày 19/1/2023, một con trâu từ đâu xuất hiện, lao vào một người đi xe máy trên đê. Nạn nhân bị trâu điên hất tung lên cao và rơi xuống thân đê, bất tỉnh nhân sự.
|
Vụ việc con trâu điên sổng ra húc người nhập viện gây xôn xao dư luận ngày 19/1/2023 Ảnh cắt từ clip |
Công an xã Hải Bối xác nhận, con trâu sổng ra ở khu giết mổ nhà ông Đào Bằng. Được biết, sự việc đã được 2 bên thỏa thuận giải quyết.
Tồn đọng cả chục năm không xử lý
Trao đổi với PV, ông Trịnh Minh Huân, Phó chủ tịch UBND xã Hải Bối xác nhận trong thôn Cổ Điển có tới 5 lò mổ, tất cả đều… không có phép. Ông Huân nói thêm: "Những lò mổ này đều có giấy phép kinh doanh, giấy phép đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, không có đơn vị nào được cấp phép cả."
Ông Huân cho biết, cách đây hơn chục năm, xã Hải Bối đã có dự án gom tất cả các lò lại, đưa vào khu giết mổ tập trung, cách xa ra khỏi khu dân cư, nhưng mãi đến tận giờ vẫn chưa làm được vì rất nhiều nguyên nhân. Cho nên đến giờ, các hộ dân trong thôn Cổ Điển, nhà nào có đất thì đều tự sử dụng và kinh doanh việc giết mổ.
|
Đã có nhiều ý kiến về những lò mổ không phép tại thôn Cổ Điển, nhưng chưa được giải quyết triệt để. |
Đối với những phản ánh của người dân, xã Hải Bối xác nhận về phần đơn thư thì không có. Còn đối với những sự việc khác, mỗi khi người dân có ý kiến, xã đều yêu cầu thôn xuống kiểm tra và nhắc nhở.
“Xã đang vận động các hộ đầu tư thêm về công nghệ xử lý nước thải và môi trường. Đang tuyên truyền vận động nhưng chưa hộ nào làm được.”, ông Trịnh Minh Huân nói.
Trước câu hỏi về việc những lò giết mổ này không có phép, tại sao một thời gian dài không xử lý?
Phó chủ tịch UBND xã Hải Bối khẳng định rằng đã có kiến nghị với UBND huyện để xin vị trí tập trung giết mổ nhưng vẫn chưa được. Bản thân UBND xã không đồng tình với việc giết mổ giữa khu dân cư, nhưng cũng chưa có giải pháp cụ thể, vì các hộ dân kinh doanh thâm niên từ nhiều năm nay.
Dấu hỏi trách nhiệm chính quyền?
Khi PV đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý của địa phương, và sự bất lực của chính quyền trong việc xử lý vi phạm của các lò mổ không phép? Im lặng hồi lâu, vị Phó chủ tịch UBND xã Hải Bối Trịnh Minh Huân nói, xã sẽ tiếp thu thông tin và xin quan điểm chỉ đạo từ cấp trên.
|
Con đường này, đã không ít lần xảy ra những vụ trâu nổi điên sổng chuồng gây náo loạn. |
Bày tỏ quan điểm về sự việc, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật Đại Nam (Đoàn luật sư Tp Hà Nội) khẳng định: "Những lò mổ này đang vi phạm một loạt các quy định của Nhà nước, trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý, mà cụ thể ở đây là UBND xã Hải Bối. Sau khi có những phản ánh, xã không thực hiện những chức trách quản lý Nhà nước, thể hiện ở đây là có dấu hiệu bao che hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm. Không kịp thời để tiếp thu những phản ánh của người dân, điều đó thể hiện chức năng quản lý đang yếu kém, khiến cho người ta nghi ngờ về động cơ của việc chậm trễ đó, đồng thời nó làm giảm uy tín của chính quyền đối với người dân."
Theo ông Tuấn, các dịch vụ gây ô nhiễm và các vấn đề khác như trật tự, an ninh, an toàn…, nhất định phải dịch chuyển ra khỏi khu dân cư, đặc biệt là các lò mổ, khi gây ô nhiễm môi trường, và ô nhiễm tiếng ồn.
Còn theo Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều chính sách nhằm tập trung các lò mổ gia súc, gia cầm vào một nơi được quy hoạch cụ thể có quy trình giết mổ đúng theo tiêu chuẩn, nhưng việc này đòi hỏi mất nhiều thời gian và chi phí nên đến nay vẫn còn dang dở. Việc các lò mổ tự phát không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường mà còn tạo lỗ hổng trốn thuế, gây thất thu cho nhà nước.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.