|
Ảnh minh họa. |
Vì thứ nhất mấy ai có nhiều đậu đỗ mà phơi. Thứ hai là đường phố đông người xe đi lại, bụi bặm nhiều nên có gì cần phơi thì người ta phơi trên sân thượng thôi. Đấy là chưa nói cái lý do thứ ba là ở thành phố này, cứ sểnh ra cái gì là mất cái đấy, từ đôi dép cũ, mũ bảo hiểm cũ... còn bị lấy trộm nữa là. Vậy mà bà cụ này trải ra đường phơi đám đậu tương bằng hai cái chiếu to. Rồi bà ngồi trên vỉa hè cạnh đó canh. Tôi nghĩ ngồi kiểu đó chắc đến lúc đám đỗ kia khô, thì người bà cũng khô héo đi mất. Nhưng không ngồi canh khéo chiều ra chả còn hạt đỗ nào. Sao mà khổ thế!
Sống ở thành phố thành ra tôi cũng có tật xấu là lúc nào cũng cảnh giác, cũng nơm nớp sợ người ta lấy mất của mình, lừa đảo, bán đắt hay bắt nạt mình. Và lắm lúc mình còn tỏ ra ghê gớm, bắt nạt người khác trước để người ta khỏi bắt nạt mình. Chả biết khôn thế, ghê gớm thế thì có lợi lộc gì không, nhưng tôi thấy nhiều khi mình cũng tự làm mất đi nhiều cái sung sướng.
Có lần tôi lên Hoà Bình đi chợ với mấy đứa cháu. Chợ quê dịp gần Tết nhộn nhịp, người ta đi chợ vừa mua sắm vừa chơi. Còn tôi vì có lần đi chợ hoa ở Hà Nội bị móc mất cái điện thoại, nên về đây vừa đi vừa nơm nớp, ngó trước, ngó sau, chỉ lo giữ cái túi tiền, giữ điện thoại... Chả còn thấy gì hay ho nữa. Đã thế, mua gì cũng sợ hàng rởm. Có chị nông dân bán chai mật ong rừng, tôi đã định mua, đã nhìn thấy cả những cánh ong trong đó nhưng vẫn không tin là hàng thật nên không dám mua. Để đến lúc về thấy mọi người bảo ong rừng thật đấy, lại ngồi tiếc. Đúng là khổ thật.
Đợt lên Mộc Châu, được sống 2 ngày trong cái không khí miền núi trong lành, nơi mà người dân hồn hậu, ngay đến mấy cô nhân viên nhà nghỉ cũng dễ thương, được vứt bỏ cái sự cảnh giác, thấy sao mà sung sướng, mà dễ chịu đến thế. Ôi, giá mà con người có thể sống mà không phải cảnh giác, không phải nơm nớp lo đủ thứ như thế.