Hành động vỗ tay thật giản đơn, một đứa trẻ cũng làm được, nhưng vỗ tay ở đâu, khi nào là thích hợp thì chẳng dễ chút nào.
Người xưa có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở” với hàm ý bất cứ việc gì trong cuộc sống cũng cần học. Học để làm cho tốt, cho đúng. Và đã đến lúc chúng ta phải học để tạo nên văn hóa vỗ tay.
Trong phiên tòa phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Nghĩa, khi tòa tuyên phạt Nghĩa án tử hình, một loạt tiếng vỗ tay trong hội trường vang lên. Sự việc đó đã tốn không ít giấy mực của báo chí.
Tưởng rằng các bài viết về văn hóa vỗ tay phần nào thay đổi được nhận thức của mọi người, nhưng trên thực tế thì đó vẫn còn là một câu chuyện cần bàn luận nhiều.
Mới đây, sáng 29-10-2012, đã diễn ra vụ xử án lưu động tội phạm buôn bán ma túy tại trường Đại học Luật Hà Nội. Với 2 bánh heroin gần 700g cùng 40 viên ma túy tổng hợp, bị cáo Nguyễn Hữu Dũng không thoát khỏi án tử hình. Khi Hội đồng xét xử tuyên án xong và kết thúc phiên tòa, toàn bộ hội trường D của Đại học Luật tràn ngập tiếng vỗ tay giòn giã. Một vài người ngỡ ngàng hỏi: “Tại sao tuyên án tử hình lại vỗ tay?”, lúc này cả hội trường lại rộ lên tiếng cười.
Có lẽ họ cười xòa vì nhận ra sự không thích hợp trong hành động vỗ tay của mình. Tiếng vỗ tay ấy tán dương cho quyết định đúng đắn của hội đồng xét xử? Là cái giá mà kẻ gieo giắc “cái chết trắng” phải nhận lấy? Hay đơn giản chỉ là tiếng vỗ tay một cách vô thức của những người có mặt tại phiên tòa?. Dù mang ý nghĩa gì thì vỗ tay trước cái chết của một con người, phải chăng là một hành động không mấy nhân đạo?.
|
Ảnh minh họa. |
Không chỉ trong những phiên tòa mà ở các buổi biểu diễn nghệ thuật, văn hóa vỗ tay của người Việt thực sự đáng buồn. Tôi đã có dịp đi xem ca nhạc tại Trung tâm văn hóa Pháp. Sở dĩ tôi muốn nói đến các buổi biểu diễn ở đây vì có nhiều khán giả là người nước ngoài đến xem cùng khán giả Việt. Tiếng vỗ tay sau mỗi tiết mục nghệ thuật trong môi trường đó khác biệt với tiếng vỗ tay trong môi trường “thuần Việt”. Họ vỗ tay khá lâu và chất chứa trong đó cả sự nhiệt tình, yêu mến các nghệ sĩ.
Lần đầu tiên, tôi đã rất ngỡ ngàng vì điều này, nhưng sau đó nhận ra: “Bấy lâu nay, mình chỉ biết vỗ tay một cách hời hợt, vô thưởng vô phạt”. Không phải cứ điều gì là chuẩn mực trong nền văn hóa của quốc gia, dân tộc này thì cũng là chuẩn mực trong văn hóa quốc gia, dân tộc khác; nhưng có lẽ, cái gì hay thì ta nên học hỏi và loại bỏ dần những cái dở, cái tệ.
Người Việt cũng thật lạ khi vỗ tay “nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu, các vị khách quý” trong một chương trình, một buổi lễ, một cuộc họp,… ngay cả khi họ đến muộn. Vỗ tay chào đón như thế khác nào đồng ý với sự sai giờ giấc. Việc đặt ra nội quy đi học đúng giờ đối với học sinh, sinh viên, đi làm đúng giờ với công nhân viên chức còn có ý nghĩa gì khi sự chậm trễ của “các vị khách mời” luôn được vỗ tay tán dương và không bao giờ có sự khiển trách.
Hành động vỗ tay thì thật giản đơn, một đứa trẻ cũng có thể làm được, nhưng suy nghĩ thấu đáo trước khi vỗ tay; vỗ tay ở đâu, khi nào là thích hợp thì chẳng dễ chút nào. Đã đến lúc, người Việt cần học vỗ tay sao cho có văn hóa.
Theo An Ninh Thủ Đô
Bài đọc nhiều:
[links()]