Dân chúng rất ngạc nhiên khi biết Cục trưởng CSGT Đường bộ – Đường sắt có biệt tài ... "chơi chữ"
- Người ta thường bảo các anh CSGT khô khan và… khó tính, nhưng tôi thấy không phải thế. Tôi thấy CSGT cũng rất lãng mạn và có óc hài hước nữa, chả thế mà khi nghe lời vị Cục trưởng CSGT Đường bộ – Đường sắt “chơi chữ” về vấn đề “tham nhũng” thì ai ai cũng phải tròn mắt kinh ngạc.
Chơi chữ là một nghệ thuật, đòi hỏi phải nhanh trí và có một kiến thức rộng lớn; và thậm chí đầu óc dí dỏm, pha chút châm chọc, ngạo đời. Ngày xưa các cụ nhà ta thích dùng chữ để tả cảnh, tả tình, nhiều khi dùng chữ lắt léo để “móc” nhau, tán tỉnh nhau, hoặc mỉa mai nhau…
CSGT “chơi chữ” thì hơi hiếm, có lẽ trước nay chưa có bao giờ, mà họ thì thường thích hành động (do đặc thù nghề nghiệp)...
|
Nghệ thuật "chơi chữ" có từ thời xa xưa. |
Vậy nhưng mới đây, người dân lại được phen “choáng” khi tận mục sở thị CSGT “chơi chữ”. Càng ngạc nhiên hơn nữa khi người “chơi chữ” lại chính là vị Thiếu tướng, Cục trưởng CSGT Đường bộ – Đường sắt. Thậm chí nghe xong, nhiều người còn không tin vào tai, mắt mình, khẽ thì thào hỏi nhau: “Này ông, có phải khi nãy Cục trưởng vừa mới sử dụng nghệ thuật “chơi chữ” không?”. Người được hỏi cũng tỏ ra lúng túng không kém: “Hình như là thế. Tôi chưa thấy hiện tượng này bao giờ”. Người kia luôn miệng: “Thế a, thế a… Bập bập, tài quá, tài quá!”.
Chả là vừa rồi theo kết quả cuộc điều tra xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới công bố hôm 20/11 thì CSGT là một trong 4 ngành tham nhũng phổ biến nhất.
|
Nhưng giờ đây dân "buôn chữ" rất ngạc nhiên khi biết Cục trưởng CSGT Đường sắt - Đường bộ cũng có "biệt tài" về... chơi chữ. |
Tại cuộc giao lưu trực tuyến do Báo Công an Nhân dân tổ chức sáng 22/11 về nghị định 71/2012/NĐ-CP, đại diện cho ngành đưa ý kiến về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - đường sắt, Bộ Công an đã không đồng tình với kết luận đó.
Thiếu tướng Tuyên cho rằng, đây chỉ là những tiêu cực chứ không thể nói là tham nhũng: “Tôi cho rằng ở đây chỉ là những tiêu cực chứ không thể nói là tham nhũng. Bây giờ nghiên cứu thế nào là tham nhũng, thế nào là tiêu cực, tôi cho rằng nó chưa rạch ròi. Nhận của lái xe, nhận của người tham gia giao thông dăm ba chục, một vài trăm mà đó là tham nhũng thì theo tôi ý đó là không thỏa đáng”.
Thiếu tướng Tuyên cũng cho rằng: “Tham nhũng phải là những người có chức, có quyền nhưng lợi dụng chức quyền đó bớt xén, móc nối lấy tiền của nhà nước. Tôi cho rằng dùng từ tham nhũng phải ở đối tượng đó và hành vi đó. Từ xưa đến nay, chúng ta vẫn nói rằng, CSGT tiêu cực thì nên ở mức độ đó nó dễ chấp nhận hơn”.
|
Theo Cục trưởng CSGT Đường bộ - Đường sắt thì việc nhận "dăm ba chục hay vài trăm nghìn đồng" không nên xem đó là "tham nhũng" (!) |
Đọc xong, có người reo lên khe khẽ trong cổ họng đầy vẻ thán phục: “Ôi, Cục trưởng tài quá, sử dụng nghệ thuật “chơi chữ” giữa hai chữ “tham nhũng” và “tiêu cực” sao mà khéo thế. Chỉ có những bậc cao tay mới có thể sử dụng nổi “tuyệt chiêu” này”.
Có người còn lần giở ngay từ điển và luật ra để xem về ý nghĩa của hai từ “tiêu cực” và “tham nhũng”. Trong từ điển, “tham nhũng” và “tiêu cực” thì được giải thích một phần về ý nghĩa, còn trong luật thì “bó tay chấm com” bởi có “Luật phòng chống tham nhũng” chứ không hề có “Luật phòng chống tiêu cực”. Cách giải thích đại ý như sau:
“Tiêu cực” là gì? Theo cách giải thích của từ điển Tiếng Việt, “tiêu cực” giữ vai trò vừa là tính từ, lại cũng vừa là danh từ. Trong vai trò tính từ, “tiêu cực” có nghĩa chỉ sự phủ định, làm trở ngại sự phát triển (yếu tố tiêu cực, mặt tiêu cực của vấn đề…), chỉ chịu tác động mà không có phản ứng, hoặc phản ứng yếu ớt, không có những hoạt động mang tính chất chủ động (thái độ tiêu cực, phản ứng tiêu cực…), không lành mạnh, có tác dụng không tốt đối với quá trình phát triển của xã hội…
|
Tham nhũng đang trở thành vấn nạn đối với xã hội hiện nay. |
Trong vai trò danh từ, “tiêu cực” là từ dùng để chỉ những hiện tượng không lành mạnh (hiện tượng tiêu cực, đấu tranh chống tiêu cực…).
So với “tiêu cực”, từ “tham nhũng” được định nghĩa chi tiết, rõ ràng hơn nhiều. Và không chỉ trong từ điển mà được định nghĩa trong luật hẳn hoi: Theo “Luật phòng chống tham nhũng Việt Nam”: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế: Tham nhũng là hành vi của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân.
Tham nhũng còn được phân loại khá cụ thể thành 2 loại là “tham nhũng lớn” và “tham nhũng vặt”:
“Tham nhũng lớn” xảy ra chủ yếu liên quan đến dự án thu mua lớn và phổ biến trong các dự án xây dựng công cộng và tư nhân, bệnh viện; trong các hợp đồng vũ khí và quốc phòng, trong công nghệ vũ khí mới,…
“Tham nhũng vặt”, còn được gọi là tham nhũng hành chính hay tham nhũng quan liêu, là loại tham nhũng diễn ra thường ngày, khi các nhân viên công chức tiếp xúc với quần chúng trực tiếp. Những vụ tham nhũng vặt còn hay xảy ra khi người dân và các công ty tìm cách né tránh nghĩa vụ và các khoản thuế và khi các viên chức lạm dụng quy định theo ý của họ bằng cách cố gắng bòn rút tiền từ các công dân và các công ty.
Ngoài ra, “tham nhũng” còn được chia ra thành các dạng và mức độ khác nhau...
Đọc xong một lô xích-xông những giải thích trên, lắm kẻ mới ngẩn người, ngơ ngác: “Có Luật Phòng chống tham nhũng mà không có Luật Phòng chống tiêu cực thì hóa ra là cứ “tiêu cực” thoải mái à? Cùng lắm thì xin lỗi kèm lời giải thích (vốn dĩ xưa như Quả Đất): Ngành nào cũng có mặt trái của nó cả, etc,… Tham nhũng thì bị xử theo luật còn tiêu cực thì làm quái gì có luật để mà xử nhỉ?”
Có kẻ chép miệng thở dài: “Thế thì CSGT nhận dăm chục, một trăm nghìn đồng tiền của người tham gia giao thông cũng là tham nhũng đứt đuôi con nòng nọc còn gì nữa”.
“À, thì tất nhiên. Thế nên mới bảo Cục trưởng CSGT có biệt tài về nghệ thuật “chơi chữ”. Đạt đến đẳng cấp đó xưa nay chỉ có ở các bậc cao nhân!...”
Các dạng thức và mức độ của "tham nhũng":
- Hối lộ: Hối lộ là cho ai đó một lợi ích nào đó để gây ảnh hưởng lên một quyết định hoặc hành động.
- Gian lận và Dối trá: Gian lận và dối trá liên quan đến giấy tờ giả mạo, lừa lọc và bóp méo sự thật về những mục đích cá nhân của họ..
- Chiếm đoạt: Khi một cá nhân dính vào vụ việc chuyển tiền hoặc hàng hóa phi pháp từ nơi này sang nơi khác thì người đó được coi là thực hiện hành vi chiếm đoạt.
- Tham nhũng có hệ thống: Khi tham nhũng không những suy giảm đi mà còn được thừa nhận như “điều tất yếu” và là một phần của thủ tục trong các công việc chung và riêng của một tổ chức và một xã hội thì ta gọi đó là tham nhũng hệ thống.
- Tham nhũng có móc ngoặc: Tham nhũng có móc ngoặc xuất hiện trong các mối quan hệ có từ hai cá nhân trở lên. Nó có thể xảy ra khi bản chất của việc giao dịch là phi pháp hoặc khi một trong các bên muốn dành được phần lợi nhiểu nhất so với các bên khác.
- Tống tiền: Sử dụng vũ lực, hăm dọa, đe dọa đến một cá nhân hoặc một tổ chức để có được sự bảo hộ, thiên vị hoặc lợi ích từ đối thủ của mình.
- Lạm dụng quyền hạn: Một vài cá nhân có thể lạm dụng quyền hạn được giao để phục vụ cho mục đích cá nhân. Tham nhũng dạng này còn bao gồm dung túng và thiên vị.
|
Phạm Văn Trung (độc giả ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa)
BÀI ĐỌC NHIỀU: