"Ai cũng tò mò và bất ngờ khi một trong 10 công dân Thủ đô tiêu biểu năm nay là một công nhân chuyên nạo vét cống rãnh...", chị Hiền chia sẻ.
- "Ai cũng tò mò và bất ngờ khi một trong 10 công dân Thủ đô tiêu biểu năm nay là một công nhân chuyên nạo vét cống rãnh. Chính tôi cũng bất ngờ. Nhưng tôi nghĩ, nghề nào cũng cao quý cả. Tôi không bao giờ xấu hổ vì mình làm nghề móc cống cả", chị Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.
Không dám tin mình được vinh danh
Điều tôi trăn trở nhất trong công việc là mong ý thức của người dân cao hơn. Không nên xâm phạm hệ thống thoát nước, xây kè, lấn chiếm, rác thải đều vứt xuống mương xuống sông. Khi ý thức của mọi người được nâng cao lên thì công việc của chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn nhiều. |
Chị cảm thấy thế nào với vinh dự là một trong 10 công dân tiêu biểu của Thủ đô?
Với tôi thì những đóng góp của mình còn quá bé nhỏ. Có rất nhiều người khác xứng đáng được vinh danh.
Nhưng chị đã được chọn?
Chính tôi cũng không dám tin rằng tôi được nhận danh hiệu này. Lãnh đạo công ty nói, đây là ghi nhận sự cố gắng của một công nhân trực tiếp lao động sản xuất. Dù công việc nặng nhọc, độc hại và vất vả nhưng vẫn cố gắng vượt lên hoàn cảnh riêng để hoàn thành nhiệm vụ. Có lẽ là vì thế mà tôi được chọn. Tôi nghĩ danh hiệu này một phần động viên thúc đẩy những công nhân khác nữa để cùng nhau cố gắng.
Hẳn là những người công nhân như chị không ít?
Tôi vẫn nói đó là may mắn đối với mình. Tôi được vinh danh, không có nghĩa là tôi giỏi giang hơn tất cả những công nhân làm mương làm cống khác. Tôi nghĩ đơn giản là tôi luôn cố gắng làm tốt nhất mọi thứ có thể. Rồi mọi thứ nó tự nhiên nó đến thôi.
Chị nghĩ sao về công việc mình đang làm?
Tôi sống bằng chính sức lao động của mình và tôi tự hào vì điều đó?
|
Chị Nguyễn Thị Hiền, tổ Mương 1, Xí nghiệp Thoát nước số 1 Hà Nội. |
"Bọn móc cống"
Công việc hằng ngày của chị như thế nào?
Tôi cùng với anh em công nhân trong tổ làm thành một dây chuyền nạo vét bùn trên sông và mương. Hằng ngày, chúng tôi múc bùn và đưa lên thùng để vận chuyển đi chỗ khác. Công việc đó lặp đi lặp lại. Trung bình mỗi người trong 1 tháng nạo vét khoảng 20 - 22m khối bùn.
Chị làm công việc này lâu chưa?
Tôi đã có trên 25 năm công tác trong ngành. Đây là việc vất vả và độc hại.
Sao chị không chọn nghề khác?
Xã hội phân công mỗi người mỗi việc. Tôi nghĩ đơn giản thế thôi
Vậy công việc này đem lại cho chị điều gì? Thu nhập của nghề có đủ sống không?
Nếu xét ở mặt bằng chung thì tôi nghĩ thu nhập của công nhân chúng tôi là ổn định. Chứng minh là ngày càng có đông công nhân xin vào làm việc. 15 - 20 năm nay không có người bỏ việc. Biết là vất vả, nặng nhọc, nhưng mọi người vẫn sẵn sàng.
Theo chị thì vì sao?
Lương không cao nhưng ổn định. Không bao giờ hết việc làm. Ngoài những kế hoạch hằng tháng thì lãnh đạo còn khai thác các công trình ngõ xóm quận huyện, tìm kiếm công trình cho công nhân tăng thêm thu nhập.
Chị có bao giờ buồn, trăn trở, vì có một vài người cho rằng nghề móc cống, nạo vét bùn của chị là nghề không được "sạch sẽ" cho lắm không?
Tôi không buồn khi có người nghĩ như vậy. Tại sao họ không nhìn nhận rằng việc chúng tôi đang làm là cần thiết cho xã hội. Bản thân họ, nếu như sống ở trong một cái địa bàn động mưa là ngập, thì họ nghĩ gì khi những người công nhân thoát nước suốt ngày ở dưới mương múc bùn lên?
Vậy có khi nào chị cảm thấy bị xúc phạm khi có ai đó nói về công việc của chị?
Tôi không bị xúc phạm nặng nề, nhưng khi chúng tôi đi làm, nhiều người gọi chúng tôi là "bọn móc cống". Tôi chỉ nói nhẹ nhàng: Mỗi người mỗi nghề. Chúng tôi làm công việc này không có nghĩa là chúng tôi không có tri thức. Cho nên đề nghị mọi người khi nói nên cân nhắc lời nói sao cho nhẹ nhàng, đừng làm tổn thương bất kể ai cả. Công việc nào cũng tốt, cũng cao quý, nếu nó là việc chân chính. Còn nếu xúc phạm công nhân móc cống thì họ đã xúc phạm vào chính nhân phẩm của họ.
Sao lại làm cái nghề ấy!!!
Ngày mới vào nghề, có ai ngăn cản chị không?
Nhìn chung, xã hội không đánh giá cao nghề này. Năm 1987 là tôi bắt đầu vào xí nghiệp làm công nhân. Một số bạn bè bảo, đi làm thế vất lắm, đừng đi. Nhưng lúc đó tôi không có nhiều lựa chọn và đang rất mong có việc làm để giúp đỡ gia đình. Khi biết tôi làm nghề này cũng có người nói: "Sao lại làm cái nghề ấy!". Được cái gia đình tôi ủng hộ. Bố tôi bảo mình là con nhà lao động, đi làm thì có gì mà phải sợ.
Công việc lúc đó có gì khác với bây giờ không?
Thời đấy công việc đơn giản lắm, vài ba cái xô, vài ba chiếc xẻng, vài ba cái xe cải tiến. Mãi về sau này, mật độ dân số đông, thì yêu cầu công việc thoát nước càng cần thiết hơn và công việc cũng vất vả hơn.
Lúc làm việc, chị có thấy tủi phận?
Không, tôi chưa hề thấy.
Chị trả lời thật lòng đấy nhé!
Tôi nói thật. Chưa bao giờ tôi thấy tủi cả. Nhiều lúc cảm thấy mệt, vất vả, nhưng chưa hề có suy nghĩ tìm đến công việc khác. Dù khả năng tìm công việc khác của tôi là có. Tôi nghĩ có lẽ là cái nghiệp.
Con của chị có bao giờ thấy ngại ngùng vì nghề của chị?
Nhiều lần tôi hỏi các cháu, đi ra đường gặp mẹ đang làm việc các con có ngại không. Chúng bảo, mẹ không ngại thì sao chúng con phải ngại. Khi tôi được vinh danh thế này, nhiều người cũng đến hỏi han và cũng nhiều người biết đến mình. Tôi hỏi các con là có thấy xấu hổ không, chúng nó cũng đều bảo chẳng việc gì phải xấu hổ.
Vì nghề, chị có hay bị ốm?
Cho đến lúc này làm việc là đã 25 năm rồi, tôi mới có 2 lần nghỉ sinh đẻ chứ chưa bao giờ nghỉ ốm. Chuyện ho hắng thì không tránh được. Những khi mình mệt thì anh em lại tạo điều kiện luân chuyển nhau để mình nghỉ ngơi.
Xin cảm ơn chị và chúc chị sức khoẻ, công tác tốt!
Với tôi đây là niềm vui quá lớn
Khi đứng lên nhận danh hiệu công nhân tiêu biểu Thủ đô, tôi có tâm sự với bác Nguyễn Tài Thu và bác Hoàng Vân. Tôi bảo các bác ơi, cháu chỉ là một công nhân thôi, công việc của cháu quá bình thường và nhỏ bé để được nhân danh hiệu này. Các bác bảo không phải đâu cháu ạ, mỗi người một lĩnh vực khác nhau. Ai ở lĩnh vực nào làm tốt ở lĩnh vực đó cũng đều xứng đáng được vinh danh cả. Nghe các bác nói thế, tôi rất xúc động. Thực sự, với tôi đây là niềm vui quá lớn. |
Tô Hội (Thực hiện)
Bài đọc nhiều: