Thường thì chuột rút chỉ kéo dài vài giây hoặc nhiều lắm là vài phút, nhưng sau đó triệu chứng đau có thể kéo dài cả ngày.
Cháu 15 tuổi, thời gian gần đây, đêm ngủ thấy hay đau nhức bắp chân và còn bị chuột rút rất đau. Bác sĩ có thể cho cháu biết nguyên nhân và cách phòng tránh. Nguyễn Văn Trường (Hà Nội).
Bị chuột rút là hiện tượng rất hay gặp ở người lớn tuổi nhưng cũng vẫn có thể xảy ra với người trẻ. Thường thì chuột rút chỉ kéo dài vài giây hoặc nhiều lắm là vài phút, nhưng sau đó triệu chứng đau có thể kéo dài cả ngày.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chuột rút như: tình trạng thiếu nước và chất khoáng trong cơ thể như canxi, magiê, natri và kali... (điều này có thể xảy ra sau khi tập thể dục, đổ mồ hôi quá nhiều mà không được bù đủ nước và muối, dùng thuốc lợi tiểu, đang có thai...); ngồi lâu, tư thế của chân không thích hợp; bệnh đái tháo đường, thiếu máu, hạ đường huyết; đôi khi một số bệnh liên quan đến thần kinh như bệnh Parkinson, các bệnh về bắp thịt, các rối loạn về thần kinh... cũng gây ra triệu chứng chuột rút.
Bạn cần xác định đúng nguyên nhân để điều trị triệt để. Nếu thiếu khoáng chất, hãy uống sữa hoặc bổ sung 1 hay 2 viên canxi mỗi ngày.
Nên nhớ uống đủ nước, đặc biệt là trước và sau khi tập thể dục. Bạn cũng có thể phòng ngừa chứng chuột rút bằng cách đạp xe đạp tại chỗ trong vài phút vào buổi tối trước khi đi ngủ; chườm nóng ở các bắp thịt bị ảnh hưởng, nhất là trước và sau khi tập thể dục.
Chú ý đến việc đi giày sao cho vừa vặn và thích hợp. Khi đã bị chuột rút, hãy lắc lắc bắp thịt chỗ bị chuột rút rồi sau đó nâng cao chân lên. Hằng ngày, nên tắm hoặc ngâm chân trong nước ấm.
Nếu áp dụng các biện pháp trên mà vẫn bị chuột rút thường xuyên, bạn cần đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Theo Sức khỏe & Đời sống
[links()]