Tập tư thế “trống lòng” chữa trĩ

Google News

(Kiến Thức) - Y học cổ truyền coi trọng các biện pháp dự phòng và chữa trị bệnh trĩ bằng tập luyện.

Hỏi: Tôi nghe nói Đông y có cách tập luyện phòng và chữa trĩ hiệu quả, xin tòa soạn hướng dẫn. Tư thế "trống lòng" tập như thế nào? - Lê Thị Mùi (Đống Đa, Hà Nội). 
Ảnh minh họa. 
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108: Y học cổ truyền coi trọng các biện pháp dự phòng và chữa trị bệnh trĩ bằng tập luyện. 
Cụ thể như sau: Nên tập vận động nhíu hậu môn lên mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 30 cái. Mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng khi tỉnh giấc và buổi tối trước khi đi ngủ nên tập tư thế phòng chống bệnh trĩ: Đầu tiên chọn tư thế nằm ngửa, ở phần thắt lưng đặt một cái gối, đệm cao phần mông. Tiếp theo, nâng cao hai chân ở tư thế bắt chéo như ngồi xếp bằng tròn. Khi nâng cao phần mông không dùng lực, thả lỏng cơ hậu môn, duy trì tư thế này trong 2 - 3 phút. 
Ở tư thế này, do mông cao hơn tim nên máu không ứ ở hậu môn trực tràng, cơ hậu môn được thả lỏng tạo điều kiện cho huyết dịch lưu thông tốt. Khi đói bụng nên tập tư thể yoga như sau: Đứng thẳng hai chân, thân mình hơi nghiêng về phía trước, hai tay chống thẳng lên giữa bắp đùi, hít vào một hơi dài rồi từ từ thở ra đồng thời bụng thót vào hết cỡ, kết hợp với động tác nhíu hậu môn. 
Giữ trạng thái này và nín thở càng lâu càng tốt. Tư thế này cũng có thể tập trong lúc ngồi thiền. Nó có tác dụng phòng ngừa bệnh trĩ rất tốt, ngoài ra còn góp phần trị liệu các bệnh lý sa phủ tạng, táo bón và di tinh. Vì tư thế này tập trong lúc đói nên còn gọi là thế "trống lòng" (uddiyana-banda).
PV (ghi)

Bình luận(0)