Hỏi: Chị tôi có thai 38 tuần, đã sinh mổ một lần và bị u nang. Hôm thai được 37 tuần, bỗng dưng chị tôi bị ra nước màu hồng và mở một phân. Vào bệnh viện cấp cứu sau đó bác sĩ cho về, đến nay được một tuần hết ra nước và "cửa mình" cũng đóng lại, tái khám mỗi tuần. Tôi nghe nói những trường hợp này dễ bị... bong nhau non gây nguy hiểm cho thai phụ và thai nhi? - Đỗ Bích Thu (quận 10, TPHCM).
|
Ảnh minh họa. |
TS.BS Lê Thị Thu Hà, Phó khoa Sản A, Bệnh viện Từ Dũ TPHCM: Một trong những dấu hiệu chuyển dạ là ra nhớt hồng âm đạo. Nhớt hồng hay nút nhầy ở cổ tử cung bật ra khi cổ tử cung mở. Vì vậy, khi cổ tử cung của chị bạn mở 1cm, có ra nhớt hồng âm đạo nhưng sau đó trở lại bình thường được gọi là chuyển dạ giả.
Trường hợp chuyển dạ giả, nghĩa là có dấu hiệu giống như chuyển dạ, nhưng khác với chuyển dạ thực sự là trong trường hợp chuyển dạ giả, cơn gò tử cung không có hoặc nhẹ, không tăng dần về cường độ và tần số, vì vậy không có sự tiến triển xóa mở của cổ tử cung. Sau thời gian theo dõi qua nhiều giờ, cổ tử cung và ngôi thai vẫn không thay đổi.
Trường hợp của chị bạn như thai chưa đến ngày dự sinh và ối còn nên được cho xuất viện và khám thai lại sau 7 ngày. Trong thời gian theo dõi tại nhà, nếu có đau bụng, ra nước hoặc thai máy yếu là phải vào bệnh viện ngay. Không có sự liên quan giữa chuyển dạ giả và nhau bong non.