Chuyện chưa kể về 10 thiếu nữ hi sinh ở "Đồng Lộc thứ 2"

Google News

(Kiến Thức) - Lam Hạ, một Đồng Lộc thứ 2 của Việt Nam với 10 cô gái anh hùng đã ngã xuống giữa bão lửa bom đạn.

48 năm nhìn lại
Ông Trịnh Xuân Lành, Phó Chủ tịch UBND xã Lam Hạ (Phủ Lý, Hà Nam) cho biết: "Lam Hạ được ví như Đồng Lộc thứ 2 của Việt Nam. Cũng với 10 cô gái hy sinh, tuổi đời của họ đều rất trẻ, chỉ từ 16 - 20 mà thôi. Có chị mới chỉ làm lễ xuất đội được 2 ngày đã ngã xuống giữa trận mạc".
Ở Lam Hạ bây giờ, 10 cô gái anh hùng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng rực sáng trong lòng người dân. Quá khứ đã qua đi, đau khổ cũng đã vơi bớt phần nào nhưng còn lại đó niềm tự hào về một thời bom đạn. Trận địa pháo Lam Hạ năm xưa là tuyến phòng thủ vô cùng quan trọng, giữ cho giao thông thông xuất bởi cây cầu Sắt bắc ngang sông Châu và một ga tàu lửa ở giữa thị xã Phủ Lý. 
Biết đây là vị trí chiến lược, đế quốc Mỹ dồn dập rải bom suốt đêm ngày hòng cắt đứt con đường chiến lược của ta. Nhưng những "con chim sắt" gầm rú khát máu kia không thể lại gần bởi trận địa uy dũng của Lam Hạ với những đạn pháo phòng không cứ vút lên, vít cổ những siêu điện tử Hoa Kỳ. 
 Hình ảnh hiếm hoi về các cô gái Lam Hạ thời chiến.
Nhà văn Lưu Quốc Hòa là người dân Lam Hạ, nhà ông ở ngay phía sau trận địa pháo năm xưa có 2 chị gái cùng tham gia trận đánh đó. Cũng tại trận này, chị thứ 2 của ông là Lưu Thị Mến may mắn chỉ bị thương và sống sót. Có thể nói đó là người duy nhất còn lại của khẩu đội 1, đại đội 6 pháo cao xạ của Tỉnh đội Nam Hà ngày ấy. 
Bà Nguyễn Thị Tình, 76 tuổi từng là Trung đội trưởng phụ trách thanh niên xung kích Lam Hạ cho biết: "Năm 1964 là hình thành dân quân du kích chiến đấu sát cánh cùng bộ đội chủ lực ở Lam Hạ. Những năm 1966 - 1967 là thời gian bom Mỹ rải ác liệt nhất. Đó cũng là thời gian 10 cô gái Lam Hạ ngã xuống giữa trận địa pháo với bao nhiêu huyền thoại mà ngày nay nhiều người còn nhớ đến".
10 cô gái Lam Hạ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. 
10 bông hoa thắm
Ngày nay, tượng đài 10 cô gái anh hùng Lam Hạ đã trở thành nổi tiếng. Nhưng ít ai biết được chuyện đời, chuyện chiến đấu gan góc như thế nào của những bông hoa thắm mới chỉ ở lứa đuổi 16 - 20. Trong số đó, có cô mới lấy chồng. Lại có cô chưa bao giờ yêu ai, có cô mới chỉ xuất đội được 2 ngày.
10 cô gái như tên của 10 bông hoa thơm: Thu - Thi - Tâm - Tuyết - Lan - Phương - Thuận - Thẹp - Chung - Oánh. Nhiều người bảo, tên các cô có vần có điệu như thể sinh ra trong cùng một nhà, được cùng cha mẹ đặt tên. Nhưng đó chỉ là sự liên tưởng, còn thực sự họ chỉ là người cùng làng, cùng sát vai chiến đấu chung một chiến hào.
Trong đó, cô Nguyễn Thị Thi là trẻ nhất, mới 16 tuổi. Khi cô Thi mới xuất đội có xin bố mẹ cho gia nhập dân quân du kích. Cô bảo: "Xin bố mẹ đừng lo lắng gì. Chúng con chiến đấu, dù có hy sinh, có ngã xuống thì để lại cho đất nước yên bình". Thế rồi cô bỏ qua tất cả những trò chơi của trẻ nhỏ để đi cùng người chị gái là Nguyễn Thị Thu. Hôm sau, ngày 1/10/1966 bom Mỹ dội xuống trận địa pháo Lam Hạ.
Đền thờ 10 cô gái Lam Hạ. 
Theo ông Nguyễn Văn Thăng, anh trai 2 liệt sĩ Thu - Thi: "Hôm ấy chúng dội bom liên tục. Sau trận bom đầu, hai em tôi bơi thuyền về nhà và bảo hôm nay sẽ còn dội bom tiếp. Mẹ tôi đưa cho mỗi cô một bắp ngô ăn cho đỡ đói nhưng hai em chưa kịp ăn đã chèo thuyền ra trận địa pháo. Lần dội bom thứ 2, hai em tôi hy sinh".
Trong trận dội bom hôm ấy, 6 cô gái Lam Hạ đã ngã xuống. Đám tang của các cô thật giản đơn, không vành khăn trắng, không một vòng hoa. Những tiếng khóc của mẹ mất con, em mất chị, bà mất cháu cứ rả rích như cơn mưa ngâu giữa những tiếng gầm rú của máy bay Mỹ đang oanh tạc trên bầu trời.
Đau thương chưa nguôi, thì vài tháng sau đế quốc Mỹ tiếp tục dội bom xuống trận địa pháo Lam Hạ hòng tiêu diệt đến người cuối cùng. 4 cô gái còn lại trong đội Quang Trung đã dũng mãnh chiến đấu với pháo 37 ly. Nhiều lúc, các cô chưa kịp ngụy trang, chưa kịp thay pháo đã phải dồn đạn bắn tiếp khiến nòng pháo đỏ rực như bễ lò rèn.
Nhưng một quả rocket đã nhắm trúng pháo của các cô mà lao xuống. Tiếng nổ lớn vang dậy cả góc trời hất văng các cô và khẩu pháo khỏi vị trí. Bà Nguyễn Thị Tình là trung đội trưởng phụ trách đã chứng kiến các cô hy sinh thế nào. Đến bây giờ, chưa lúc nào bà quên khoảnh khắc uy dũng ấy.
"Nếu không gan dạ thì không ai dám đứng giữa trận địa điều khiển pháo 37 ly. Lúc ấy, bom đạn trên máy bay vãi xuống như vỏ trấu và tôi nhìn vào ống kính mà còn cảm giác như có bom rơi trước mặt mình. 4 cô gái cuối cùng trong đội du kích Quang Trung đã hi sinh như thế".
Vỏ quả bom rơi xuống trận địa pháo Lam Hạ năm 1966. 
Lam Hạ anh hùng
Hiện nay, ở nghĩa trang liệt sĩ xã Lam Hạ, mộ của 10 cô gái anh hùng được đặt cạnh nhau. Trong đó, có mộ của hai vợ chồng liệt sĩ là anh Lê Văn Trắc và chị Lê Thị Oánh. Theo ông Nguyễn Phúc Hảo, Cán bộ Thương binh - Xã hội xã Lam Hạ: "Cô Oánh và anh Trắc mới chỉ lấy nhau được vài tháng đã phải chia ly. Anh Oánh tiếp tục ra chiến trường, cô Oánh ở lại hậu phương".
Dù biết mình đang bụng mang dạ chửa, nhưng cô Oánh vẫn xung phong ra trận địa pháo ngoài đầu làng. Biết tin vợ hy sinh, anh Trắc xin phép đơn vị về đưa tang vợ. Đám tang xong đâu đấy, cũng là lúc máy bay địch rà sát xuống trận địa pháo lần cuối. Anh Trắc vừa nghe tiếng máy bay gầm rú đã vác súng ra trận địa cùng bộ đội địa phương quyết trả thù cho vợ. Nhưng không ngờ, trong trận đó anh đã hy sinh.
Theo thống kê của ông Hảo, Lam Hạ có 145 liệt sĩ, 60 thương binh và 30 bệnh binh. Ngoài đền tưởng niệm các liệt sĩ tỉnh Hà Nam được xây dựng tại xã Lam Hạ, địa phương còn xây dựng đền thờ 10 cô gái anh hùng để ghi công những đóng góp xương máu vì quê hương thời còn tóc xanh, máu đỏ.
"Chiều 30/9/1966, chiếc máy bay trinh sát cường kích A4D bất ngờ lao qua và nghiêng cánh chụp ảnh cây cầu Sắt và các mục tiêu trong "tam giác lửa" Hà Nam. Tình báo phòng không của ta cũng dự báo trong những ngày tới địch sẽ oanh tạc các mục tiêu chiến lược dọc Quốc lộ 1A. Chúng tôi lúc ấy chuẩn bị đón lõng tầm cao có pháo 100 và pháo 57 ly, tầm trung có pháo 37 ly. Trận đó, dù hy sinh rất nhiều nhưng chúng ta đã bắn hạ 2 máy bay địch".
Bà Nguyễn Thị Tình (Trung đội trưởng phụ trách các chị em Lam Hạ)
"Cho đến nay, rất nhiều câu chuyện kể về sự hồn nhiên trong trắng của 10 cô gái Lam Hạ. Nhưng khi ra trận, dường như các cô không biết sợ, mà ngược lại rất dũng cảm, gan dạ. Sau khi 10 cô gái hi sinh, ở Lam Hạ nổi lên phong trào giết giặc cứu nước. Từ các cụ bạch đầu quân đến trẻ nhỏ đều xung phong ra trận".
Ông Trịnh Xuân Lành (Phó Chủ tịch UBND xã Lam Hạ)
Vân Hòa

Bình luận(0)