X-51 của Mỹ bay tuyến Hà Nội-HCM trong 15 phút

Google News

(Kiến Thức) - X-51 WaveRider là phương tiện bay thử nghiệm của Mỹ có khả năng đạt tốc độ vượt âm thanh Mach 6 (khoảng 6.400km/h).

Những năm 1990, Không quân Mỹ, Cơ quan nghiên cứu các dự án tiên tiến quốc phòng (DARPA), Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), tập đoàn Boeing và côngty phát triển động cơ hàng không Pratt & Whitney Rocketdyne đã hợp tác phát triển phương tiện bay thử nghiệm công nghệ siêu vượt âm (vượt qua, bỏ xa tốc độ của âm thanh).

Việc phát triển công nghệ này nhằm mục đích nghiên cứu sản xuất vũ khí vượt âm cho phép tấn công chính xác mọi điểm trên thế giới với tốc độ cao.

Ngày 26/5/2010, Mỹ đã tiến hành cuộc phóng thử phương tiện bay siêu vượt âm X-51 WaveRider lần đầu tiên. Vụ thử được cho là thành công tới 95% khi duy trì được tốc độ Mach 5 trong 3 phút.
Phương tiện bay X-51 WaveRider treo trên cánh máy bay B-52.

Phương tiện bay X-51 WaveRider có hình dáng như một quả tên lửa, dài chừng 7,62m, nặng 1,8 tấn. X-51 được thiết kế với 2 tầng động cơ gồm: động cơ khởi tốc và động cơ hành trình.

Trong đó, động cơ khởi tốc dùng nhiên liệu rắn cho phép X-51 sau khi rời bệ phóng đạt tới tốc độ Mach 4,5. Cháy hết nhiên liệu, động cơ này sẽ tách ra để động cơ phản lực tĩnh siêu âm Pratt & Whitney Rocketdyne SJY61 kích hoạt đưa X-51 đạt tốc độ gần Mach 6.

X-51 thường được bắn đi từ giá treo trên cánh máy bay ném bom khổng lồ B-52H.

Sau cuộc phóng năm 2010, nước Mỹ đã thực hiện tiếp 2 lần phóng vào năm 2011 và 2012, nhưng đều thất bị do trục trặc kỹ thuật. Cuối cùng, bằng sự chuẩn bị kỹ càng hơn, ngày 1/5/2013, người Mỹ đã phóng thử thành công X-51 WaveRider.

Trong cuộc thử diễn ra trên Thái Bình Dương, X-51 được phóng từ chiếc B-52 ở trần bay 15.200m. Quá trình bay của X-51 kéo dài tới 6 phút, nó đã đạt được tốc độ Mach 5,1 (khoảng 6.100km/h). Sau khi vượt quãng đường 426km, X-51 đã tự hủy trên biển.

Đây được xem là chuyến bay dài nhất trong số các cuộc thử phương tiện bay siêu vượt âm. Không quân Mỹ đánh giá rằng cuộc thử đã “thành công mỹ mãn”.

Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng trong tham vọng của người Mỹ vươn tới việc chế tạo tên lửa siêu vượt âm có khả năng tấn công chính xác mọi mục tiêu trên thế giới, trong thời gian ngắn.

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Văn Biên

Bình luận(0)