Tâm sự của bác sĩ phẫu thuật ung thư tiền liệt tuyến

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều người quan niệm “Ung thư là không đụng dao kéo”, nhưng ung thư tiền liệt tuyến khi cần điều trị tận gốc đôi khi phải cần đến phẫu thuật, đặc biệt khó hơn bởi bệnh nhân phần nhiều là “lão nam”.

Báo điện tử Kiến Thức có cuộc trò chuyện với TS.BS Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng khoa Tiết Niệu, Bệnh viện FV TP.HCM - một trong những phẫu thuật viên nhiều năm căn bệnh này.
- Làm thế nào để BS thông báo cho bệnh nhân biết họ mắc bệnh ung thư?
Đúng là người dân mình rất nhạy cảm khi không may bị bệnh, nhất là bệnh ung thư. Cái căn bệnh nghe là muốn ngất xỉu. Bởi vậy, người dân mình khi nghe thấy bệnh ung thư thì giống như là một bản án tử hình. Vì thế, BS cũng phải tùy từng loại bệnh ung thư mà có cách thông báo cho bệnh nhân và gia đình. Theo tôi bằng cách nhẹ nhàng và chia sẻ BS nên trao đổi trước với người nhà sau đó đến BN về chẩn đoán và hướng điều trị, động viên họ hãy nỗ lực và hy vọng và hợp tác với BS! Thông thường nên truyền đạt thông tin cho người bệnh như thế nào để bệnh nhân không bị sốc.

TS.BS Nguyễn Ngọc Tiến – Trưởng khoa Tiết Niệu, Bệnh viện FV đang phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến. Đó là 1 trong những ca phẫu thuật ung thư đầu tiên của BV FV năm 2003.

- Cách để bệnh nhân không bị sốc là cách gì vậy, thưa BS?
Một cách dễ hiểu là không nói thẳng “bác bị bệnh ung thư” mà uyển chuyển giải thích bệnh ung thư bằng những từ ngữ thông thường dễ hiểu để bệnh nhân nghe và hiểu về bệnh của mình. Để tránh tình trạng bệnh nhân bi quan, thất vọng và suy sụp tinh thần, làm sao để họ hiểu rõ và hợp tác điều trị. Nếu bệnh nhân hợp tác tốt thì bệnh ở giai đoạn sớm sẽ có thể chữa khỏi hoặc cải thiện được bệnh khi ở giai đoạn muộn.
Thí dụ một cụ già bị ung thư tiền liệt tuyến. Sau khi đã thảo luận với người nhà, biết là bệnh nhân rất sợ bị bệnh ung thư. Nên tôi đã nói với bệnh nhân rằng tiền liệt tuyến của bác bị phì đại, trong đó có một số tế bào chuyển dạng hơi bất thường và có khuynh hướng mọc rễ, cách điều trị là phải ngăn chặn tế bào bất thường này phát triển và mọc rễ nữa. Sau đó, thấy bệnh nhân an tâm hơn không còn lo lắng và đồng ý hợp tác với BS điều trị theo đúng kế hoạch vạch ra cho BN.
- Phẫu thuật cho bệnh nhân bị ung thư tiền liệt tuyến có gì khác so với những phẫu thuật về tiết niệu?
Tại BV FV tất cả các trường hợp ung thư đều được thảo luận trong cuộc họp đa chuyên khoa ung thư để lên kế hoạch điều trị cho từng bệnh nhân: Có thể hóa trị hoặc là xạ trị trước khi tiến hành phẫu thuật tận gốc. Hoặc là phẫu thuật trước rồi hóa trị, xạ trị bổ sung.
Tiền liệt tuyến là cơ quan tiết ra tinh dịch là cơ quan chứa và vận chuyển tinh trùng. Nằm sau tiền liệt tuyến có túi tinh để chứa tinh dịch sau mỗi khi xuất tinh, ngoài nằm sau tiền liệt tuyến còn có thần kinh cương. Do đó, phẫu thuật cắt bỏ toàn phần tiền liệt bị ung thư là phải lấy đi toàn bộ tiền liệt tuyến, vỏ bọc tiền liệt tuyến và 2 túi tinh thành 1 khối. Như vậy thì sau khi phẫu thuật tiền liêt tuyến bệnh nhân không còn khả năng phóng tinh hoặc đôi khi bệnh nhân mất hẳn chức năng cương (hay còn gọi là bất lực).
Tuy nhiên, trong phẫu thuật tùy từng BN ung thư tiền liệt tuyến, BS cố gắng phẫu thuật bảo vệ tối đa thần kinh cương để bảo vệ chức năng sinh dục cho người đàn ông, duy trì hạnh phúc gia đình đặc biệt những bệnh nhân còn trẻ.
- Các khó khăn nhất khi phẫu thuật cho các bệnh nhân lớn tuổi này là gì?
Phẫu thuật ung thư nói chung đã là khó cho dù đó là loại ung thư gì. Ung thư tiền liệt tuyến lại xảy ra ở BN lớn tuối thường đi kèm những bệnh mạn tính khác của người già như bệnh tim mạch, hô hấp, bệnh toàn thân khác (tiểu đường, cao HA). Do đó, ngoài nguy cơ của phẫu thuật ung thư còn có các nguy cơ của bệnh lý đi kèm. Nên trước khi phẫu thuật cho những bệnh nhân này, BS cân nhắc rất kỹ và hội chẩn với các chuyên khoa khác để tìm ra các phương án tối ưu nhất cho bệnh nhân. Đôi khi, một số bệnh nhân không phẫu thuật ngay được vì các bệnh lý nội khoa đi kèm, trong khi đó thì bệnh ung thư diễn tiến từng ngày cũng làm ảnh hưởng một phần đến bệnh nhân. Nên phải chọn giải pháp nào đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh. Ngoài ra, theo dõi sau mổ những BN này cũng phải chặt chẽ hơn nhiều so với phẫu thuật những bệnh lý thông thường khác.

TS.BS Nguyễn Ngọc Tiến – Trưởng khoa Tiết Niệu, Bệnh viện FV đang hội chẩn với các đồng nghiệp trước khi quyết định hướng điều trị cho bệnh nhân.

- Là BS có thâm niên trong nghề, BS nhìn nhận vấn đề phối hợp của liên chuyên khoa trong phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư như thế nào, đặc biệt là Trung tâm Hy Vọng?
Phối hợp liên chuyên khoa là một khâu hết sức quan trọng cho quyết định cũng như kết quả điều trị cho bệnh nhân ung thư. Nhiều bộ óc vẫn hơn 1 cái đầu! Các ý kiến chuyên khoa của các bác sĩ khác như hình ảnh học, đồng vị phóng xạ, tim mạch, nội soi, giải phẫu bệnh học đặc biệt quan trọng để đưa ra hướng điều trị tốt nhât cho bệnh nhân. Bệnh viện FV TP.HCM là một trong những bệnh viện luôn tôn trọng nguyên tắc bắt buộc này theo quy trình chuẩn về điều trị ung thư trên thế giới: tất cả trường hợp ung thư là phải được hội chẩn liên chuyên khoa về ung thư và kết luận của hội đồng sẽ là quyết định cho hướng điều trị cho bệnh nhân để đạt kết quả tốt nhất.
- Vậy có ca phẫu thuật nào cho bác sĩ khó quên?
Trong đời làm phẫu thuật của tôi hay của bất kỳ phẫu thuật viên nào cũng cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy BN được khỏe mạnh sau phẫu thuật. Sau khi khối ung thư đã được cắt bỏ tận gố bệnh nhân được lành bệnh trở về với gia đình, với công việc và xã hội để được sống như những người bình thường khác.
Một bệnh nhân bị ung thư tinh hoàn khi đến Bệnh viện FV bệnh nhân đã bị di hạch rất nhiều trong ổ bụng, thậm chí hạch quanh các mạch máu lớn trong cơ thể. Hội chẩn liên chuyên khoa đã quyết định tiến hành nạo hết các hạch trong ổ bụng và vùng bẹn nơi tinh hoàn bị ung thư. Bệnh nhân được hóa trị và xạ trị bổ sung tại Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng, Bệnh viện FV với kết quả bệnh nhân đã khỏe và ổn định gần 10 năm nay.
Hương Giang

Bình luận(0)