Ba nhân tố tác động đến trật tự Đông Á

Google News

(Kiến Thức) - Trung Quốc nổi lên, chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ và chủ nghĩa dân tộc ngóc đầu dậy dậy…là nhân tố tác động đến trật tự Đông Á tương lai.

 Sóng gió nổi lên ở vùng biển Senkaku/Điếu Ngư.

Theo Financial Times số ra ngày 2/5, chiến tranh hay hòa bình ở Đông Á có lẽ sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng hợp tác hay xung đột giữa các nhân tố kể trên, khi vùng giao thoa ngày càng rộng với những lợi ích ràng buộc đan xen. Không thể phủ nhận một thực tế rằng càng phát triển về kinh tế bao nhiêu, Đông Á càng bộc lộ những nguy cơ bất ổn bấy nhiêu.

Điều lạ lùng là mối đe dọa từ Triều Tiên lại "nóng" trên các phương tiện truyền thông quốc tế, chứ không phải ở Seoul vốn nằm trong tầm pháo kích của Bình Nhưỡng. Tuy vậy, theo đánh giá của giới phân tích, Kim Jong-un khó đoán định hơn cha và ông nội. Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra nếu Triều Tiên lắp đầu đạn hạt nhân vào tên lửa và sẵn sàng khai hỏa. Mối lo về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên làm đau đầu giới chức Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và cả Trung Quốc. Cho đến thời điểm này, Bắc Kinh đã quyết định phải chung sống với một Triều Tiên dưới thời Kim Jong-un, hơn là tính đến phương án chế độ chính trị ở Bình Nhưỡng sụp đổ và thống nhất hai miền.

Quá trình điều chỉnh chính sách của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng vô hình trung đã tạo cơ hội cho Lầu Năm Góc hiện diện quân sự ở sát biên giới Trung Quốc. Triều Tiên đã giúp  Mỹ thực hiện những bước đi cụ thể của chiến lược "tái cân bằng" ở Đông Á. Một cấu trúc mới đang hình thành và Mỹ muốn chứng tỏ không phải là “người ngoài cuộc” như Trung Quốc từng tuyên bố. Trong khi đó, ban lãnh đạo ở Bắc Kinh vẫn thích thú với khái niệm "trỗi dậy hòa bình". Thế nhưng, việc Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng và lựa chọn cách tiếp cận hiếu chiến trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Biển Hoa Đông... lại là câu chuyện hoàn toàn khác.Người ta  hoài nghi về tham vọng của Bắc Kinh và đặt câu hỏi: Phải chăng Trung Quốc muốn thiết lập trật tự riêng ở cái gọi là "sân sau" của mình?

Bá chủ khu vực là cái đích mà mỗi cường quốc thường nhắm tới. Học thuyết Monroe từng xác định Mỹ phải chiếm vị trí độc tôn ở Tây bán cầu. Ở Đông Á, chính sách của Bắc Kinh không chỉ khiến các nước láng giềng phải đề phòng mà còn "góp phần" phục hưng chủ nghĩa dân tộc. Thực tế này có nguy cơ đẩy tranh chấp biển đảo đến bờ vực của xung đột. Để đối phó với một Trung Quốc nhiều tham vọng, các nước trong khu vực sẽ phải tìm cách tăng cường tiềm lực quốc phòng, mở rộng hợp tác và lôi kéo sự can dự của những nước bên ngoài... Như vậy, trật tự Đông Á sẽ thay đổi khi các cực vận động tối đa.

Ở Seoul, mối lo Bình Nhưỡng là cái cớ để giới quan chức Hàn Quốc gợi ý Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên bán đảo Triều Tiên. Họ còn đặt câu hỏi: Triều Tiên có thể phát triển vũ khí hạt nhân, tại sao Hàn Quốc lại không? Còn ở Nhật Bản, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang phải đối mặt với sức ép của chủ nghĩa dân tộc. Việc các bộ trưởng trong nội các Nhật thỉnh thoảng đến thăm đền Yasukuni thờ cả tội phạm chiến tranh khiến căng thẳng với Trung Quốc và Hàn Quốc leo thang. Rõ ràng, câu chuyện lịch sử lại mang tính thời sự, gắn chặt với tranh chấp chủ quyền Nhật-Trung ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, Nhật-Hàn ở quần đảo Takeshima/Dokdo. Trong bối cảnh này, điều mà chính quyền Obama lo ngại nhất là người Nhật coi Mỹ là “cái ô an ninh” để họ đối đầu với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông.

Nói tóm lại, bức tranh toàn cảnh Đông Á được pha trộn bởi những gam màu “nóng” – với  một Trung Quốc quyết đoán hơn, một Nhật Bản đang tìm lại vị thế nước lớn và một nước Mỹ khăng khăng là một phần của châu Á-Thái Bình Dương. Đó là chưa kể tranh chấp chủ quyền ngoài biển và tranh cãi về quá khứ lịch sử... Trật tự Đông Á sẽ ra sao nếu các nước bị phân cực không thể tìm được tiếng nói chung để dung hòa lợi ích và hợp tác với nhau?

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Lê Chân (theo Financial Times)

Bình luận(0)