Văn sĩ trở thành hoa hậu
Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam là bà Công Thị Nghĩa sinh năm 1932, quê gốc tại Hà Nội. Học xong bậc tiểu học, bà theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống để thuận lợi cho công việc của thân phụ bà.Ngay từ thời con gái, bà đã đam mê viết văn, viết báo (lấy bút hiệu là Thu Trang). Đặc biệt là nghiên cứu về sử học (sau này, bà là tiến sĩ sử học, hiện định cư tại Pháp).
Năm 1955, cuộc thi Hoa hậu Sài Gòn lần đầu tiên được tổ chức ở Sài Gòn, tại rạp chiếu bóng Lido. Khi đó Thu Trang Công Thị Nghĩa là ký giả, được tòa soạn cử đi làm tin về cuộc thi.
Thời đó, do còn nặng tư tưởng cũ, lại là cuộc thi sắc đẹp đầu tiên được tổ chức nên không khí hưởng ứng cuộc thi không sôi nổi và hào hứng như bây giờ. Không có các vòng sơ khảo từ cơ sở, các cuộc thi từng khu vực.
Nhiều cô gái trẻ đẹp e ngại tham gia cuộc thi vì sợ bị dị nghị. Chính vì thế số lượng thí sinh tham gia cuộc thi rất ít ỏi. Năm đó khi Thu Trang xuất hiện để đưa tin về cuộc thi, BTC cuộc thi lập tức để ý ngay đến nhan sắc duyên dáng của bà và đề nghị bà tham gia.
|
Với con trai Tống Ngọc Vân Tiên. |
Được sự ủng hộ nhiệt tình của bạn bè, cộng thêm chút hiếu kỳ của tuổi trẻ và sự tự tin của một nữ ký giả năng động, bà đã đăng ký tham gia cuộc thi Hoa hậu năm đó và vượt qua 30 thí sinh khác để đăng quang ngôi vị Hoa hậu.
Hoa hậu Công Thị Nghĩa chỉ cao 1.61m, số đo ba vòng 86-62-88 và nặng 53 kg. Á hậu 2 là Ngô Yên Thu, sinh viên ĐH Cần Thơ.
Phần thưởng cho danh hiệu Hoa hậu mà bà sở hữu là một chiếc môtô hiệu Lambretta, kiềng vàng, nước hoa và nhiều loại mỹ phẩm danh tiếng khác.
Là nguồn cảm xúc cho thi sĩ
|
Ngay khi tuổi cao, bà vẫn giữ nét đẹp mặn mà. |
Giới văn nghệ sĩ ở Sài Gòn đoán chắc rằng câu thơ đầy lạ lùng và nổi tiếng của Bùi Giáng là "Còn hai con mắt, khóc người một con" chính là viết cho riêng bà. "Khóc người một con", tức là thương cảm cho người phụ nữ có một con. Chứ không liên quan gì đến chuyện… nhãn cầu. Tất nhiên, với chữ nghĩa của một thi sĩ như Bùi Giáng, thì ai suy nghĩ sao… cũng được.
Ngoài việc bà là "tác nhân chính" cho câu thơ trên của Bùi Giáng, thì thi sĩ Bùi Giáng còn viết nhiều bài thơ khác cho bà, có bài công bố, có bài không công bố. Trong tập "Mưa nguồn" của thi sĩ Bùi Giáng, in năm 1962, ông có viết tặng bà như sau: "Không biết nữa trời tròn hay méo/ Chỉ hôm nay là nhan sắc hôm nay/ Anh ngó lên trời mây gió gửi nhau bay/ Trời bên kia/ Nhan sắc ở bên này".
Họa sĩ Bửu Ý, có công bố bài thơ do họa sĩ chép lại mà thi sĩ Bùi Giáng làm riêng cho bà với tựa đề chính là Thu Trang, với những câu thấm đẫm tình cảm tuyệt vọng lẫn hờn trách, "Trang của tờ giấy cũ/ Của vầng tóc ban đầu/ Trang của hồi vàng tụ/ Về mệt mỏi mai sau/ Anh nhớ em vô cùng/ Đất sầu không xiết kể/ Anh kêu gọi mông lung/ Trang ồ, Trang rất tệ".