Ngay sau khi du học Pháp trở về Việt Nam, cái tên Đỗ Mạnh Cường đã được "bắn thẳng" lên hàng ngôi sao của giới thời trang. 5 năm sau, với 2 show thời trang chấn động "The Muse - Nàng thơ" và "Khu vườn - Le Jardin", Đỗ Mạnh Cường chính thức bước lên ngai "Ông hoàng thời trang Việt".
Đến Giorgio Armani, Versace còn chết nữa là Đỗ Mạnh Cường
Xét ở góc độ cá nhân, anh lí giải thế nào về "hiện tượng Đỗ Mạnh Cường"?
Tài năng của tôi có muốn cũng không phủ nhận được nữa! Ngoài ra, cái nhà thiết kế thời trang cần không phải là tiền, mà là rất nhiều tiền. Muốn có tiền phải kinh doanh tốt. Thêm một điều nữa, bên cạnh tôi có sự đồng hành của rất nhiều thương hiệu uy tín.
|
Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường
|
Và cả sự hậu thuẫn đến kinh ngạc của hệ thống truyền thông?
Chính xác! Tôi quan niệm, một người giỏi không hiểu được giá trị của truyền thông, của việc xây dựng và bảo vệ hình ảnh sẽ rất khó thành công. Tại sao các thương hiệu lớn trên thế giới đều phải chi rất nhiều tiền cho quảng cáo, mặc dù đã nổi tiếng? Đơn giản vì họ hiểu sức ảnh hưởng của truyền thông. Tôi từng nghe những lời bàn tán "Đỗ Mạnh Cường suốt ngày xuất hiện trên truyền thông, suốt ngày tiệc tùng. Nhà thiết kế thì lo làm thiết kế đi, chỉ giỏi PR thôi". Họ không hiểu giỏi PR là hơn người khác rồi. Chính truyền thông đã tạo nên giá trị của tôi ngày hôm nay.
Nhưng chơi với truyền thông là cuộc chơi đầy rủi ro. Hôm nay họ đối xử với anh như ông hoàng, nhưng ngày mai có thể cho anh hiểu thế nào là "đắng cay", anh có nghĩ vậy không?
Đừng quên, tôi đi lên bằng tài năng chứ không phải scandal. Còn nếu có lỗi, mình phải chịu trách nhiệm, và truyền thông hạ bệ cũng phải chấp nhận, vì đó là lỗi của mình. Giống như hôm nay John Galliano là đế vương của Dior, nhưng chỉ lỡ miệng nói "I love Hitler", với sự quay lưng của truyền thông, ngay lập tức John phải nói lời tạm biệt ngai Giám đốc Sáng tạo Dior và biến mất khỏi thời trang Paris.
Bản thân anh cũng đã mất quan hệ với một số tạp chí thời trang quyền lực. Có lo lắng không?
Xin lỗi, đó là sự từ chối của tôi. Tất cả là do họ không trân trọng tôi, và coi thường cống hiến của tôi. Tôi chưa bao giờ là người không biết điều và sống bạc bẽo. Giờ thì tôi xin tài trợ tốt hơn, làm show tốt hơn, PR hình ảnh tốt hơn, mà không cần đến họ. Đừng nghĩ tôi có thể chết, nếu không có những "tạp chí thời trang quyền lực" kia.
|
Linh Nga
|
|
...và Lê Thúy được coi là "nàng thơ" của Đỗ Mạnh Cường
|
Nhắc đến anh là nhắc đến thành công, vinh quang, may mắn. Khi đang ở đỉnh cao, anh có đủ sâu sắc để nghĩ thời của mình rồi sẽ đi qua và "Buổi hoàng hôn của thần tượng" rồi cũng tới?
Đến Giorgio Armani, Versace còn chết nữa là Đỗ Mạnh Cường! Đó là chuyện rất bình thường trong thời trang và nghệ thuật. Tôi đã và đang làm điều quan trọng nhất: Vào thời điểm này không ai vượt qua được mình, chứ tôi không quan tâm tương lai về sau. Vì tôi biết tương lai đó như thế nào. Tôi biết mình sẽ phải nghỉ ngơi và phải nhường cho lớp trẻ hơn, giỏi hơn làm điều hơn mình. Đó cũng là điều đáng mừng cho thời trang.
Tôi tham vọng chứ không háo thắng
Vì đang ở đỉnh cao, đang được tung hô, nên xem ra anh khá... háo thắng?
Tôi tham vọng nhưng không háo thắng. Từ khi ra trường, tôi đã mơ về những show chuyên nghiệp như từng thấy ở Paris. Và bây giờ tôi đã làm được. Những người coi show ở Paris, đến show của tôi đã thốt lên: "Tôi đang được đứng ở Paris, Milan!". Dĩ nhiên, tôi sẽ còn tham vọng nhiều hơn nữa!
Thành công quá sớm, quá dễ dàng, điều đó có khiến anh trở thành kẻ ngạo mạn?
Nói đúng về bản chất con người và sự việc là ngạo mạn? Thời trang không thể chậm chạp. Tại sao có những người 10 năm vẫn không thành công được như tôi? Không lẽ thời trang phải đợi đến 10 năm mới có thể thành công? Tôi đã mất quá nhiều thời gian ở Paris, bao nhiêu kinh nghiệm đã học được, nên có thể suy nghĩ của tôi không giống người khác!
Bảy năm học và sống ở Paris có đủ cho giấc mơ trở lại Paris? Hay anh an phận ông hoàng trong "ngôi làng" thời trang Việt?
Thà là ông hoàng của đất nước 80 triệu dân còn hơn là hạt cát giữa Paris! Nhiều người hỏi tuần lễ Paris, New York có ý nghĩa với tôi không? Chẳng có ý nghĩa gì hết! Tôi không quan tâm! Tôi có thể đảm bảo số tiền mình kiếm được ở Việt Nam bằng lương tháng của John Galliano! Cuộc sống ổn định và tôi hài lòng với những gì đang có tại đây, thì chẳng lí do gì tôi phải ra đi.
|
Một mẫu trong BTS mùa hè của Đỗ Mạnh Cường.
|
Nhưng anh là người tham vọng?
Tôi tham vọng nhưng không viễn vông. Tôi biết mình làm được gì và không làm được gì, chứ không phải làm được mọi thứ. Rất trân trọng giá trị châu Âu mang lại, nhưng tôi không phải người sính ngoại..
Cảm ơn "người bạn Pháp" hào phóng và văn minh của tôi
Nội giới bàn tán anh quá may mắn khi có người quản lí có tài ngoại giao, giữa thời buổi khó khăn nhưng vẫn "để lọt lưới" không ít nhà tài trợ?, đặc biệt là "đại gia" Martell và Piaggio?
Không phủ nhận tài ngoại giao và mối quan hệ của người quản lí, nhưng anh ấy giỏi đến mấy cũng không thể xin tài trợ cho nhà thiết kế vô danh. Thương hiệu bỏ ra rất nhiều tiền, và cái họ thu về là hình ảnh, sức ảnh hưởng. Rõ ràng những gì họ thấy đủ sức tin tưởng để tiếp tục làm việc với tôi.
Anh học tại Pháp và nhà tài trợ chính cũng đến từ Pháp. Vậy cuộc bắt tay này mang giá trị thương mại đơn thuần, hay còn vì cuộc gặp gỡ giữa "hai tâm hồn, một phong cách"?
Điểm chung giữa tôi và nhà tài trợ là văn hóa Pháp. Thật ra, ban đầu họ không tránh khỏi lo lắng về sự mạo hiểm, vì chưa biết tôi làm show riêng sẽ như thế nào. Nhưng sau "The Muse", chính đại diện Martell Pháp nói họ không ngờ Việt Nam lại có thể làm được show kinh khủng như vậy, và họ rất vui lòng tài trợ cho những show tiếp theo của tôi!
Theo anh, điều gì đã giúp cái tên Đỗ Mạnh Cường ghi điểm với thương hiệu nổi tiếng nước Pháp này?
Sự tinh tế, thanh lịch trong thời trang của tôi. Đó cũng là phong cách và giá trị của thương hiệu.
Có những cái bắt tay "truyền lửa", nhưng cũng có những cái bắt tay rất khó chịu. Trong thời buổi "đồng tiền đi liền khúc ruột", cái bắt tay giữa anh và nhà tài trợ đã diễn ra như thế nào?
Bạn đồng hành của tôi rất văn minh - sự văn minh đậm chất Pháp. Chúng ta đều biết, nhà tài trợ xuất hiện trong show diễn thường vì yếu tố thương mại, mà mục tiêu cụ thể là quảng bá hình ảnh. Nhưng điều đó đã trở thành thứ yếu, khi bạn đồng hành hỗ trợ tôi hết mình để làm sao yếu tố nghệ thuật đạt hiệu quả cao nhất. Họ hoàn toàn không chi phối sự sáng tạo của tôi. Tôi nghĩ, sự văn minh đó không dễ gì có được, nên điều cuối cùng tôi vẫn muốn nói: Rất cảm người "người bạn Pháp" hào phóng và văn minh của tôi!
Cùng ngắm BST mùa hè 2013 của Đỗ Mạnh Cường
|
Nguồn ảnh: Yan TV
|