Theo thông tin từ gia đình, giáo sư - tiến sỹ - nghệ sĩ nhân dân Đình Quang qua đời vào rạng sáng nay (13/7) tại Đà Nẵng.
Nghệ sĩ nhân dân Đình Quang tên đầy đủ là Nguyễn Đình Quang. Ông sinh ngày 16/7/1928 tại Hà Nội.
NSND Đình Quang là cây đại thụ của nền sân khấu Việt Nam. Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, ông được nhắc tới không chỉ là một đạo diễn “lão làng” mà còn là một nhà viết kịch tài hoa, một nhà nghiên cứu lý luận sân khấu uyên thâm.
|
Nhân dịp Tết cổ truyền Ất Mùi, chiều 14/2/2015, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm, chúc Tết nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Đình Quang. (Ảnh: An Đăng/TTXVN) |
Ông bắt đầu con đường nghệ thuật của mình từ kháng chiến chống Pháp với vai trò diễn viên. Sau đó, ông giữ chức Trưởng đoàn kịch trung đoàn 77, Trưởng đoàn văn công Sư 325 tại mặt trận Bình Trị Thiên. Cũng trong thời gian này, ông đã viết nhiều vở kịch như: “Người anh” (1947), “Bên kia” (1949), “Lối vườn hoa” (1950), “Hạt vàng” (1951)…
Kháng chiến kết thúc, ông được cử sang học đạo diễn tại Học viện Hý kịch Trung ương Bắc Kinh (Trung Quốc) và Đại học Humboldt (Đức). Trong thời gian này, ông cũng đã dàn dựng nhiều vở diễn ở nước bạn như: “Cờ hồng phấp phới,” “Liệt hỏa hồng tâm,” “Gia đình cách mạng,” “Đông qua Xuân đến”...
Sau khi về nước, ông đã trở thành một trong nghệ sĩ thuộc thế hệ đạo diễn sân khấu đầu tiên của Việt Nam. Ông cũng là người đầu tiên giới thiệu phương pháp sân khấu Stanislavski và Bertolt Brecht vào Việt Nam.
Nhiều học trò của ông đã trở thành những đạo diễn, diễn viên nổi tiếng như nghệ sĩ nhân dân Trọng Khôi, nghệ sĩ nhân dân Doãn Hoàng Giang, nghệ sĩ ưu tú Minh Ngọc...
Những vở diễn của NSND Đình Quang gồm: “Đại đội trưởng của tôi” (Đào Hồng Cẩm), “Bệnh sỹ” (Lưu Quang Vũ), “Tàn đêm” (Tất Đạt), “Tuổi hai mươi” (Lưu Trọng Lư) và “Người tốt thành Tứ Xuyên” (Bertolt Brecht)...
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Đình Quang. (Ảnh: TTXVN) |
Nghệ sĩ nhân dân Đình Quang còn có những đóng góp lớn trong công tác phê bình-lý luận sân khấu nói riêng và văn hóa nói chung với hàng chục tựa sách: “Mấy vấn đề về nghệ thuật biểu diễn,” “Kỹ thuật tâm lý diễn viên,” “Phương pháp sân khấu Bertolt Brecht,” “Văn học nghệ thuật Thăng Long-Hà Nội: Quá khứ và hiện tại”…
Bên cạnh đó, ông là một nhà quản lý. Đạo diễn “Người tốt thành Tứ Xuyên” là một trong những người sáng lập và là hiệu trưởng của Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam (trước là Trường Ca kịch Dân tộc, bây giờ là Đại học Sân khấu Điện ảnh). Trong thời gian từ năm 1984-1993, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin.
Với những đóng góp to lớn của mình, ông đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 3 (2007).