Mới đây, trong tập 6 phần Song đấu của chương trình hài Đấu trường tiếu lâm đội HLV Trấn Thành có cặp song đấu là Thúc Lĩnh Lincoln và Lê Thị Dần. Tuy nhiên, do thí sinh Thúc Lĩnh bất ngờ bỏ thi vào phút chót nên chị Dần phải độc diễn với một bạn diễn phụ trợ chỉ có nhiệm vụ tung hứng chứ không thi thố.
|
Các tiểu phẩm hài với những ngôn ngữ có phầm nhảm và ngày càng dung tục đang chiếm lĩnh sân khấu và truyền hình. Ảnh thí sinh Lê Thị Dần trong chương trình Đấu trường tiếu lâm. (Ảnh: BTC) |
Xuất hiện trên sân khấu với diện mạo trẻ trung, Lê Thị Dần hóa thân thành một cô gái muộn chồng đang đi Miếu Ông Khỉ cầu duyên. Tại đây, Lê Thị Dần gặp một cô gái xấu “ma chê quỷ hờn” cũng lâm vào tình trạng tương tự. Màn đối đáp tung hứng giữa hai bên đôi lúc khiến khán giả khó chịu vì nội dung có phần nhảm. Trong khi đó, lời thoại của các nhân vật cũng không được chau chuốt dù đã được tập sẵn. Một số khán giả không hài lòng với những ngôn ngữ có phần quá dân dã, chợ búa của thí sinh như “Chết mẹ mày đi” hay “Em không tệ, nhưng em tởm”.
Khán giả Trịnh Phương (Hà Nội) nhận xét: “Vô duyên đến kệch cỡm. Hài bây giờ người ta văn minh lịch sự vẫn gây cười, nhưng chị lại đưa lên sân khấu nhưng lời thoại như “Chết mẹ mày đi”, “tởm”... Những lời thoại đó chỉ phù hợp với hội diễn văn nghệ quần chúng ở thôn ở bản thôi. Còn ở sân chơi lớn với hàng triệu khán giả theo dõi như thế này không phù hợp”.
Thực tế, việc ngôn ngữ có phần dung tục trên các sân khấu kịch, chương trình hài hay các vở diễn đã không quá xa lạ với khán giả. Rất nhiều nghệ sĩ vẫn hay dùng những ngôn ngữ này như một cách để chọc cười khán giả, hay nói văn chương hơn là “phù hợp với tuổi tác, bối cảnh của nhân vật”. Trong số đó, có nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Hoài Linh, Xuân Hinh, Tự Long, Quốc Anh…
|
Tự Long trong phim hài Không hề biết giận. |
Trong phim hài Không hề biết giận, Tự Long vào vai một phú ông hống hách, chuyên bắt nạt và chơi xỏ đầy tớ là Xuân Bắc. Những câu thoại như “Mả mẹ mày”, “mả cha mày” được sử dụng triệt để như một cách ăn nói đặc trưng của lão phú ông hách dịch. Có lẽ cách dùng từ này mới có thể phản ánh đúng thực tế, đúng bản chất nhân vật, nhưng nó vô tình lại khiến thẩm mỹ và văn hóa dùng từ bị kéo xuống.
Hoài Linh cũng là nghệ sĩ hay mang những từ ngữ dung tục ngoài đời sống lên sân khấu. Những câu nói như “Cái mả cha nhà mày”, “tiên sư bố nhà mày”… rất hay được danh hài sử dụng trên các sân khấu. Dĩ nhiên, “tục” có thể coi là một đặc trưng của hài miền nam. Đối với những khán giả quen xem hài miền nam dễ chấp nhận điều này. Nhưng với những khán giả khác, không ít người khó chịu với những ngôn ngữ không được chau chuốt và có phần “bậy bạ” này.
|
Chuyên thủ vai những người nông dân khổ cực nhưng cũng không kém "đanh đá", Hoài Linh rất hay sử dụng những ngôn ngữ có phần "tục". |
Trong một buổi họp báo cho liveshow của mình, danh hài Hoài Linh từng giải thích, từ xưa ông bà mình đã đúc kết những cái tục thanh thành những bài thơ hay, tuy tục nhưng nghe ra rất đời và rất thanh. Chọc cười khán giả vốn đã là việc khó và sẽ càng khó hơn nếu chỉ sử dụng những câu thoại bình thường.
Anh nói: “Trong ngôn ngữ Việt, những từ trong sáng, một nghĩa, dễ hiểu thì rất khó gây cười. Cho nên chỉ diễn những câu thoại thanh thanh thì khó chọc cười khán giả lắm. Ví dụ như tôi đóng vai một bà bán gà ngoài chợ, tôi phải sử dụng ngôn ngữ “chợ búa” và phải dữ dằn như một bà bán gà thứ thiệt mới ra được vai diễn. Tuy nhiên, cũng phải nói là mình dữ nhưng vẫn trong chừng mực”.
Ở đây, có thể hiểu các nghệ sĩ đã cố gắng hóa thân thành những nhân vật trong cuộc sống xã hội. Nhưng có nên vì vậy mà bê nguyên xi ngôn ngữ có phần không hay của đời sống thực lên trên truyền hình, lên sân khấu để diễn cho hàng nghìn người xem và hàng triệu khán giả?.
Truyền hình là nơi tuyên truyền văn hóa, nghệ sĩ là những người góp phần tuyên truyền và thúc đẩy văn hóa. Do đó, việc cân nhắc, chau chuốt lại ngôn từ và hành động của mình trước công chúng là cũng là điều nên làm.
>>> Video: Hoài Linh "khiếp đảm" với màn giả gái vạm vỡ của Phan Ngọc Luân: