Điều đáng nói, trong nghịch lý ấy, chính khán giả lại là đối tượng phải thưởng thức những màn “lố”, chiêu trò “câu view”, đánh tráo giá trị của truyền hình thực tế.
|
“Thần tượng Bolero 2017” từng là gameshow khiến khán giả gây nhiều tranh cãi. Ảnh: TL |
Khoe “trò lố” trước hàng triệu người!
Nếu như trước đây, vị trí giám khảo chủ yếu do bầu chọn, tín nhiệm dựa trên uy tín làm nghề của nghệ sĩ thì nhiều năm trở lại đây, vị trí ấy được mặc định như một “nghề” dễ nổi tiếng, “hái ra tiền”. Đến người chuyên tâm cống hiến trong lĩnh vực âm nhạc như nhạc sĩ Quốc Trung còn phải thẳng thắn thừa nhận: “Mấy chục năm làm nhạc tử tế của tôi chẳng giúp tôi được nhiều người biết đến như mấy tháng ngồi nói ghế nóng Vietnam Idol”. Thế nên, rất nhiều nghệ sĩ đã chọn cách “nổi tiếng” bằng con đường ngồi ghế giám khảo.
Đã có những nghệ sĩ làm giám khảo của chương trình truyền hình thực tế lớn tiết lộ, dù ở vai trò “cầm cân nảy mực” nhưng với đặc thù của gameshow, những “bộ tứ quyền lực” gần như không có “quyền lực” nào trong việc lựa chọn hay loại bỏ thí sinh mà thay vào đó họ phải cân bằng giữa cái tôi cá nhân với yêu cầu từ ban tổ chức. Yếu tố đầu tiên mà một gameshow hướng đến chính là “câu view”, thu hút khán giả. Thế nên, nhiệm vụ này khi “san sẻ” sang giám khảo thì rất nhiều người trong số họ bỗng trở thành “con rối” gây cười, tạo chiêu trò, phát ngôn sốc. Ngoài việc bình luận, cho điểm, giám khảo truyền hình thực tế còn có nhiệm vụ cao hơn đó là tạo kịch tính, thậm chí cả “scandal” cho chương trình.
Cách đây chưa lâu, khán giả đã phản ứng khi diễn viên hài Việt Hương nhận xét về chuyên môn âm nhạc với ca sĩ Siu Black trong chương trình “Sinh ra để tỏa sáng”. Sau lời “chê” của nhạc sĩ Vinh Sử với nghệ sĩ Hoài Linh, chính danh ca Phương Dung cũng đồng tình rằng, nhiều giám khảo đang “ngồi nhầm chỗ”. Thành tựu của các nghệ sĩ như: Ngọc Giàu, Hoài Linh ở lĩnh vực khác là không thể phủ nhận nhưng không vì thế sẽ phù hợp khi họ “đá chéo sân”. “Tôi có xem lại một số chương trình gameshow và thấy rằng có nhiều nghệ sĩ đã “lạc đường” khi chấm thi lĩnh vực mình không am hiểu. Dòng nhạc nào thì có giá trị của dòng nhạc đó. Chuyện thí sinh hát sai lời, sai nhạc mà giám khảo vẫn cho qua vì thiếu hiểu biết, với tôi đó là điều cấm kị”, nghệ sĩ Phương Dung nói.
Ngoài việc mời các nghệ sĩ có lượng fans đông đảo bất chấp chuyên môn không phù hợp, truyền hình thực tế còn hướng đến những gương mặt trẻ sau khi giành quán quân. Điểm chung của các giám khảo này là tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ, chuyên môn chưa vững vàng chỉ có chút tiếng tăm trước mắt. Ví dụ trường hợp của các ca sĩ Đông Nhi, Ông Cao Thắng ở chương trình “The Voice Kids”; Issac, Tóc Tiên, Văn Mai Hương làm giám khảo Vietnam Idol Kids; giọng ca trẻ Trọng Hiếu vừa đoạt giải Vietnam Idol chưa lâu đã làm giám khảo chính cuộc thi này. Trường hợp đặc biệt nhất là ca sĩ - diễn viên Hari Won sau khi xuất hiện trong một chương trình truyền hình thực tế bỗng nhiên trở thành giám khảo nhiều game show dù cô nói tiếng Việt chưa sõi, giọng hát, diễn xuất không được đánh giá là tài năng nổi bật. Có chương trình, nhà sản xuất còn “liều” đến mức mời cả giọng ca nhí Phương Mỹ Chi ngồi cùng “ghế nóng” với các nghệ sĩ tên tuổi để chấm thi.
>>>> Xem video hình ảnh Chà Mi bóp chân cho Thùy Dương gây tranh cãi:
Người “say” nghề ít ngồi ghế gameshow?
Đó là khẳng định của khá nhiều nghệ sĩ khi chúng tôi đặt ra câu hỏi: Nếu nhận được lời mời làm giám khảo, nghệ sĩ có tham gia gameshow hay không? Lý do khiến nhiều nghệ sĩ “nói không” với game show chủ yếu bởi họ chú tâm làm nghề, không mấy hứng thú với những chương trình tương tác và bản thân họ cũng tự cho rằng mình không đủ sức hút đối với những đơn vị quảng cáo, những “chiêu trò” câu view, sắp đặt...
Thực tế cho thấy, vị trí giám khảo chưa bao giờ đơn giản, nhưng nghịch lý là nó ngày càng trở nên “rẻ rúng” ở truyền hình thực tế. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi ngồi ghế giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 1992 đã sẵn sàng “đối đầu” với đám đông đang phản đối dữ dội kết quả chung cuộc bằng câu nói nổi tiếng: “Người ta đang chửi, nhưng tôi tin chúng ta đúng”. Còn bây giờ, khi truyền hình thực tế phủ sóng rộng rãi cũng là lúc khán giả nhận ra chưa bao giờ làm giám khảo “dễ” thế.
Để bảo vệ cho mục đích “câu view” cũng như sự tồn tại của truyền hình thực tế, nhiều nhà sản xuất phân tích rằng, nếu không có yếu tố giải trí hay chiến lược “câu” rating đồng nghĩa với chuyện ê-kíp thực hiện đang tự “khai tử” chương trình. Các gameshow nước ngoài đề cao tính hài hước, giải trí và tương tác khán giả nhưng hoàn toàn không có chuyện giám khảo phát ngôn dung tục, xúc phạm thí sinh hoặc biến chương trình thành nơi “trình diễn” cái tôi của mình. Khán giả có nhu cầu thưởng thức giải trí, nhưng đó phải là giải trí lành mạnh, tích cực chứ không phải những chương trình lệch chuẩn về văn hóa, ứng xử. Không quá lời khi nói rằng, mức độ thành công, lan tỏa của các chương trình truyền hình thực tế là nhờ những đóng góp khá lớn của các vị giám khảo, huấn luyện viên. Bởi thế, một khi chương trình đã bắt đầu dễ dãi, thực dụng từ khâu lựa chọn người “cầm cân nảy mực” thì việc chất lượng đi xuống, khán giả bức xúc là hậu quả có thể xác định được ngay từ ban đầu.
Giọng ca Opera quốc tế Ninh Đức Hoàng Long chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội: “Ở Hungary nói riêng hay nước ngoài nói chung thì các gameshow vẫn có yếu tố “câu view” và người nước ngoài chính là một trong những đối tượng họ hướng đến, thay vì các chiêu trò “rẻ tiền”, nhảm nhí. Từ khi tôi được khán giả Hungary biết đến thì năm nào cũng “phải” nhận vài cuộc điện thoại mời tham gia gameshow như: X-factor, Rasing star, Hungarian got talent. Họ luôn đưa ra những lời mời chào hấp dẫn và hứa hẹn tương lai tốt đẹp. Tôi luôn biết chắc một điều là tham gia các game show giải trí với lượng khán giả đông đảo là cách tiếp cận công chúng nhanh nhất. Tuy nhiên tôi luôn lựa chọn những sân chơi đề cao tính chuyên môn. Trong năm tới có thể tôi sẽ tham gia Virtuozok - một cuộc thi âm nhạc cổ điển trên truyền hình Hungary. Tất nhiên, đã là cuộc thi phát sóng trên truyền hình thì yếu tố giải trí là tất yếu, song không vì thế mà có thể chấp nhận để sự lố lăng chi phối, lấn át yếu tố chuyên môn”.